Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 20/11/2021

Tôi từng nhiều lần dự các kỳ họp HĐND. Tôi thấy nội dung ít được đại biểu chú ý nhất là khi đại diện các ban của HĐND đọc báo cáo thẩm tra về dự thảo các tờ trình, nghị quyết.

Người nói chuyện riêng, người lướt điện thoại, người ngáp ngủ… Tôi hỏi vài đại biểu HĐND vì sao vậy, họ nói rằng cơ bản do báo cáo thẩm tra chất lượng chưa cao, chủ yếu nhắc lại nội dung nêu trong dự thảo tờ trình, báo cáo, gần như không có tính mới, tính phản biện, gợi mở. Các báo cáo thẩm tra chưa thực sự là tài liệu, kênh thông tin bổ ích giúp đại biểu HĐND làm căn cứ thảo luận, quyết định thông qua các nghị quyết của HĐND.

Chất lượng thẩm tra của các ban HĐND càng hạn chế ở cấp xã vì trưởng ban, phó trưởng ban, ủy viên các ban đều hoạt động kiêm nhiệm nên trình độ, năng lực để nắm bắt, thẩm định các vấn đề cần thẩm tra còn hạn chế. Các ban HĐND ở cấp huyện, cấp tỉnh, dù có cán bộ hoạt động chuyên trách song số lượng ít và nếu không có cách làm hiệu quả thì cũng ảnh hưởng  tới chất lượng thẩm tra. Có đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các ban HĐND chưa thực sự tìm tòi để nắm chắc, phản biện được vấn đề, thường chỉ nêu ý kiến xuôi chiều với ý kiến của cơ quan trình dự thảo nghị quyết. Một số ủy viên các ban HĐND là đại biểu kiêm nhiệm có tư tưởng ỷ lại, đùn đẩy công việc thẩm tra cho đại biểu chuyên trách, không bố trí dự đầy đủ các cuộc họp để thẩm tra.

Ngoài phần hạn chế từ chất lượng và số lượng người thẩm tra của các ban HĐND cũng còn những khó khăn từ phía khác. Đơn cử, theo quy định chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến ban của HĐND được phân công để thẩm tra. Thực tế, tại nhiều kỳ họp HĐND, việc gửi tài liệu của cơ quan trình dự thảo nghị quyết không bảo đảm thời hạn nêu trên, thường gửi muộn hơn, tài liệu gửi không đầy đủ. Điều đó khiến các ban HĐND không đủ thời gian cần thiết để thực hiện quy trình thẩm tra, bảo đảm chất lượng thẩm tra.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15.11 Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp tỉnh Hải Dương và trước đó ngày 29.10, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HĐND về việc đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động HĐND các cấp tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021-2026. Theo Nghị quyết số 45, HĐND tỉnh yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND, trong đó yêu cầu UBND các cấp chủ động xây dựng tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND, bảo đảm chất lượng, tiến độ, thời gian theo quy định. Các ban HĐND phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết; tham dự các cuộc họp, hội thảo do UBND và các ngành tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo dự thảo nghị quyết; chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh thì thành viên các ban cần thường xuyên học hỏi, nắm chắc các thông tin liên quan tới nội dung cần thẩm tra, từ đó có sự gợi mở, định hướng, phản biện, góp ý với những vấn đề này. Những người làm công tác thẩm tra cần phát huy vai trò, trách nhiệm với công việc được giao, bởi báo cáo thẩm tra là căn cứ quan trọng để bảo đảm, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND. Mỗi ban HĐND phân công trách nhiệm rõ ràng với từng thành viên để tham gia thẩm tra, phát huy trí tuệ tập thể, tránh tư tưởng đùn đẩy, ỷ lại. Lãnh đạo các ban HĐND cần kiên quyết không nhận tài liệu cần thẩm tra nếu cơ quan trình nội dung không gửi đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định. 

MINH ANH