Người lao động chịu thiệt vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm
Công nghiệp - Ngày đăng : 11:30, 14/11/2021
Việc chậm đóng bảo hiểm của doanh nghiệp khiến người lao động mất nhiều quyền lợi
Huyện Tứ Kỳ hiện có 3 Công ty CP: HasKy, Sky Glass và Vách kính HasKy ở cụm công nghiệp Nguyên Giáp đều nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ, quyền lợi của người lao động.
Người lao động mất quyền lợi
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện Tứ Kỳ, đến ngày 31.10, tổng số tiền nợ BHXH của 3 doanh nghiệp trên là hơn 4 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số tiền nợ BHXH của huyện.
Công ty CP Sky Glass chuyên sản xuất các sản phẩm cửa, vách nhôm kính, có 86 lao động. Doanh nghiệp này đã nợ 10 tháng tiền đóng BHXH, 1 tháng đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và 1 tháng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động với số tiền 1,06 tỷ đồng. Công ty CP Vách kính HasKy chuyên thi công hoàn thiện các sản phẩm nhôm kính, có 48 lao động, cũng nợ 20 tháng đóng BHXH, 1 tháng đóng BHYT và 1 tháng đóng BHTN với số tiền 1,57 tỷ đồng. Công ty CP HasKy chuyên về thị trường đấu thầu các dự án về nhôm kính, có 41 lao động, nợ 17 tháng BHXH, 1 tháng BHYT và 1tháng BHTN, với số tiền 1,46 tỷ đồng.
Việc doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Anh Loan Văn Trường ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) làm việc ở Công ty CP Sky Glass thuộc diện được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến hết ngày 30.9.2021, anh Trường có 60 tháng tham gia BHTN, tương ứng với mức hỗ trợ 2,4 triệu đồng. Do công ty chưa đóng BHTN cho người lao động nên anh Trường chỉ được xét hỗ trợ ở mức dưới 60 tháng với số tiền 2,1 triệu đồng.
Trường hợp của chị Trần Thị Thanh Huyền ở Công ty CP Hasky cũng không được hưởng mức hỗ trợ theo đúng số tháng tham gia BHTN do doanh nghiệp nợ đọng. Chị Huyền có 132 tháng tham gia BHXH nhưng do công ty nợ nên chị chỉ được hưởng mức hỗ trợ dưới 132tháng là 2,9 triệu đồng.
Từ ngày 1.10, người lao động ở 3 doanh nghiệp trên đều bị khóa hạn thẻ BHYT do đơn vị nợ đóng tiền BHYT quá 30 ngày theo quy định. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là việc đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đều có số tháng nợ khoản đóng BHXH lớn, nếu người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, những quyền lợi liên quan của họ sẽ chưa được cơ quan BHXH giải quyết. Hoặc khi chấm dứt hợp đồng lao động thì chỉ được cơ quan BHXH xác nhận đến tháng doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHTN, ảnh hưởng đến mức trợ cấp thất nghiệp, chế độ BHXH.
Công ty CP Sky Glass đang hoạt động trên địa bàn huyện Tứ Kỳ nhưng vẫn chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Chây ỳ
Ông Tạ Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Sky Glass cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa tạm thời. Một số cán bộ, nhân viên phải nghỉ làm hoặc làm việc online để duy trì các hoạt động thiết yếu. Vì thế, công ty gặp khó khăn về tài chính, khó bảo đảm việc đóng đầy đủ các khoản BHXH cho người lao động hằng tháng. Đại diện hai Công ty CP Vách kính HasKy và CP HasKy cũng đều đưa ra lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế gặp khó khăn nên doanh nghiệp đành nợ tiền đóng các loại bảo hiểm của người lao động theo quy định.
Việc đóng các loại bảo hiểm cho người lao động là nghĩa vụ bắt buộc của chủ doanh nghiệp nên các đơn vị cần thực hiện đầy đủ dù có bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Lê Viết Hưởng, Phó Giám đốc BHXH huyện Tứ Kỳ, đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp xuống đôn đốc và chủ sử dụng lao động của 3 doanh nghiệp đã cam kết thu xếp đóng đầy đủ số tiền phát sinh hằng tháng và trả dần nợ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vẫn thường xuyên chây ỳ, chậm đóng các khoản bảo hiểm. Khi cơ quan BHXH thực hiện khóa hạn thẻ BHYT của người lao động thì 3 doanh nghiệp trên mới đóng tiền cho người lao động theo hình thức "trả nợ gối”.
Theo BHXH tỉnh, 3 doanh nghiệp trên nợ BHXH là vi phạm pháp luật về BHXH theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP và có dấu hiệu vi phạm tội trốn đóng BHXH theo điều 216 Bộ luật Hình sự. Tuy số lao động của 3công ty không lớn song việc nợ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, chế độ của người lao động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chỉ có Công ty CP Sky Glass đang hoạt động tại huyện Tứ Kỳ có các phân xưởng, công nhân. Hai Công ty CP HasKy và Vách kính HasKy chỉ đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động trên địa bàn huyện nên việc đôn đốc, thu nợ của cơ quan bảo hiểm gặp khó khăn.
“Các doanh nghiệp cố tình chây ỳ bởi chế tài xử phạt vi phạm hành chính và quy định mức lãi suất chậm đóng chưa đủ sức răn đe. Họ chấp nhận nộp phạt rồi lại tái diễn tình trạng nợ đọng. BHXH huyện Tứ Kỳ đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu vi phạm tội trốn đóng BHXH theo điều 216 Bộ luật Hình sự, đồng thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Hưởng cho biết thêm.
Không chỉ nợ các khoản tiền bảo hiểm, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ, 3 công ty trên đều nợ các khoản phí công đoàn khoảng 1 năm nay.
NGUYỄN THẢO