Xây dựng chính sách đặc thù với các địa phương thời điểm này chưa phù hợp
Chính trị - Ngày đăng : 11:22, 27/10/2021
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung
Sáng 27.10, góp ý trực tuyến vào dự thảo Nghị quyết quy định chính sách đặc thù đối với các tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đồng tình với việc xây dựng định hướng phát triển các địa phương vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số địa phương có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế chính sách đặc thù, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh.
Các địa phương được lựa chọn để xây dựng áp dụng các chính sách đặc thù đều là những địa phương có những tiềm lực phát triển về kinh tế, vốn có những thế mạnh về địa lý, văn hóa, tài nguyên... Vì vậy, đầu tư phát triển trọng điểm tại các địa phương này sẽ có khả năng mang lại hiệu suất phát triển kinh tế cao.
Tuy nhiên, theo đại biểu Dung, việc ban hành các chính sách đặc thù tại các địa phương cần cân nhắc, lưu ý một số đặc điểm. Thứ nhất, dịch bệnh Covid - 19 diễn biến nhanh, phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực (bao gồm cả nhân lực, vật lực và số tài chính ngân sách khổng lồ) để chi cho công tác phòng chống dịch. Dịch bệnh còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định không thể lường trước được, nên cần dự liệu và chuẩn bị nguồn ngân sách để có khả năng chống chịu nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đồng thời, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới là đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế toàn diện trên cả nước, trong và sau đại dịch, không chỉ cho riêng bất kỳ địa phương nào. Trong khi ngân sách trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết tài chính về các địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đại biểu cho rằng: “Xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách trung ương”.
Đại biểu Ngọc Dung đề nghị nên cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Thứ hai, hiện nay, chúng ta đã áp dụng chính sách đặc thù tại một số địa phương. Vì vậy, cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương, các vùng kinh tế là do tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù hay phát triển chủ yếu dựa trên thế mạnh vốn có của các tỉnh. Sau khi áp dụng các chính sách đặc thù, địa phương có phát triển như kỳ vọng? Từ đó, đánh giá tính hiệu quả của cơ chế đặc thù để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, không nên áp dụng dàn trải ở quá nhiều địa phương khi chưa có những tổng kết, đánh giá sau quá trình triển khai thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một chính sách .
Thứ ba, theo đại biểu Ngọc Dung, khi xây dựng các chính sách đặc thù cần lưu ý đến sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, đề cao vai trò điều hòa của Nhà nước đối với sự phát triển cân bằng giữa các vùng. Mỗi thời điểm nhất định, với nguồn lực có hạn cần tập trung đến những nơi có tiềm năng, hiệu suất phát triển cao. Sau khi địa phương đó phát triển rồi, cần tập trung nguồn lực và xây dựng chính sách đặc thù đối với địa phương khác, tránh để xảy ra sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cùng khu vực.
PV