Dạy thêm học thêm: Không trị gốc mà cứ trị chứng
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:29, 14/11/2021
Học thêm trong một lớp dạy thêm ở trung tâm TP Hồ Chí Minh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng để "trị tận gốc" việc dạy thêm méo mó cần có những giải pháp đồng bộ khác nhau.
"Biết rồi khổ lắm nói mãi"
Dạy thêm - học thêm là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Bao nhiêu năm làm nghề giáo là bấy nhiêu năm tôi đau đáu về chuyện này. Tôi là một giáo viên có thâm niên hơn 10 năm đứng lớp. Tôi giảng dạy ở một trường THPT có chất lượng cao ở TP Hồ Chí Minh.
Tôi luôn lên lớp dạy hết mình, công bằng hết sức có thể để học sinh không có cảm nhận tiêu cực sau mỗi giờ học. Và dĩ nhiên tôi tôn trọng các em thì các em rất yêu quý cô giáo, muốn được học thêm ngoài giờ nhưng tôi luôn từ chối thẳng.
Học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thật, là quy luật cung - cầu hiển nhiên của hiện thực xã hội đã và đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày. Thầy cô đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, để giảm bớt áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng.
Ở chiều ngược lại người học bổ túc được kiến thức, nâng cao trình độ và thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân, gia đình. Với đồng lương hiện tại của bản thân, có thể nói đủ ăn đủ mặc nhưng tôi không thể sắm sửa, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và những người phụ thuộc.
Thành ra để tránh cái tiếng "ác" của nghề dạy thêm không tốt kia, tôi đi làm thêm bên ngoài.
Dạy thêm, học thêm đang là vấn nạn của ngành giáo dục, một vấn đề xã hội đang thu hút dư luận. Nhưng liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải quyết căn bệnh này chứ không phải là cơn đau cấp tính, nhất thời. Quản không được thì cấm, chuyện quá đơn giản. Nhưng với vấn đề dạy thêm - học thêm phải nhìn với góc độ khác.
Ngành giáo dục không trị gốc mà cứ trị chứng. Khi nào chưa giải quyết được những bất cập cốt lõi của nền giáo dục như chương trình quá nặng, dàn trải; lương giáo viên không đủ sống, buộc họ phải bươn chải... thì việc dạy thêm - học thêm vẫn tiếp tục là một thách thức, rất khó chấn chỉnh bằng những mệnh lệnh có tính chất hành chính.
Xem xét các giải pháp đồng bộ
Tôi là giáo viên THCS ở TP Hồ Chí Minh. Thời học sinh tôi phải đi học thêm. Còn bây giờ tôi có nhận dạy kèm, dạy phụ đạo cho học sinh có nhu cầu. Tôi thiết nghĩ hãy để dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là điều rất cần thiết, nên áp dụng "ngay và luôn".
Lý do như sau: thứ nhất, dù bị nghiêm cấm, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, tình trạng học thêm - dạy thêm vẫn diễn ra. Thứ hai, chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và ngành giáo dục xử lý theo cách là cấm. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp.
Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, cái gì không quản được thì cấm, đó là giải quyết mang tính "ăn xổi ở thì". Thứ ba, vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo.
Ngoài việc cho phép dạy thêm thì xem xét các giải pháp đồng bộ sau: giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. Nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết.
Thay đổi phương pháp từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Nên chấm dứt tình trạng văn mẫu sáo rỗng để chuyển sang cách dạy sáng tạo, hướng đến tự do phát triển tư duy trừu tượng. Đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, đừng quá đặt nặng chỉ vào chuyện điểm số hay thành tích.
Thực tế tôi cảm nhận rất rõ nhiều phụ huynh, học sinh có tâm lý muốn con em mình học để ứng thí hơn là chú ý đến việc phát triển bản thân của các cháu. Đây là vấn đề tâm lý xã hội cần phải điều chỉnh, đừng đổ lỗi cho chính sách hay cách quản lý của Nhà nước.
Hãy cho con học tập theo khả năng, nhìn nhận được vấn đề hướng nghiệp để các cháu có thể học đúng cái mình yêu thích, học vừa đủ kiến thức và dành thời gian còn lại cho phát triển kỹ năng mềm, vui chơi, giải trí.
Theo Tuổi trẻ