Pháp làm lành với Mỹ, song chưa bỏ qua Australia trong vụ AUKUS
Tin tức - Ngày đăng : 13:57, 01/11/2021
Leo thang căng thẳng xuất hiện tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome hôm 31/10. Tại đây, giới báo chí đã đặt câu hỏi đối với ông Macron liên quan đến quyết định của Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỉ USD Canberra ký kết với tập đoàn Navy Group (Pháp).
Khi được hỏi liệu ông Morrison có nói dối không, nhà lãnh đạo Pháp nói rằng ông không hề hay biết về quyết định hủy hợp đồng của Australia. “Tôi dành sự tôn trọng lớn với đất nước của các bạn, nhiều tôn trọng với tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Pháp và Australia. Tôi chỉ muốn nói rằng khi chúng ta có sự tôn trọng, chúng ta phải thật lòng. Mỗi bên cần hành xử theo hướng đó và thống nhất với thang giá trị này”, Tổng thống Macron trả lời câu hỏi của phóng viên người Australia.
Nhà lãnh đạo Pháp sau đó quay sang chê trách, chế nhạo chính quyền Canberra, nói rằng Australia đã đi từ một hợp đồng ký kết với Pháp về đóng tàu ngầm quay trở lại quy trình ban đầu về điều tra, nắm bắt việc mua tàu ngầm của Mỹ. “Với thỏa thuận ký với Pháp được đàm phán, hoàn tất dưới thời Thủ tướng Malcolm Turnbull, Australia đương nhiên nắm rõ khái niệm về sản xuất tàu ngầm thông thường và sẽ nhận được số tàu này theo thời gian biểu rõ ràng, đáng tin cậy. Nay Australia có 18 tháng để nghiên cứu, hoàn tất báo cáo về tiếp cận tàu ngầm Mỹ. Chúc may mắn!”, ông Macron nói.
Về phần mình, Thủ tướng Morrison, người có một vài cuộc trao đổi ngắn với ông Macron trong dịp dự hội nghị G20 nhằm khởi động lại tiến trình khôi phục quan hệ Pháp-Australia, đã phản bác lại quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp. Ông bác bỏ đánh giá cho rằng cá nhân ông là người lừa dối, cho rằng ông Macron là người hiểu rõ việc Australia sẽ theo đuổi lựa chọn từ bỏ dự án tàu ngầm ký với Pháp.
“Tôi đã giải thích rõ ràng [trong cuộc gặp với Thủ tướng Macron hồi tháng 6] rằng tàu ngầm thông thường chạy bằng động cơ diesel không còn đáp ứng được lợi ích chiến lược và nhu cầu của Australia”, Thủ tướng Morrison bày tỏ.
Khi được hỏi tại sao không trao đổi với nhà lãnh đạo Pháp về việc Australia mở các cuộc thảo luận về tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh, ông Morrison nói rằng điểm mấu chốt nằm ở yếu tố an ninh, bí mật. Bởi đây không phải là vấn đề có thể đem ra phô phang hay thảo luận rộng rãi. Ông tin rằng phản ứng quá mức của ông Macron là không thật, có tính toán, bởi phía trước là cuộc bầu cử tại Pháp vào tháng 4 tới.
Pháp đã bày tỏ giận dữ trước việc Australia cùng với Mỹ và Anh ra tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) hồi tháng trước, kèm theo đó là điều khoản Canberra từ bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm diesel ký với Pháp để chuyển sang dự án tàu ngầm dựa trên công nghệ hạt nhân của Mỹ.
Hóa giải mâu thuẫn này là điểm chi phối chương trình nghị sự của Thủ tướng Morrison tại Rome. Hôm 30/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp phá băng với ông Macron. Tại đây, ông Biden ngầm thừa nhận lỗi lầm do một số thành viên trong chính quyền Mỹ gây ra, cũng như vai trò của Australia.
“Những gì chúng tôi làm rất vụng về. Mọi chuyện đã được hoàn tất theo cách thức chưa thực sự khéo léo. Tôi có ấn tượng rằng Pháp đã được thông báo từ lâu trước đó rằng thỏa thuận sẽ không thành công”, Tổng thống Biden nói.
Về phần mình, ông Macron nhìn nhận Mỹ và Pháp ở thời điểm này cần “hướng đến tương lai”, đồng thời cho biết lãnh đạo hai đã nhất trí về nhiều vấn đề trong thông cáo chung, từ an ninh đến phòng chống dịch COVID-19 và năng lượng sạch.
Theo Báo Tin tức