Xây dựng vùng cà rốt chất lượng cao

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:31, 02/11/2021

Năm nay, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà rốt cho nông dân để loại cây trồng chủ lực này đạt giá trị cao hơn nữa.


Xây dựng chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng xuất khẩu 

Nhiều năm nay, cà rốt đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết bền vững.

Nâng cao chất lượng

Vụ này, chị Vũ Thị Ngát ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân (Nam Sách) phấn khởi hơn vì gần 2 mẫu cà rốt của gia đình nằm trong vùng trồng VietGAP. "Chúng tôi được HTX Dịch vụ nông nghiệp tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGAP, không phải lo tiêu thụ vì đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu", chị Ngát nói.

Xã Thái Tân hiện có 195 ha trồng cà rốt, chiếm hơn 95% diện tích rau màu cả xã. Trong đó có hơn 60 ha được quy hoạch vùng sản xuất cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia mô hình VietGAP đều được quản lý, giám sát chặt chẽ, có nhật ký ghi chép quá trình chăm bón hằng ngày.

Xác định kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng sản phẩm nên từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp các HTX dịch vụ nông nghiệp tập huấn cho hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV ở các vùng chuyên canh cà rốt trong tỉnh. Qua đó nhằm kiểm soát nguồn thuốc, lưu lượng thuốc sử dụng tại các vùng VietGAP.

Cà rốt là cây trồng chủ lực với thị trường xuất khẩu lớn nên việc nâng cao chất lượng luôn được tỉnh quan tâm. Ngoài những chính sách như hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, liên kết gắn với bao tiêu... năm nay tỉnh hỗ trợ xây dựng 8 vùng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 281 ha. Đây là năm đầu tiên tỉnh có cơ chế hỗ trợ xây dựng các vùng trồng cà rốt theo tiêu chuẩn an toàn. Các vùng này được hỗ trợ một phần kinh phí thuốc BVTV và tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Việc nâng cao, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng sản phẩm theo hướng tiêu chuẩn GAP là đòi hỏi cấp thiết. Do vậy, ngoài mô hình trồng cà rốt được cấp chứng nhận VietGAP thì toàn bộ diện tích cà rốt của tỉnh đều được sản xuất theo quy trình này.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khác với những năm trước, năm nay ngành nông nghiệp định hướng cho các địa phương sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, tùy thuộc vào yêu cầu của từng thị trường mà người dân điều chỉnh kỹ thuật sản xuất ở từng vùng phù hợp, bảo đảm các tiêu chí về mẫu mã, kích thước và chất lượng sản phẩm. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ tạo uy tín với khách hàng và giúp sản phẩm cà rốt của Hải Dương tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu”.


Nông dân xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) sản xuất cà rốt theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

Liên kết sản xuất

Năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 1.200 ha cà rốt, tương đương năm trước, tập trung tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh. Ngoài ra, nông dân còn thuê hàng nghìn ha trồng cà rốt ở các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, sản lượng cà rốt dự báo sẽ tăng nhiều so với các vụ trước.

Thương hiệu cà rốt Hải Dương đã được khẳng định nhưng giá bán sản phẩm chưa ổn định. Bởi vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là giải pháp tối ưu để giảm thiểu rủi ro về thị trường. Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cho biết: “Vụ này, xã có 30 ha trong tổng số 70 ha cà rốt VietGAP được Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương ký hợp đồng bao tiêu, tăng 20 ha so với vụ trước. HTX đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Các hộ sẽ không phải lo tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cũng an tâm khi có nguồn hàng bảo đảm chất lượng".

Tại xã Thái Tân, vùng trồng cà rốt lớn nhất của huyện Nam Sách, các chuỗi liên kết sản xuất cũng dần hình thành. Thay vì chỉ thu mua cà rốt vào cuối vụ thì ngay từ đầu vụ này đã có 3/4diện tích trồng cà rốt của xã đã được các đơn vị ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu. “Mỗi thị trường xuất khẩu sẽ có những yêu cầu khác nhau. Việc chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu sẽ giúp các doanh nghiệp bảo đảm chất lượng hàng hóa khi xuất vào các thị trường. Đây cũng là sợi dây liên kết bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường”, ông Đinh Bá Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân nói.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp cùng nhiều hộ kinh doanh thu mua và xuất khẩu cà rốt. Năm 2020, khoảng 75% sản lượng cà rốt được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản... Để duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, việc nâng cao chất lượng sản phẩm luôn phải đặt hàng đầu. Các doanh nghiệp cũng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ để chủ động nguồn hàng xuất khẩu. Điều này giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng.

TRẦN HIỀN