Tàn tích thời Phục Hưng của lâu đài 2 lần bị sét đánh
Khám phá - Ngày đăng : 16:16, 26/10/2021
Lâu đài Heidelberg (Heidelberger Schloss) là một trong những lâu đài đẹp nhất ở Đức và châu Âu. Nằm nép mình trên sườn đồi Königstuhl, hình bóng của công trình có thể nhìn thấy từ hầu hết mọi nơi trong thành phố cổ Heidelberg.
Mỗi năm, hàng triệu du khách đến thăm lâu đài Heidelberg. Công trình kiến trúc bằng đá sa thạch đỏ tuyệt đẹp này được coi là một biểu tượng của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Kiến trúc lâu đài là kết quả của sự pha trộn phong cách Gothic và Phục Hưng. Mỗi tòa nhà ở đây nêu bật một thời kỳ khác nhau của kiến trúc Đức.
Lâu đài có lịch sử lâu đời như chính thành phố Heidelberg. Ảnh: Travel Meets Culture |
2 lần bị sét đánh và chiến tranh tàn phá
Lịch sử của lâu đài Heidelberg là một chu kỳ xây dựng và phá hủy. Lần đầu tiên địa điểm này được đề cập là vào năm 1214, khi Louis I, Công tước xứ Bavaria, tiếp nhận nơi đây như một món quà từ hoàng đế Friedrich II.
Toàn bộ lâu đài bao gồm loạt công trình có phong cách kiến trúc khác nhau được xây dựng trong nhiều thời kỳ. Theo Exploring Castles, người ta cho rằng những nền móng đầu tiên của lâu đài được xây dựng vào thế kỷ 11, với hai khu riêng biệt, lâu đài phía trên và lâu đài ở dưới.
Từ năm 1508, dưới thời của Tuyển hầu tước Ludwig (Louis) V, Heidelberg thực sự bắt đầu được mở rộng. Ludwig V đã cho xây dựng nhiều tòa nhà kiên cố và cổng chính. Vào năm 1537, các tòa nhà của lâu đài phía trên đã bị sét đánh và lửa thiêu rụi. Những tàn tích mà chúng ta có thể thấy ngày nay là khu lâu đài ở dưới.
Tòa nhà Friedrichsbau được Friedrich IV xây dựng vào đầu thế kỷ 17 |
Tuyển hầu tước kế nhiệm, Otto-Heinrich, tiếp tục cho xây dựng những tòa nhà hoành tráng, nguy nga hơn như Renaissance Wings. Hai Tuyển hầu tước tiếp theo (đều tên là Friedrich) đã bổ sung các cung điện theo phong cách baroque và những khu vườn Hortus Palatinus...
Cuối những năm 1600, quân Pháp chiếm phá lâu đài. Năm 1689, họ cho nổ tung tháp Powder và làm lâu đài bị hư hại nặng nề. Năm 1693, họ quay trở lại và khiến hầu hết lâu đài bị đổ nát. Người dân địa phương cố gắng khôi phục lại lâu đài Heidelberg, nhưng những nỗ lực của họ đều vô ích.
Vào năm 1764, phần còn lại của lâu đài một lần nữa bị sét đánh, với một ngọn lửa thiêu rụi tàn tích. Kể từ thời điểm này, số phận của Heidelberg như một đống đổ nát vĩnh cửu đã bị phong ấn.
Giờ đây, một số công việc tái thiết lâu đài vẫn đang được thực hiện với những giàn giáo xung quanh các công trình |
Sức hút của những tàn tích tráng lệ
Lâu đài Heidelberg được xây dựng lại trong suốt thể kỷ 19. Cho tới nay, nhiều phần của nơi đây vẫn nằm trong đống đổ nát.
Tuy nhiên, những tàn tích có một sự quyến rũ riêng và lịch sử rắc rối cũng làm tăng thêm sự độc đáo. Cùng với đó, sức hút của lâu đài còn đến từ vẻ lãng mạn của những kiến trúc cổ tráng lệ giữa cảnh quan thiên nhiên thanh bình.
Lâu đài Heidelberg là điểm đến thu hút các nghệ sĩ, nhà văn và nhà thơ, những người muốn chiêm ngưỡng tàn tích của các tòa nhà vĩ đại một thời được bao bọc bởi cây thường xuân. Trong suốt những năm 1800, tàn tích của lâu đài đã được lý tưởng hóa bởi phong trào lãng mạn. Đặc biệt, những mô tả của Mark Twain về Heidelberg đã khiến lâu đài trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Những cấu trúc của lâu đài Heidelberg chủ yếu làm bằng đá sa thạch |
Ngày nay, đến thăm lâu đài cổ kính này, du khách mua vé vào cổng và khám phá những công trình cổ ngoạn mục. Với một chuyến tham quan có hướng dẫn, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện về di tích đã trải qua chuỗi "thăng trầm biến động" trong lịch sử.
Những khu vườn Hortus Palatinus từng được xưng tụng là "Kỳ quan thứ 8 của thế giới", với nhiều thảm hoa, mê cung, tác phẩm điêu khắc, ao cá lớn, thác nước và hang động nhân tạo... Fassbau (hầm rượu) từ năm 1590 là nơi chứa thùng rượu lớn nhất thế giới - Hidelberg Tun. Thùng rượu lớn đến mức phải mất 130 thân gỗ sồi để làm và có thể chứa 220.000 lít rượu vang.
Tòa nhà Ottheinrich của lâu đài là một trong những tòa nhà cung điện có sớm nhất thời Phục Hưng, được trang trí với các tác phẩm điêu khắc ấn tượng. Trong đó, Herrensaal (hội trường Hiệp sĩ) và hội trường Hoàng gia có nhiều triển lãm đặc biệt. Ở tầng dưới tòa nhà là Bảo tàng Thuốc bào chế (Deutsches Apotheken-Museum), nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử của hiệu thuốc và các quầy thuốc.
Bảo tàng Thuốc bào chế gồm văn phòng dược sĩ, phòng thí nghiệm, dược điển, bản thảo, một loạt các bình, cối và hơn 1.000 loại thuốc đại diện cho y học từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 |
Mỗi năm, vào mùa hè, lâu đài Heidelberg sẽ có 3 sự kiện chiếu sáng và bắn pháo hoa. Hoạt động này được thực hiện để tưởng nhớ 3 lần lâu đài bốc cháy (1689, 1693 và 1764). Hai lần hỏa hoạn là do chiến tranh với người Pháp và lần cuối do sét đánh.
Từ lâu đài, du khách sẽ có tầm nhìn toàn cảnh ra trung tâm thành phố cổ Heidelberg |
Theo Zing