Tiêm vaccine sẽ giúp trẻ bớt được triệu chứng nặng khi mắc bệnh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 18:00, 27/10/2021

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời phỏng vấn về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc.

Tiem vaccine se giup tre bot duoc trieu chung nang khi mac benh hinh anh 1

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Từ tháng 11.2021, Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên toàn quốc. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại Việt Nam.

Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng; bảo đảm an toàn cho trẻ em.

- Thưa ông, vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi vừa được Bộ Y tế công bố là vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất. Vậy ông có thể cho biết với vaccine này đã có những thông tin về hiệu quả bảo vệ hay phản ứng sau tiêm như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển: Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên 12 tuổi, bao gồm cả nhóm trẻ em có bệnh nền. Tại Mỹ tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ trên 12 tuổi đã đạt trên 50%.

Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Tại Việt Nam, chúng ta triển khai theo lộ trình tiêm cho nhóm tuổi 16-17 trước, sau đó hạ dần đến nhóm tuổi 12.

-  Vậy quy trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ sẽ như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cũng như quy trình tiêm cho người lớn. Cần thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định. Đó là các trường hợp liên quan đến phản ứng phản vệ ở mức độ 2. Còn lại các trường hợp khác đều có thể chỉ định tiêm.

Một số trường hợp như trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính, béo phì… cần chỉ định tiêm tại Trung tâm y tế hoặc tại bệnh viện giống như đối với người lớn.

Việc tiêm chủng cũng được tổ chức theo các điểm tiêm như đang triển khai tiêm cho người lớn. Đối với trẻ em có thể còn thuận lợi hơn vì tổ chức tiêm ở các trường học. Tại các điểm tiêm nhà trường, cơ sở y tế sẽ tham gia hỗ trợ, phối hợp quy trình tiêm với các thầy cô giáo.

Tại mỗi điểm tiêm này cũng sẽ tập trung theo dõi sau tiêm và đánh giá sau tiêm với trẻ. Khi trẻ về nhà, thì gia đình theo dõi những dấu hiệu sức khoẻ của trẻ theo tờ hướng dẫn được phát sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi cần.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua các địa phương đã thành lập những đội y tế cơ sở và những đội cấp cứu lưu động để có thể đáp ứng được trong những tình huống xảy ra những phản ứng bất lợi.

- Đối với nhóm trẻ nhỏ hơn 12 tuổi thì việc tiêm phòng sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển: Với vaccine phòng COVID-19, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy hiệu quả về tính an toàn và tính sinh miễn dịch cho những người trên 18 tuổi. Và trên thế giới hiện tại nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi cũng đang được được các nước tiếp tục chỉ định tiêm. Đối với trẻ em từ 5-12 tuổi một số các nước cũng đã có dữ liệu tiêm.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ em trong độ tuổi nhỏ hơn trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Hiện Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi, tuy nhiên phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó thì chúng ta sẽ tiêm.

- Theo ông, trẻ em mắc COVID-19 có khác biệt gì với người lớn hay không?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển: Theo dữ liệu hiện nay trên toàn thế giới, số lượng trẻ em mắc COVID-19 cũng không hề nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ các cháu mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi.

Chúng ta cần tiêm vaccine cho trẻ em để bảo đảm trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN