Rau vụ đông giá cao, lãi thấp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:30, 10/11/2021
Nông dân xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) đang bán mỗi sào cải bắp từ 10-12 triệu đồng, thu lãi khoảng 7 triệu đồng
Hiện nông dân các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc... đang thu hoạch rau vụ đông.
Chi phí, công chăm sóc tăng
Phải chục ngày nữa 3 sào trồng su hào của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) mới được thu hoạch nhưng thương lái đã mua cả ruộng với giá 15 triệu đồng. "Su hào loại đẹp được thu mua 6.000 đồng/củ, còn trung bình khoảng 3.000 đồng/củ. Năm nay, giá rau tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chi phí trồng cũng tăng theo nên nông dân không lãi nhiều. Ruộng rau này phải trồng đến lần thứ ba mới được thu hoạch. Vậy nên, cả 3 sào su hào gia đình tôi chỉ lãi hơn 6 triệu đồng", ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) đang khẩn trương thu hoạch ruộng su lơ của gia đình. Năm nay, từ đầu tới giữa vụ mưa liên tục, cây su lơ phát triển kém, sâu bệnh nhiều nên phải nhổ bỏ lứa đầu. Do thời tiết bất lợi nên mẫu mã su lơ không đẹp, nhiều cây nhỏ, có cây bị thối gốc nên lượng thu hoạch ít. Thương lái đang thu mua 3.000 đồng/chiếc, tăng khoảng 500 đồng/chiếc so với năm ngoái. Dù giá bán cao hơn nhưng tính chi phí cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, công trồng thì bà Lành cũng không lãi được bao nhiêu.
Tại vùng chuyên canh rau ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), nông dân đang tập trung thu hoạch cải bắp. Hiện thương lái thu mua từ 10 - 12 triệu đồng/sào cải bắp, cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/sào so với năm trước, nông dân thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào. Riêng những ruộng phải trồng lại nhiều lần thì lãi ít hơn.
Theo nhiều hộ nông dân, vụ đông năm nay thời tiết rất bất lợi, mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích trồng rau màu bị thiệt hại. Hầu hết rau vụ đông cực sớm và sớm đều phải trồng lại từ 2 - 3 lần mới cho thu hoạch. Các diện tích còn lại bị ảnh hưởng nên năng suất giảm, mẫu mã xấu hơn so với năm trước. Hiện giá phân bón tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chi phí làm đất, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động... cũng tăng do phải trồng lại nhiều lần. Dù năm nay giá rau có tăng nhưng nông dân không thu lãi cao, chỉ tương đương năm ngoái ở mức khoảng 4 - 7 triệu đồng/sào (tùy từng loại rau), cá biệt có hộ thu lãi thấp hơn.
Nông dân xã Lê Lợi (Gia Lộc) trồng lại su hào lứa 3
Tiêu thụ thuận lợi
Bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi nên thời điểm này sản lượng rau vụ đông không còn nhiều. Nhưng giá bán cao và tiêu thụ thuận lợi nên nông dân cũng phấn khởi. Chị Trần Thị Yến, một thương lái ở Bắc Ninh chuyên thu mua su hào, cải bắp... tại các địa phương của Hải Dương cho biết: "Năm nay, ngoài Hải Dương thì các tỉnh, thành phố khác đều khan hiếm rau vụ đông. Gần 1tháng nay, mỗi ngày tôi thu mua khoảng 10 tấn rau các loại nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường".
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 21.000 ha, trong đó có khoảng 18.000 ha rau các loại, còn lại là ngô và cây trồng khác. Tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, bình quân đạt 220 triệu đồng/ha. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá thuận lợi và khó khăn trong sản xuất. Theo đó, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nên các địa phương không quyết liệt chỉ đạo trồng cây vụ đông dẫn đến thiếu hụt rau ở một số khu vực. Nắm bắt cơ hội này, sở đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng tối đa các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi và ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mở rộng diện tích trồng rau cải bắp, su hào, su lơ ở những địa phương có kinh nghiệm trồng cây vụ đông sớm như Gia Lộc, Tứ Kỳ... để cung cấp cho các tỉnh, thành phố ở giai đoạn giáp vụ khan hiếm rau. Tập trung nâng cao chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết hiện giá rau vụ đông đang cao nên nông dân phấn khởi. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nông dân cần tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng các vùng liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để tăng sản lượng xuất khẩu, hạn chế khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
HOA HIỀN