Sự kiện nổi bật ngày 14.11

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 20:11, 14/11/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội là một trong những sự kiện nổi bật ngày 14.11.

TRONG NƯỚC



Ngày 14.11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2021). Phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư nêu rõ: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng chống đại dịch COVID-19 với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN



Sáng 14.11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là học trò, người đứng trên bục giảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn về những chia sẻ, tâm tư chân thành và sâu sắc tự đáy lòng của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN



Sáng 14.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1983 - 20.11.2021). Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Có 7 Nhà giáo Nhân dân, 72 Nhà giáo Ưu tú của các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 191 nhà giáo tiêu biểu năm 2021 được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố và các đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm được vinh danh trong chương trình. Trong ảnh: Các nhà giáo nhận danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" do Chủ tịch nước trao tặng. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN



Nhằm hỗ trợ thanh niên công nhân, người lao động quay trở lại làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, ngày 14.11, tại TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị đồng hành tổ chức Ngày hội "Tiếp sức ngày trở lại" cho thanh niên công nhân và người lao động tại khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ngày hội “Tiếp sức ngày trở lại” nằm trong chuỗi các chương trình đồng hành với thanh niên công nhân và lao động trẻ của tổ chức Đoàn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Gian hàng tư vấn tìm việc cho thanh niên công nhân trong khuôn khổ ngày hội. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN



Sáng 14.11, tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) tổ chức lễ khánh thành Dự án Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận, với công suất 46,2 MW, tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng. Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận có quy mô 11 trụ, sản lượng khai thác dự kiến khoảng 136.281 MWh/năm. Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận đi vào hoạt động chính là cột mốc đặc biệt cho chiến dịch hoàn thành 200 MW điện gió và 650 MW điện mặt trời với tổng công suất 853,15 MW của Trung Nam tại Ninh Thuận; qua đó góp phần đưa Ninh Thuận đến gần với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong ảnh: Các trụ điện gió của Nhà máy điện gió số 5 - Ninh Thuận bắt đầu hoạt động. Ảnh: Công Thử - TTXVN



Sáng 14.11, mưa lớn tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, gây ngập quốc lộ 1 đoạn qua phường Trần Quang Diệu và xảy ra vụ sạt lở núi trên quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng. Rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Khu vực xảy ra sạt lở thuộc đoạn đường đèo, phía trên là đồi núi cao. Trong ảnh: Nhiều đoạn trên quốc lộ 1A qua TP Quy Nhơn ngập sâu. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 14.11, đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của tỉnh làm việc với huyện Ninh Giang về công tác phòng chống dịch Covid-19. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới các xã, thị trấn trong huyện. Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 tại xã Tân Phong rất phức tạp, yêu cầu huyện Ninh Giang tiếp tục thực hiện quyết liệt các nguyên tắc phòng chống dịch là phát hiện sớm, truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, cách ly điều trị và khoanh vùng dập dịch.  Sở Y tế cử lãnh đạo thường trực tại huyện Ninh Giang để phối hợp tổ chức các biện pháp chống dịch... Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 14.11, Hải Dương có thêm 45 ca mắc Covid-19. Riêng ổ dịch tại xã Tân Phong (Ninh Giang), trong ngày có 40 ca mắc, gồm 20 ca là F1 đã được cách ly tập trung và 20 ca trong khu vực phong tỏa. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ Ninh Giang quyết liệt, nhanh chóng dập dịch. Ảnh: PV

QUỐC TẾ



Sau khi kéo dài thêm một ngày so với lịch trình, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc ngày 13.11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Tại hội nghị, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Ảnh: REUTERS/TTXVN



Giới chức Ecuador ngày 13.11 cho biết số người thiệt mạng sau một cuộc bạo động nghiêm trọng, tới mức trở thành một vụ thảm sát tại một nhà tù lớn ở nước này đã lên tới 68 người, ngoài ra còn 25 người bị thương. Các tù nhân thuộc các băng nhóm khác nhau đã sử dụng dao, súng và chất nổ tấn công lẫn nhau tại nhà tù Litoral, gần TP Guayaquil, miền Tây Ecuador. Đây là nhà tù giam giữ các tù nhân thuộc băng đảng khét tiếng Los Choneros được cho là có liên hệ với băng đảng Sinaloa nổi tiếng tại Mexico. Chính nhà tù này cũng từng xảy ra vụ bạo loạn hồi tháng 9 vừa qua làm 119 người thiệt mạng. Trong ảnh: Cảnh sát gác bên ngoài nhà tù Litoral, gần TP Guayaquil, miền Tây Ecuador sau vụ bạo loạn ngày 13.11. Ảnh: THX/TTXVN



Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam của nước này vào ngày 16.12 tới nhằm thúc đẩy du lịch trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đang giảm xuống. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek cho biết việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các tỉnh Songkhla, Pattani, Yala và Narathiwat đã được đẩy nhanh với mục tiêu ít nhất 60% cư dân được tiêm mũi đầu tiên. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đang lên kế hoạch mở lại cửa khẩu Sadao ở tỉnh Songkhla, cửa khẩu Sungai Kolok ở tỉnh Narathiwat, cửa khẩu Betong ở tỉnh Yala và cửa khẩu Wang Prachan ở tỉnh Satun vào ngày 16.12 nhằm thúc đẩy khu vực du lịch ở miền Nam Thái Lan. Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN



Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố báo cáo cho biết ngành hàng không thế giới dự báo sẽ vẫn hoạt động thua lỗ trong năm 2022 với tổng mức lỗ ròng là 12 tỷ USD do nhu cầu đi lại vẫn giảm thấp hơn so với thời trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành hàng không thế giới có thể chứng kiến mức thua lỗ trong năm 2022 thấp hơn so với mức thua lỗ 52 tỷ USD dự báo trong năm 2021. Báo cáo nêu rõ: "Trong năm 2022, tiến độ tiêm vaccine (ngừa COVID-19) và các chính sách của chính phủ sẽ quyết định lưu lượng vận tải quốc tế, trong khi du lịch nội địa vẫn tăng mạnh". Trong ảnh: Máy bay của hãng hàng không quốc gia Italy Alitalia tại sân bay Fiumicimo, Rome. Ảnh: THX/TTXVN