Người già cô đơn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 24/10/2021
Nhiều lần đi làm tôi có dịp gặp gỡ với người cao tuổi (NCT), có người quen, có người lạ. Vậy nhưng câu chuyện giữa tôi với các cụ thường rất dài. Có khi là cả những chuyện không liên quan đến mục đích gặp gỡ của chúng tôi. Tôi nhận ra một điều là các cụ sẵn sàng trút bầu tâm sự với tôi - một người không quen biết bởi vì các cụ đang cô đơn. Đó là nỗi cô đơn vô hình thường trực của tuổi già, rất cần được sẻ chia, tâm sự.
Có nhiều nguyên nhân khiến người già cảm thấy cô đơn. Đó là do tuổi tác, sức khỏe giảm sút. Nhiều người không còn đủ sức khỏe để thường xuyên ra khỏi nhà, vận động và giao lưu với mọi người. Con cháu thường bận rộn với cuộc sống, lại ít có thời gian quan tâm nói chuyện với người già. Trong khi đó, người già có vốn sống nhiều nên luôn có nhu cầu được sẻ chia. Từng ấy thứ tích tụ khiến người già có thể trút bầu tâm sự với bất kỳ ai khi gặp gỡ, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc để phòng chống dịch thì nhu cầu giải tỏa nỗi cô đơn của người già lại càng cao hơn.
Việt Nam chúng ta đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo dự báo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, đến năm 2030, tỷ lệ NCT Việt Nam chiếm 17% và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050, đất nước ta sẽ bước vào giai đoạn “dân số siêu già”. Tại Hải Dương, tỷ lệ NCT tăng nhanh (năm 2009 chiếm 11,5% số dân, năm 2019 tăng lên là 15,5%) và là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về già hóa dân số.
Số NCT tăng cao đồng nghĩa đặt ra nhiều khó khăn, thách thức để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Đó là gánh nặng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức sức khỏe cho NCT. Đối với Hải Dương gánh nặng này rất lớn và ngày càng gia tăng. Bởi tại tỉnh ta có tới 76% số NCT sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn; khoảng 45% NCT không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, ít có tiết kiệm để chi tiêu khi tuổi già, trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.
Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, các cấp ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ngành y tế đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, khám và điều trị bệnh, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT tại gia đình, cộng đồng. Nhiều mô hình, câu lạc bộ giúp NCT sống vui, sống khỏe hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, ngày 31.12.2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Và Tháng hành động vì NCT năm nay (tháng10), Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam và Trung ương Hội NCT Việt Nam đã phát động hưởng ứng với chủ đề "Chung tay chăm sóc NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn"...
Người già rất nhạy cảm. Họ không chỉ cảm thấy cô đơn mà còn rất dễ tủi thân. Với những người ốm đau phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của con cháu thì càng gặp nhiều áp lực, thậm chí là thường trực nỗi lo lắng khi làm phiền con cháu. Vì vậy, bên cạnh những động thái tích cực từ xã hội nhằm nâng cao đời sống cho NCT thì bản thân mỗi gia đình cần tạo môi trường thân thiện để NCT bớt nỗi cô đơn, sự tủi thân của tuổi già. Việc chăm lo, quan tâm đến NCT không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của con cháu mà đó còn là tình cảm ấm áp trong mỗi gia đình.
NGỌC THANH