Những giáo viên lương không đủ sống

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:50, 19/11/2021

Nhận 3,8 triệu đồng tiền lương và gần một triệu đồng phụ cấp, sau khi trả tiền thuê nhà, hàng tháng, cô Ngọc Hiền xoay xở cơm áo, xăng xe với 3,5 triệu đồng còn lại.

Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non cuối năm 2019, Ngọc Hiền (25 tuổi, quê Nam Định) vào TP Hồ Chí Minh xin việc. Sau thời gian làm tại nhóm trẻ tư thục, cô được ký hợp đồng với một trường mầm non ở TP Thủ Đức với mức lương 3,8 triệu đồng cộng với gần một triệu đồng phụ cấp.

Ngày mới vào thành phố, Hiền ở nhờ nhà người quen ở quận Gò Vấp nên không tốn tiền trọ. Sau hơn nửa năm, cảm thấy bất tiện khi ở nhờ và đi lại vất vả, cô thuê ghép một căn chung cư nhỏ với ba người khác. Giáo viên trẻ chấp nhận ở phòng khách để đóng tiền thuê rẻ nhất, nhưng mỗi tháng cũng mất 1,3-1,5 triệu đồng, kể cả phí quản lý và điện nước.

Trừ tiền nhà ra, mỗi tháng còn 3,3-3,5 triệu đồng, Hiền tính toán cho từng khoản chi tiêu gồm ăn uống, đồ dùng cá nhân, điện thoại, tiền sinh nhật, liên hoan. Mỗi lần mua sắm, cô đều chi li, cân nhắc. Để tiết kiệm, Hiền thường dồn những thứ cần mua trong một đợt "sale" của các hãng bán hàng trực tuyến.

"Vậy mà tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau. Dư ra được đồng nào, tôi gom lại để dành cuối năm về quê và có tiền mừng tuổi bố mẹ", cô kể.

Lương thấp, công việc giáo viên mầm non rất vất vả, luôn chân luôn tay từ sáng đến chiều tối nhưng Hiền chưa có ý định bỏ nghề bởi đây là ước mơ từ bé và "cũng không biết làm gì khác để kiếm sống".

"Lương cao thì ai chẳng muốn. Tôi cũng mong một vài năm tới tình hình sẽ cải thiện để mình không phải chật vật nữa. Còn trước mắt, tôi chỉ hy vọng trường học được mở cửa, trẻ đến trường để tôi còn được làm việc", cô Hiền nói.


Thầy Lê Văn Thanh trong bữa cơm trưa tại nhà công vụ ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ trong thời gian công tác tại Trường THCS - THPT Thạnh An tháng 11.2018. Ảnh: Mạnh Tùng

Khá hơn cô Hiền nhờ có thâm niên gần 10 năm, thầy Lê Văn Thanh (32 tuổi, quê Bình Định), hiện là giáo viên vật lý Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ, được hơn 5 triệu đồng mỗi tháng (gồm khoảng 4 triệu đồng tiền lương, phụ cấp giáo viên ngoại thành 900.000 đồng, trợ cấp riêng của huyện 300.000 đồng). Cùng mức thu nhập tăng thêm - theo chính sách riêng của TP Hồ Chí Minh dành cho công chức, viên chức - với 12 triệu đồng mỗi quý, tính ra mỗi tháng thầy Thanh được hơn 9 triệu đồng.

Thế nhưng, số tiền này không đủ để thầy trang trải cuộc sống gia đình bốn người: hai con còn nhỏ, vợ phải tạm nghỉ việc để trông con, nhà đang thuê trọ. "Gia đình tôi chi tiêu tiết kiệm hết mức, mỗi tháng cũng phải mất 13-15 triệu đồng, chưa kể những khoản ngoài dự kiến. Chỉ với đồng lương giáo viên thì làm sao sống được", thầy Thanh nói.

Để trang trải, thầy Thanh từng có thời gian làm xe ôm công nghệ rồi dạy thêm ở các trung tâm trong nội thành. Thầy và gia đình thậm chí phải đón Tết xa nhà nhiều năm liền để tiết kiệm tiền tàu xe. Nhiều lúc muốn giúp gia đình ở quê nhưng thầy giáo trẻ lực bất tòng tâm.

Ngẫm lại thời gian dạy ở quê nhà Bình Định với mức lương khởi điểm 2,6 triệu đồng hay khi còn dạy ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ hai năm trước - thu nhập khoảng 10 triệu nhưng cách trung tâm thành phố chừng 60 km, không tiện đi dạy thêm - thầy Thanh cảm thấy cuộc sống bây giờ vẫn "đỡ hơn một chút".

"Lương thấp là câu chuyện lâu nay rồi, đã chọn nghề thì phải ráng tìm cách thôi. Hy vọng mấy năm nữa sẽ bớt khó khăn hơn", thầy nói.

Từ ngày 20.3, hệ số lương của giáo viên thay đổi theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập. Giáo viên mầm non được áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến 6,38, cao hơn so với hệ số 1,86-4,98 trước đó. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến 6,78. Trong đó, tiểu học và THCS tăng, riêng THPT giữ nguyên.

Với mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng, giáo viên mầm non có lương thấp nhất là hơn 3,1 triệu đồng và cao nhất là hơn 9,5 triệu đồng; giáo viên phổ thông nhận từ gần 3,5 đến hơn 10,1 triệu đồng mỗi tháng.





Chỉ tính lương theo hệ số, lương giáo viên thấp hơn một chút hoặc tương đương các ngành khác. Chẳng hạn, bác sĩ có lương hệ số thấp nhất là gần 3,5 triệu đồng (mức thấp nhất của bác sĩ hạng III) và cao nhất là hơn 11,9 triệu đồng một tháng (mức cao nhất của bác sĩ hạng I). Lương kỹ sư cũng tương tự. Công chức hành chính chia 5 ngạch, mức lương từ gần 2,8 đến hơn 11,9 triệu đồng một tháng.

Ngoài lương theo hệ số, giáo viên các trường công lập có thêm một số loại phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi theo nghề, công tác vùng có điều kiện khó khăn, thâm niên, phụ cấp đặc thù, tiền trông nom bán trú. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng những khoản này.

Chẳng hạn giáo viên mới ra trường 1-2 năm ở vùng đồng bằng, trường không tổ chức bán trú sẽ được nhận rất ít phụ cấp. Mỗi tháng, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm, chi phí công đoàn, có những giảo viên trẻ chỉ thu nhập 3,5 triệu đồng.

Thống kê của phóng viên dựa trên bảng lương tại một trường tiểu học và THCS ở Hà Nam cho thấy, cả trường có 35 giáo viên, chỉ 5 người thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên, cao nhất là 11,5 triệu. Những giáo viên này đều trên 50 tuổi, đã công tác trên dưới 30 năm. Các thầy cô trẻ, độ tuổi 25-35, thu nhập phổ biến ở mức 3-6 triệu đồng, đã bao gồm các loại phụ cấp.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020, thu nhập bình quân một người một tháng chung cả nước đạt khoảng 4,2 triệu đồng. Ở khu vực thành thị, con số này là 5,6 triệu đồng và nông thôn là 3,5 triệu đồng.

Trong khi đó, chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng một người trong một tháng. Con số này nếu tính riêng khu vực thành thị là 3,8 triệu đồng và ở nông thôn là 2,4 triệu đồng.

Với những giáo viên có mức lương 3-6 triệu đồng, vợ hoặc chồng cũng có thu nhập tương tự, thậm chí nhỉnh hơn một chút, cuộc sống của họ sẽ rất chật vật nếu phải nuôi hai con kèm theo trách nhiệm với bố mẹ hai bên, đặc biệt trong bối cảnh "vạn thứ phải chi" như cưới hỏi, ma chay, thăm ốm, tiệc tùng như hiện nay.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hôm 11.11, khi đề cập đến các chính sách đối với dạy thêm và học thêm, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng rất khó để cấm giáo viên dạy thêm, vì lương của họ quá thấp. Dạy thêm vì thế thành kế mưu sinh của nhiều người.

Cô Hồng, 50 tuổi, là một trong 5 giáo viên Trường Tiểu học và THCS ở Hà Nam kể trên có thu nhập trên 10 triệu đồng. Cô không dạy thêm vì ngại điều tiếng, cố gắng chi tiêu ít nhất có thể nhờ sống giản dị, lược bớt nhu cầu cá nhân, sinh hoạt theo mức thôn quê hàng ngày, rau trong vườn, gà, trứng trong chuồng tự cung tự cấp.

"Nghe lương tôi 10 triệu, đồng nghiệp trẻ xuýt xoa mong được như vậy. Nhưng đó là mức tôi nhận được sau 30 năm - gần như cả đời - làm việc", cô Hồng nói.

Theo VnExpress