Quảng cáo chèn quá lộ trên phim chỉ gây chướng mắt

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 18:20, 07/11/2021

Mới đây, The Korea Times đã có bài viết về sự khó chịu của người xem khi những bộ phim Hàn Quốc lồng quảng cáo vào phim khá phản cảm. Người xem phim Việt cũng có cảm giác này.


Phim Jirisan của Hàn Quốc bị khán giả phản ứng vì quảng cáo một nhãn hiệu quần áo ngoài trời - Ảnh: THE KOREA TIMES

Bộ phim gần đây nhất đang bị chỉ trích là Jirisan của tvN.

Bên cạnh lời khen về khung cảnh ấn tượng đến choáng ngợp của công viên quốc gia Jirisan và câu chuyện về các nhân viên kiểm lâm ở đây, một số khán giả phàn nàn rằng họ... không thể biết Jirisan là phim truyền hình hay quảng cáo quần áo cho một thương hiệu quần áo ngoài trời nổi tiếng - một trong những nhà tài trợ chính của bộ phim.

Khán giả dò tìm cả cửa hàng bán bánh

Xem Jirisan, người xem cũng thấy lạ lùng bởi trong một cảnh phim nhân vật Seo Yi Gang được đồng nghiệp của cô ấy đưa cho một chiếc bánh sandwich khi ở văn phòng tạm trú ở công viên. Logo của bánh sandwich này trên giấy gói được hiển thị gần, cùng với người kiểm lâm đang thưởng thức nó.

Thương hiệu bánh sandwich này từng xuất hiện trong mùa đầu tiên của bộ phim truyền hình Hospital Playlist, nhưng lúc ấy người xem không quan tâm. Nay họ thấy điều đó không thực tế, thiếu tự nhiên khi bánh sandwich xuất hiện ở giữa vùng núi hoang vu...

Một số người xem thậm chí còn tìm kiếm các cửa hàng bánh sandwich ấy trên bản đồ trực tuyến và cho rằng cửa hàng gần nhất nằm ở thành phố cách nơi xuất hiện bánh 72km.

Hometown Cha-Cha-Cha, bộ phim được yêu thích thứ hai sau Hospital Playlist trong 16 phim Hàn được bình chọn hay nhất 2021 theo khảo sát của tờ Joy News 24, cũng bị chỉ trích trong tập cuối vì bánh pizza và một loại thực phẩm bổ sung sức khỏe chiếm vị trí trung tâm trong màn hình.

Việc đưa quảng cáo vào nội dung phim truyền hình Việt đã áp dụng khá lâu. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết: "Quảng cáo lồng ghép vào phim từng là trào lưu rất thịnh hành 5 năm trước, khi phim truyền hình đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Lúc đó, các nhãn hàng thích thể loại quảng cáo này vì dù mỗi tập chỉ có vài giây nhưng trong tổng số trung bình bộ phim 30 tập thì thời lượng xuất hiện lại nhiều, hiệu quả hơn quảng cáo. Tôi nhớ có lúc nhà sản xuất đã đề nghị đưa đến 9 sản phẩm quảng cáo vào phim tôi thực hiện. Gần đây phim Việt giảm sản xuất đáng kể nên quảng cáo nhãn hàng trong nội dung phim cũng ít đi".

Đạo diễn Xuân Phước, Giám đốc Hãng phim Xuân Phước, cũng cho biết những năm 1990, có phim chiếu rạp anh tham gia có chi phí sản xuất hoàn toàn từ tiền quảng cáo sản phẩm trong phim, còn hiện phim anh sản xuất chưa tập trung để tìm quảng cáo đưa vào nội dung phim.

Dù đúng là quảng cáo ít đi nhưng khán giả vẫn cảm thấy nhiều nhãn hàng xuất hiện lồ lộ trong các phim. Đó có thể là thương hiệu xe hơi, xe máy, ngân hàng, sữa, xà bông... Thậm chí, có nhiều sản phẩm lồng ghép khá khiên cưỡng.

Phim Hướng dương ngược nắng từng bị nhiều khán giả phàn nàn vì nhãn hàng về bánh, thuốc ho... được đưa vào phim theo cách khá "gượng ép". Một số diễn viên còn đọc lời quảng cáo sản phẩm như clip quảng cáo quảng cáo thông thường.


Trong tập 55 phần 2 phim Hướng dương ngược nắng, một sản phẩm thuốc ho được đưa vào nội dung khá phô: màn ảnh chiếu cận cảnh sản phẩm trong một thời gian ngắn - Ảnh cắt từ clip

Tìm tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và nhãn hàng

Làm thế nào lồng ghép sản phẩm vào phim để không phản cảm đó là công việc rất khó. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền đưa ví dụ: "Trong bộ phim Trò chơi con mực ở Hàn Quốc, những người tham gia trò chơi này mang chung một loại giày. Sự thành công của bộ phim giúp cho chỉ số bán giày của thương hiệu này tăng lên đáng kể. Nhưng ở Việt Nam thì cách quảng cáo như vậy khó được chấp nhận vì có hình ảnh giết chóc... Để lồng ghép sản phẩm vào phim không bị phản cảm, đạo diễn, biên kịch và đại diện thương hiệu phải làm việc với nhau rất kỹ lưỡng".

Trong khi đó, đạo diễn Xuân Phước nêu một thực tế khác: "Theo tôi, cần phân biệt giữa sản phẩm quảng cáo và đạo cụ trong phim. Một số phim Việt khi quay cứ phải che chỗ này giấu chỗ kia để nhãn hàng không vào màn hình khiến cho hình ảnh phim mất đi sự tự nhiên".

Theo một nhà sản xuất, để hạn chế sự phản cảm, đội ngũ biên tập và biên kịch cần phải hiểu rõ về sản phẩm được quảng cáo để đặt để nó vào những nội dung thật hợp lý, còn nhãn hàng cũng cần thấu hiểu tính hợp lý của những phân cảnh này.

Ví dụ như sẽ hoàn toàn hợp lý khi lồng ghép một sản phẩm đồ uống vào một phân cảnh vận động, nhưng nếu thay vào đó bằng thức ăn nhanh thì thiếu tinh tế.

"Sự tinh tế trong việc đưa quảng cáo vào nội dung sẽ giúp khán giả yêu mến bộ phim hay chương trình, có tình cảm với nhãn hàng. Còn khi lạm dụng, khán giả sẽ nhớ nhãn hàng đó nhưng nhớ theo kiểu đây là nhãn hàng gây ức chế..." - nhà sản xuất này nhận định.

Đạo diễn Xuân Phước cũng cho rằng điều quan trọng là êkip sản xuất đưa hình ảnh sản phẩm vào phim một cách khéo léo và có liều lượng hợp lý để khán giả xem phim không có cảm giác bị ép xem, nếu không sẽ gây phản ứng ngược lại từ phía khán giả.

Giảm tải áp lực về tài chính

Quảng cáo lồng ghép trong phim hoặc show truyền hình còn gọi là PPL (product placement) là một hình thức quảng cáo đã xuất hiện từ khá lâu. Ưu điểm của thể loại này, theo các nhà sản xuất phim truyền hình, là mang tính tự nhiên và không bị khán giả tua qua như giới thiệu sản phẩm trong mục chuyên quảng cáo.

Việc quảng cáo trong phim đã giúp nhà sản xuất giảm tải áp lực về tài chính trong sản xuất. Theo The Korea Times, các nhà sản xuất phim truyền hình được tài trợ khoảng 20% đến 30% chi phí sản xuất thông qua việc giới thiệu sản phẩm. Phim truyền hình Việt Nam chưa đạt tới tỉ lệ này nhưng... có còn hơn không.

Theo Tuổi trẻ