Minh bạch hóa nguồn tiền từ thiện

Xã hội - Ngày đăng : 11:12, 08/11/2021

Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Đại diện Hội Thiện nguyện Bình Giang trao hỗ trợ một trường hợp khó khăn ở xã Hồng Khê (Bình Giang)

Vá “lỗ hổng”

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11.12.2021 đã quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện cá nhân.

Thời gian vừa qua, dư luận trong nước xôn xao về những lùm xùm của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng về hoạt động từ thiện. Việc thiếu hành lang pháp lý cũng là nguyên nhân làm cho việc quản lý  vận động, phân phối tiền từ thiện còn những lỗ hổng.
Nghị định 93 thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Với nhiều điểm mới đáng chú ý, Nghị định 93 sẽ góp phần minh bạch hóa nguồn tiền từ thiện. 

Trước đây, theo Nghị định 64, chỉ có 4 nhóm cơ quan, đơn vị, tổ chức được kêu gọi từ thiện. Riêng cá nhân kêu gọi từ thiện thì không được điều chỉnh bởi pháp luật. Nghị định 93 bổ sung quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Tại mục 2, từ điều 17 đến điều 19 của Nghị định 93 quy định cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước. Theo đó, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú. UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Hội Thiện nguyện Kim Tân (Kim Thành) tặng quà Tết cho gia đình khó khăn ở xã Kim Tân

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện; bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Theo anh Trần Văn Thương, Trưởng Hội Thiện nguyện Bình Giang (Bình Giang), với yêu cầu cá nhân phải mở tài khoản riêng và việc thông báo, công khai thông tin sẽ góp phần làm minh bạch hoạt động thiện nguyện. Thời gian qua, có nhiều vụ việc liên quan đến các cá nhân kêu gọi từ thiện trên mạng rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số người lại lợi dụng việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi, đi từ thiện mà có thái độ, hành vi không đúng mực ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của từ thiện.

Thực tế, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được chia sẻ, giúp đỡ. Vấn đề đặt ra là làm sao để vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” vừa có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh việc lợi dụng từ thiện để trục lợi. Nghị định 93 ra đời đã phần nào khắc phục được vấn đề trên.

Câu lạc bộ Nhân Thiện Tâm Hải Dương hỗ trợ xã vùng cao Làng Nhì, huyện Trạm Tấu (Yên Bái)

Quy định thời gian tiếp nhận, phân phối

Ngoài việc vận động, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, Nghị định 93 đã bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện. Nghị định cũng bổ sung thêm đối tượng là các doanh nghiệp, HTX, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Về thời gian tiếp nhận, phân phối, tùy theo diễn biến, yêu cầu thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động đóng góp tự nguyện quyết định thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Trường hợp cần thiết, Ban vận động từ cấp tỉnh trở lên có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp) kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận. Việc quy định thời gian phân phối giúp việc từ thiện, ủng hộ được kịp thời.  

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương đánh giá Nghị định 93 ra đời tạo hành lang pháp lý quan trọng để công tác từ thiện đạt hiệu quả, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân hay lãng phí nguồn tiền từ thiện, góp phần thúc đẩy từ thiện minh bạch, lành mạnh, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, phát huy và lan tỏa giá trị nhân đạo.  

HÀ NGA