Hé lộ về lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới của Triều Tiên
Tin tức - Ngày đăng : 10:30, 31/10/2021
Theo trang Insider, vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hàng nghìn khẩu pháo và hàng triệu binh sĩ trung thành là cốt lõi sức mạnh của Triều Tiên. Nhưng Bình Nhưỡng còn có một lợi thế khác: Đó là một lực lượng đặc nhiệm quân đội cực kỳ mạnh mẽ.
Không có nhiều thông tin về đội quân này, nhưng họ được cho là đã được huấn luyện rất tốt, ý chí mạnh mẽ. Bình Nhưỡng có thể sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm trước, hoặc sớm trong một cuộc chiến tiềm tàng nhằm làm gián đoạn các hoạt động quân sự của đối phương.
Các binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên tại lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, ở Bình Nhưỡng, ngày 15.4.2017. Ảnh: Reuters |
Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) là một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, với quân số tại ngũ khoảng 1,3 triệu người. Bình Nhưỡng cũng có trên 200.000 binh sĩ thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt (Special operations force - SOF), được tổ chức theo đội hình tiêu chuẩn, như lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và nhỏ hơn, với trang bị chuyên dụng hơn.
Một đơn vị hoạt động đặc biệt điển hình có từ 3.000-5.000 lính biệt kích, và thuộc các nhánh khác nhau của quân đội Triều Tiên, trong đó có cơ quan tình báo của Bình Nhưỡng là Tổng cục Trinh sát.
Các đơn vị SOF của Triều Tiên có thể được chia theo chuyên ngành. Các đơn vị trinh sát chuyên thu thập thông tin tình báo và chuyển về trụ sở. Đơn vị không vận có thể xâm nhập bằng đường không và chiếm giữ các mục tiêu như sân bay, cầu, cảng. Các đơn vị hàng hải có thể xâm nhập từ tàu ngầm, tàu mặt nước và tiến hành các cuộc đột kích ven biển. Các đơn vị biệt kích có thể tiến hành chiến dịch chiến đấu trực tiếp, như tổ chức các cuộc đột kích.
Quân đội Triều Tiên có thể được trang bị rất tốt như thể hiện trong các cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng, nhưng những vũ khí và thiết bị đó không nhất thiết phải được phân bổ đều cho các lực lượng. Do nhận những nhiệm vụ đặc biệt, các đơn vị biệt kích của Triều Tiên luôn được ưu tiên trang bị và đào tạo tốt nhất.
Trong một báo cáo gần đây, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết, "SOF của Triều Tiên được đào tạo và trang bị tốt so với các đơn vị khác, và nếu xâm nhập thành công vào miền Nam, sẽ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công gây rối ở khu vực hậu phương”.
Tuy trang bị vẫn còn thô sơ so với các đơn vị đặc nhiệm của các nước khác, thua kém về công nghệ hoặc hậu cần so với Mỹ và Hàn Quốc, lực lượng biệt kích Triều Tiên là những chiến binh tận tụy và nguy hiểm.
Theo quân đội Mỹ, học thuyết và chiến thuật của KPA đối với các hoạt động trên bộ phần lớn vẫn giữ nguyên kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào đầu những năm 1950. Lực lượng đặc nhiệm đóng một phần quan trọng trong học thuyết chiến đấu của KPA, lực lượng này tìm cách tấn công mục tiêu đối phương đồng thời từ nhiều góc độ.
Lực lượng đặc nhiệm quân đội Triều Tiên nhấn mạnh đến tốc độ và tính bất ngờ. Lực lượng này có hai nhiệm vụ chiến lược: Thâm nhập vào khu vực của đối phương, tiến hành các cuộc chiến tranh phi truyền thống, phá hoại ở hậu tuyến; Và bảo vệ Triều Tiên trước các đơn vị hoạt động đặc biệt của Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Nếu một cuộc chiến tranh lớn nổ ra, lực lượng Triều Tiên sẽ nhanh chóng băng qua Khu phi quân sự, có thể lặp lại giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên khi các lực lượng Bình Nhưỡng đẩy lùi quân đội Hàn Quốc và lực lượng Liên hợp quốc ra sát biển.
Trong kịch bản như vậy, các đơn vị bộ binh hoặc cơ giới hạng nặng của Triều Tiên sẽ tấn công vào tiền tuyến của lực lượng Hàn Quốc và Mỹ. Các lực lượng hoạt động đặc biệt, được tổ chức thành các đơn vị biệt kích hoặc bộ binh hạng nhẹ, sẽ tiến hành chiến tranh phi truyền thống ở phía sau hoặc hai bên sườn, tấn công các tuyến tiếp tế, trung tâm chỉ huy và các cơ sở chiến lược khác.
Họ "sẽ là một kẻ thù khốc liệt" nếu chiến tranh nổ ra - một cựu lính Mũ Nồi Xanh từng phục vụ tại Hàn Quốc nói với Insider. “Mùa đông ở Triều Tiên không phải chuyện đùa, họ đã được huấn luyện để tồn tại và hoạt động trong môi trường như vậy. Họ sẽ chiến đấu đến người cuối cùng", người này cho biết.
Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng các hoạt động quân sự thông thường để đánh lạc hướng, tạo điều kiện cho các đơn vị đặc nhiệm xâm nhập vào khu vực của đối phương.
Năm 2010, 46 thủy thủ đã thiệt mạng khi tàu ngầm Cheonan của Hàn Quốc bị đắm. Seoul đã tiến hành điều tra và kết luận Triều Tiên phóng ngư lôi đánh đắm con tàu, mặc dù Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này. Vài tháng sau, Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc gần đường ranh giới trên biển của hai nước, khiến 4 người thiệt mạng.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Hàn Quốc, biệt kích Triều Tiên cũng có thể sẽ tìm cách tấn công nhằm vào các nhà lãnh đạo và trung tâm chỉ huy - kiểm soát của Hàn Quốc, gây hoang mang trong những giờ đầu của cuộc xung đột.
Đây không phải là lần đầu tiên biệt kích Triều Tiên thử làm điều đó. Vào năm 1969, một lực lượng tấn công đặc biệt của Triều Tiên đã thâm nhập Hàn Quốc với mục tiêu ám sát Tổng thống Park Chung-hee.
Đội biệt kích di chuyển nhanh và mạnh mẽ, tìm cách tiếp cận Nhà Xanh, nơi ở của ông Park ở Seoul. Trên đường đi, nhóm biệt kích đã bị một số dân làng Hàn Quốc phát hiện, do đó kế hoạch của họ bại lộ khiến Seoul kịp thắt chặt an ninh. Nhóm biệt kích ngụy trang thành lính Hàn Quốc, thực hiện tấn công vào Nhà Xanh và tại đây đã xảy ra cuộc đọ súng dữ dội với quân đội Hàn Quốc. Cuối cùng, chỉ có một biệt kích quay trở lại Triều Tiên thành công, những người còn lại bị bắt hoặc bị giết.
Tờ Insider cho rằng Triều Tiên có thể thường xuyên phóng đại về khả năng quân sự của mình, nhưng lực lượng hoạt động đặc biệt của họ thì không dễ bị coi thường.
Theo báo Tin tức