Phân loại rác thải tại nguồn gặp nhiều khó khăn

Xã hội - Ngày đăng : 09:38, 28/10/2021

Trên địa bàn Hải Dương đã có một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Kết quả bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng quá trình thực hiện và triển khai nhân rộng còn gặp không ít khó khăn.


Hội viên nông dân xã Minh Tân (Nam Sách) tham gia mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Ít người tham gia

Cuối tháng 12.2020, Hội Phụ nữ xã Quang Khải (Tứ Kỳ) đã chọn 39 hội viên tại thôn Tân Quang tham gia mô hình điểm “Nói không với rác thải nhựa, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”. Các hộ tham gia được hỗ trợ nắp đậy bằng nhựa cao cấp và 1 gói men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ; cam kết thực hiện đúng các quy trình phân loại, thu gom, xử lý rác hữu cơ. Sau gần 8 tháng tích cực vận động, mô hình này đã được triển khai đến các hội viên khác. Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình này gặp không ít khó khăn.

“Khi triển khai thực hiện mô hình, chúng tôi phải tới từng gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên nên khá vất vả. Men vi sinh chỉ được hỗ trợ 1 lần và mới giúp xử lý được một phần rác thải hữu cơ, còn các loại rác thải khác chưa xử lý được”, chị Trần Thị Làn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Khải nói. 

Tháng 4.2021, 33 hội viên của Hội Nông dân xã Minh Tân (Nam Sách) đã được hỗ trợ tham gia mô hình "Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình". Mỗi hộ tham gia thực hiện mô hình được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 thùng chứa rác loại 200 lít và 2 kg chế phẩm sinh học. Khi thực hiện, hội viên phải chủ động phân loại rác thải thành 2 loại riêng biệt. Rác thải hữu cơ được cho vào thùng chứa, ủ chế phẩm sinh học để tạo thành phân bón, còn rác thải vô cơ được thu gom vận chuyển ra bãi rác thải tập trung của xã. Phần lớn các hộ tham gia mô hình đều thực hiện tương đối tốt. Nhưng cũng có hội viên sau khi thực hiện được một thời gian thì chuyển cho người khác.

Ông Đặng Văn Tập (ở thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân) chia sẻ, do lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày ít, gia đình lại không có vườn cây nên ủ rác thải hữu cơ thành phân bón cũng không biết để làm gì. Ngoài ra, do gia đình có nhiều trẻ em nên các cháu chưa có ý thức phân từng loại rác thải riêng biệt. "Sau khi sử dụng một thời gian ngắn, tôi thấy mô hình này chưa phù hợp với gia đình nên đã chuyển cho hộ khác", ông Tập nói.  

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2019 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng được 15 mô hình “Nói không với rác thải nhựa, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn” với sự tham gia của 700 hội viên. Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp xây dựng 13 mô hình nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình với sự tham gia của 485 hộ. Ngoài ra, còn có một số mô hình do Hội Nông dân cấp huyện thực hiện. Thực tế con số này cho thấy, trong 3 năm triển khai mô hình thì số lượng hội viên tham gia, thực hiện còn khiêm tốn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Kết quả nghiên cứu, khảo sát thành phần chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cho thấy, thành phần chất thải hữu cơ chiếm gần 70%, còn lại là chất thải vô cơ. Việc thực hiện phân loại tại nguồn sẽ giảm phần lớn khối lượng chất thải phải đốt, tiêu hủy, từ đó giảm chi phí xử lý, thu hồi, tái sử dụng được các thành phần có ích. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định, chậm nhất đến ngày 31.12.2024 bắt buộc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn quốc. Như vậy, phân loại tại nguồn là xu thế tất yếu đối với hoạt động quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nguyễn Vũ Xuân Thi, để các mô hình này thật sự phát huy được hiệu quả, cần các biện pháp dài hơi. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cần thay đổi cách thức thu gom rác thải cho phù hợp; có cơ chế để sớm thu hút xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, xử lý, phân loại rác thải rắn tại nguồn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tất cả chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Để triển khai thành công hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cần phải triển khai đồng bộ các hoạt động, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý từng loại chất thải sau phân loại. Cùng với cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng, thì sự đồng thuận của toàn dân và việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền là rất quan trọng. Cần xem xét đưa công tác bảo vệ môi trường và phân loại, thu gom xử lý chất thải trở thành tiêu chí thi đua của các cấp, ngành, địa phương và các gia đình.

HOA LAN