Vợ chồng trẻ cưu mang những em bé dân tộc thiểu số cơ nhỡ

Xã hội - Ngày đăng : 10:32, 24/10/2021

Dù không giàu có nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn rộng lòng đón nhận nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số về chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo cho các em một mái ấm đầy tình thương yêu và cơ hội học hành.


Chị Kiều Thị Thu Lý và anh Đỗ Văn Dương đang vun đắp một tổ ấm che chở cho nhiều em nhỏ thiệt thòi

Họ ở nhà trọ, mưu sinh bằng cửa hàng bán vịt quay, nhưng "tài sản" mà họ đang có khiến nhiều người khâm phục. Đó là 7 đứa trẻ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được nhận về để nuôi dưỡng, học hành.

Mái ấm "giàu có"

5 giờ 45 sáng, 4 em bé người Mông nói chưa sõi tiếng Kinh: Giàng A Sồng (9 tuổi), Giàng A Sềnh (7 tuổi), Mua A Diu (8 tuổi) và Mua A Giàng (6 tuổi) bật dậy khi nghe tiếng mẹ gọi. Dù trời đã trở lạnh, việc bước ra khỏi chăn ấm là rất khó khăn nhưng các em rất tự giác. Chỉ 15 phút, tất cả các em đã vệ sinh cá nhân xong, ngồi vào bàn ăn sáng. Mỗi sáng các em đều vui vẻ, hớn hở đến trường như thế.

Năm nay, 4 em cùng vào lớp 1. Nhìn các em ríu rít trong vòng tay của bố mẹ, ít ai biết được rằng các em là những em bé người dân tộc thiểu số, được bố mẹ nhận về đỡ đầu. Sồng và Sềnh, Diu và Giàng là 2 cặp anh em ruột mới được chị Kiều Thị Thu Lý (sinh năm 1990) và anh Đỗ Văn Dương (sinh năm 1989) đón về đỡ đầu từ tháng 5.2021. Các em có hoàn cảnh rất đặc biệt, cặp thì mồ côi mẹ, cặp thì vắng bố.

Vợ chồng chị Lý, anh Dương thuê nhà ở phố An Ninh, TP Hải Dương, làm nghề bán vịt quay. Cửa hàng "Vua vịt Đỗ Gia" cũng chính là mái ấm hiện đang đỡ đầu 7 em nhỏ người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Mái ấm đông con ấy chỉ có nguồn thu từ nghề bán vịt quay nhưng chưa bao giờ ngớt tiếng cười đùa. Anh chị không bao giờ quên giờ khắc xúc động khi 4 đứa con nhỏ tự bảo nhau đứng khoanh tay, xin phép được gọi là "bố mẹ".

"Những năm vừa qua vợ chồng mình có cơ hội đi nhiều nơi, được chứng kiến sự thiếu thốn của những em bé người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bữa cơm của các em nhiều khi chỉ là cơm chan với nước trắng. Các em chống chọi với mùa đông khắc nghiệt chỉ với những manh áo, chiếc quần không đủ ấm, mà cũng có em có, có em thì không... Muốn được làm điều gì đó cho các em ấy quá" - đó là những dòng chia sẻ trên Facebook của chị Kiều Thị Thu Lý lý giải cho việc làm nhân ái của anh chị.

Mối nhân duyên đón các em bé người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn về đỡ đầu bắt nguồn từ việc anh chị cùng tham gia sinh hoạt trong một nhóm thanh niên chuyên làm việc thiện. Chị Lý quê gốc ở Hà Tây (cũ) lấy chồng rồi theo anh Dương về thị xã Kinh Môn sinh sống. Tham gia hoạt động thiện nguyện nhiều năm, tâm nguyện cưu mang những em bé bất hạnh cũng là mong mỏi của anh Dương thấm dần sang người vợ trẻ.

Năm 2016, lần đầu tiên anh chị đón 2 cháu bé là anh em ruột từ Tuyên Quang về chăm sóc. Việc đón các cháu rất tình cờ, trong một chuyến đi từ thiện, anh Dương thấy 2 em  11 và 12 tuổi, bố đã mất, mẹ đi bước nữa. Các em ở cùng chú ruột, nhưng chú đang rất khó khăn mà phải nuôi tới 6 đứa trẻ gồm cả con và cháu. "Nhìn bọn trẻ nghèo đói phải tự vào rừng tìm rau, tìm măng ăn thay cơm mà không cầm được nước mắt", anh Dương bàn với người chú ruột để được nhận các em về đỡ đầu. Đôi vợ chồng trẻ lúc đó ở quê, chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại của gia đình. Chị Lý nghĩ dẫu khó khăn nhưng đã đón các bé về thì sẽ cố gắng lo cho các con đi học, khác hẳn cảnh sống mù mịt con chữ, đói nghèo ở quê nhà. Sau khi đón các bé về chị xin cho các con đến trường, nhờ các nhà hảo tâm kèm thêm cho các cháu tại nhà. 

Một tháng sau có gia đình người dân tộc Mông nhờ người nhắn anh chị giúp đỡ vì cảnh nhà quá khốn khó, không đủ ăn, không lo cho con tới trường được. Cùng lúc anh chị lại đón 2 cháu về nuôi ăn học. Bố mẹ ruột các cháu được anh chị hỗ trợ bằng cách tìm việc làm, cho ở nhờ. Sau nhiều năm làm ăn tích cóp, bố mẹ các cháu dần ổn định cuộc sống. 1 cháu đã về quê đi làm, 1 cháu hiện đang học lớp 12...

Năm 2018, khi có 2 cháu bước vào lớp 8 - 9, muốn tạo điều kiện tốt hơn cho các cháu học hành, anh chị quyết định rời quê lên TP Hải Dương sinh sống. Vốn liếng không có nhiều nên anh chị tìm thuê nhà gần trường xin cho con học rồi xoay xở tìm nghề để sinh sống. Vốn có sở thích thưởng thức món vịt quay, chị Lý bàn với chồng tự mày mò, học hỏi, chọn chế biến món vịt quay, vịt tiềm thuốc bắc để mưu sinh.

Hạnh phúc là thấy các con trưởng thành 

Thào Văn Mình và Thào A Sình là 2 anh em ruột được anh Dương, chị Lý đón về đầu tiên. Nay cả 2 đã lớn. Từ nhỏ, được anh Dương hướng dẫn, Mình sớm bộc lộ niềm say mê với các loại nhạc cụ. Học xong lớp12, em được vợ chồng anh Dương khích lệ để đi theo con đường mình yêu thích. Sình đang học lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương. Cùng đam mê như anh, Sình chơi được nhiều loại nhạc cụ: guitar, organ, piano...

"Về đây chúng cháu cảm nhận được tình yêu thương thực sự của một mái ấm gia đình có đầy đủ bố mẹ, các em, có sự đủ đầy về vật chất, tinh thần", Mình xúc động nói. Anh em Mình không còn phải vất vả làm nương rẫy kiếm cái ăn, không còn phải đi bộ vượt đèo qua nhiều cây số mới có thể đến trường. So với cuộc sống trước đây, Mình bảo: "Thực sự như một giấc mơ. Hơn 6 năm qua, anh em cháu được học hành đàng hoàng và đầy đủ. Chúng cháu đều được tạo điều kiện hết mức để học tập, kể cả các môn sở trường của mình".

Cũng nhờ vợ chồng anh Dương, Mình và Sình kết nối được lại với mẹ và em út đã bặt tin nhiều năm. Mình đang nỗ lực theo đuổi đam mê với âm nhạc. Qua bạn bè thiện nguyện, anh Dương tìm một nhà hảo tâm đang kinh doanh nhạc cụ ở TP Hải Dương để hỗ trợ em vừa giúp việc, vừa học hỏi. Ngoài giờ đi làm, Mình xứng đáng là "anh cả" thành thạo giúp vợ chồng anh Dương mọi việc trong nhà, từ dạy bảo, chăm sóc các em nhỏ đến làm hàng, bán hàng, đi giao hàng...

Tuy vất vả lo cho đàn con đông đúc, nhưng nụ cười luôn nở trên môi cặp vợ chồng trẻ. Bằng nhiều nỗ lực, anh chị đã cố gắng lo cho các con đủ đầy cả về tinh thần và vật chất. Các em bé đến trường đều có đủ sách vở, quần áo mới. "Ăn uống tằn tiện thế nào cũng xong, nhưng chúng tôi luôn cố lo cho các cháu đầy đủ để khi đến trường các cháu có thể tự tin, hòa đồng được với bạn bè", anh Dương tâm sự. Và không quản ngại khó khăn, anh luôn thức khuya dậy sớm để vun vén, chăm lo cho cả gia đình.

Ngoài lo cho các con đang ăn học, sinh sống tại nhà, chị Lý còn lập Quỹ "Chắp cánh ước mơ" trích ra từ nguồn thu nhập ít ỏi và lòng hảo tâm của mọi người để hỗ trợ các em nhỏ, các điểm trường học ở các tỉnh miền núi. Tháng 9 vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, anh chị đã trao 182 suất quà trị giá hơn 7 triệu đồng gồm đồ chơi, đồ dùng học tập cho các em bé học mầm non tại các điểm trường thuộc huyện Lũng Cú (Hà Giang). Số tiền dành dụm còn lại của quỹ, anh chị dự định tiếp tục mua sách vở tặng các cháu học sinh khó khăn trong học kỳ II năm học này.

Tấm lòng của anh Dương, chị Lý được nhiều thầy, cô giáo ở trường các con theo học biết, chia sẻ và từ đó nhân thêm nhiều tấm lòng hảo tâm trợ giúp cho các cháu. Trước khi bước vào năm học mới, các bé học tiểu học được bà con xóm phố tặng cho 3 chiếc xe đạp, nhiều sách vở, đồ dùng học tập... Nhiều người tình cờ biết đến việc làm tốt của anh chị khi đến mua vịt quay nên đã góp chút tấm lòng hảo tâm hỗ trợ các cháu. Chị Lý chỉ khiêm tốn: "Các anh chị chỉ cần ủng hộ, giới thiệu mọi người đến mua vịt quay là đã phần nào giúp chúng em chăm nuôi cho các cháu rồi".

Chỉ có một cửa hàng bán đồ ăn nhỏ, nhưng anh Đỗ Văn Dương, chị Kiều Thị Thu Lý đang vun đắp một tổ ấm che chở cho nhiều em học sinh không may cơ nhỡ. Mọi mệt nhọc, vất vả không làm cho anh chị chùn bước. Chị Lý bảo hạnh phúc vô cùng khi thấy những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành qua từng ngày tháng. Mái ấm ấy sáng thì ríu rít tiếng nô đùa, gọi nhau đi học, tối về bi bô tiếng trẻ học bài và trầm bổng tiếng chơi các loại nhạc cụ. Anh Dương cũng chính là "thầy" dạy nhiều loại nhạc cụ cho các con.        

“Anh em cháu không bao giờ quên công ơn nuôi dạy của bố mẹ. Chúng cháu sẽ cố gắng làm người thật tốt, sống tử tế để đền đáp công ơn, phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ mãi mãi” là những dòng chữ do Thào Văn Mình viết ra. "Quả ngọt" của anh Dương, chị Lý chính là động lực để đôi vợ chồng trẻ này tiếp tục bước đi trên con đường họ đã chọn. Họ chưa có ý định dừng lại việc làm nhân hậu của mình.

THU MINH