Xuất khẩu lao động: "Cánh cửa" bị đóng kín bởi COVID-19 đã dần mở

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:27, 11/11/2021

Trong hai tháng cuối năm 2021, các thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam đều đã mở cửa tiếp nhận lao động trở lại, hứa hẹn số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tăng nhanh.


Lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài khi các thị trường tiếp nhận lao động trọng điểm đã mở cửa trở lại

Hàng loạt thị trường tiếp nhận lao động lớn nhất của Việt Nam đã được “phá băng” sau một thời gian dài đóng cửa vì COVID-19. Ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đều đã có thông báo mở cửa trong tháng 11.2021, mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Mở cửa với lao động được cấp tư cách lưu trú

Nếu như không có dịch bệnh COVID-19, anh Bàn Văn Quyên (quê huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) có lẽ đã sang Nhật Bản làm việc được hơn một năm theo chương trình IM Japan. Trong thời gian chờ đợi, anh Quyên đã trải qua biết bao công việc từ làm bưng bê nhà hàng, công nhân thời vụ, bảo vệ, chạy xe ôm công nghệ...

Kể từ khi có lịch bay vào tháng 4.2020 nhưng bị hoãn vì COVID-19 đến nay, nhiều lần anh Quyên thấp thỏm mong được sang Nhật Bản rồi lại thất vọng vì bị hoãn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hào hứng khi nhận được thông tin Nhật Bản đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam từ ngày 8/11, anh Quyên chia sẻ: “Tôi rất chờ đợi cơ hội này bởi trong suốt hơn một năm nay tôi chỉ làm các công việc thời vụ, linh hoạt về thời gian để chờ đợi đến ngày được sang Nhật Bản.”

Nếu như trước đây mỗi năm thị trường Nhật Bản tiếp nhận từ 70.000-80.000 lao động thì trong 10 tháng năm nay lao động đi làm việc tại Nhật Bản chỉ hơn 19.000 người do ảnh hưởng của COVID-19. Hàng chục nghìn lao động hy vọng việc "mở cửa" lại thị trường Nhật Bản sẽ mở ra thêm cơ hội sang Nhật Bản làm việc, đặc biệt là những lao động đã được cấp tư cách lưu trú nhưng chưa thể sang Nhật Bản vì COVID-19.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Chính Phủ Nhật Bản vừa mở cửa tiếp nhận lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Tạm thời Nhật Bản cho phép 3.500 người nhập cảnh 1 ngày, dự kiến cuối tháng 11.2021 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày.

Theo ông Phạm Viết Hương, Bộ Tư Pháp Nhật Bản đưa ra hướng dẫn sơ bộ về đối tượng, số lượng thực tập sinh được nhập cảnh theo lộ trình. Trong tháng 11.2021, Nhật Bản chỉ nhận hồ sơ xin nhập cảnh đối với thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng thời gian từ 1.1.2020 đến 30.6.2020. Tháng 12.2021, nhận hồ sơ thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng từ 1.1.2020 đến 31.12.2020.

Xuat khau lao dong:
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc

Tháng 1.2022, Nhật Bản sẽ nhận hồ sơ thực tập sinh được cấp tư cách lưu trú trong khoảng từ 1.1.2020 đến 31.12.2021. Từ tháng 2.2022, tuỳ tình hình kiểm soát dịch bệnh Nhật Bản sẽ cho nhận hồ sơ toàn bộ. Các cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục đưa ra hướng dẫn mới cho thực tập sinh nhập cảnh trong thời gian tới.

Đài Loan, Hàn Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh

Không chỉ có Nhật Bản mà hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng đã thông báo mở cửa tiếp nhận lại lao động trong tháng 11.2021.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đã có thông báo về việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong tháng 11.2021 và dự kiến sẽ tạm thời tiếp nhận cho đến tháng 12.2021. Số lượng tiếp nhận lao động sẽ phụ thuộc vào việc các nước cung ứng lao động đáp ứng các điều kiện phòng dịch mà Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị.

Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến sẽ áp dụng hệ thống thang điểm đánh giá mức độ ưu tiên lao động nước ngoài nhập cảnh dựa trên tình trạng tiêm vaccine của người lao động, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia cung ứng lao động và điều kiện phòng dịch của người sử dụng lao động.

Tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Gia Liêm cho hay để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như để phù hợp với chính sách “sống chung với COVID-19, từng bước hồi phục cuộc sống bình thường,” Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng các chính sách nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào cuối tháng 11.2021.

“Trước đó Hàn Quốc hạn chế với số lượng được phép nhập cảnh ở mức 100 lao động/ngày, 600 lao động/tuần nhưng theo quy định mới Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế về số lượng lao động nhập cảnh hàng ngày, hàng tuần,” ông Nguyễn Gia Liêm nói.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cho phép người lao động từ tất cả các quốc gia phái cử được nhập cảnh nếu đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong nước như đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi xuất cảnh, có xét nghiệm PCR âm tính…

Trước đó, theo kế hoạch đã được thống nhất giữa hai Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, kỳ thi tiếng Hàn năm 2021 cho người lao động mới có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành sản xuất chế tạo và ngư nghiệp dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 12.2021 và đầu tháng 1.2022.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động nên trong 10 tháng, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 44.000 người, đạt 49% kế hoạch năm 2021. Trong hai tháng cuối năm, việc các thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam đều đã mở cửa tiếp nhận lao động trở lại sẽ khiến số lượng lao động sang làm việc ở nước ngoài tăng nhanh sau suốt những tháng "đóng băng".

Theo Vietnam+