Người già chơi Facebook
Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 21/11/2021
Trong dịch bệnh, Facebook trở thành nơi tìm niềm vui của nhiều người cao tuổi
Niềm vui mới
Ngồi ở nhà nhưng ông Nguyễn Văn Trọng, 70 tuổi, ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) vẫn có thể thấy và nói chuyện được với con gái ở TP Hồ Chí Minh. Con trai ông Trọng lập tài khoản Facebook cho ông từ năm ngoái. Mới đầu, ông Trọng còn bỡ ngỡ nhưng dùng nhiều thành quen. Bây giờ ông có thể đăng bài trên tài khoản Facebook cá nhân mà không cần người khác hướng dẫn. Dùng Facebook một thời gian, ông Trọng còn tham gia nhiều nhóm trên mạng như nhóm đánh cờ tướng, nhóm những người yêu hoa lan… Đợt các tỉnh miền Nam bùng phát dịch Covid-19, ngày nào ông cũng gọi video qua ứng dụng Messenger của Facebook hỏi thăm con cháu. “Hôm nào không gọi được cho con thì ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Có ứng dụng này cũng hay vì nói chuyện bao lâu cũng không lo tốn tiền như gọi điện thoại”, ông Trọng nói.
Trong các bạn trên Facebook của chị Nguyễn Thu Hằng, nhân viên Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Hải Dương có nhiều người cao tuổi. Họ đa phần là bạn của bố mẹ chị. Bố mẹ chị Hằng năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng dùng Facebook khá thành thạo. “Vì có nhiều con cháu đang định cư ở nước ngoài nên dịp Tết năm ngoái tôi mua cho hai cụ điện thoại thông minh để gọi video cho tiện. Bây giờ, các cụ còn tham gia cả nhóm những người già chơi Facebook nữa. Đi làm về nghe bố mẹ hào hứng kể chuyện trên Facebook mà chúng tôi thấy vui, vì dù sao dịch bệnh không ra khỏi nhà được các cụ còn có mạng xã hội để xem, giao lưu cho khuây khỏa, đỡ bí bích", chị Hằng chia sẻ.
Theo một thống kê mới nhất của We Are Social (một tổ chức chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội toàn cầu) thì từ năm2018 đến nay, nhóm người dùng Facebook từ 45tuổi trở lên ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tăng đến 60% mỗi năm. Theo ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người cao tuổi. Chơi Facebook giúp người già tránh được cảm giác cô độc, buồn chán khi con cháu bận rộn. Mạng xã hội còn giúp cho trí óc, não bộ của người cao tuổi hoạt động tích cực hơn. Đây cũng là sân chơi bổ ích cho người già khi dịch Covid-19 bùng phát họ không có điều kiện tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, đến những nơi tập trung đông người. Facebook còn giúp người già kết nối với bạn bè, con cái và người thân thuận lợi khi ở nhà phòng dịch… Tuy nhiên, cũng theo ông Tế, nếu người già không biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả sẽ dễ bị nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo.
Dễ sập bẫy
Ông Phạm Văn H. ở xã Nhật Tân (Gia Lộc) năm nay ngoài 60 tuổi và dùng Facebook đã hơn một năm nay. Ông H. có tới 300 bạn trên Facebook. Hễ ai gửi kết bạn là ông đồng ý luôn, không cần biết nick đó là thật hay ảo. “Thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người nhắn tin hỏi vay tiền hoặc nhờ nạp tiền điện thoại. Một lần có người giả danh Facebook của con trai tôi nhắn tin nhờ mua thẻ điện thoại. Do cả tin và chưa biết đây là một trong những hình thức lừa đảo trên mạng xã hội nên tôi đã đi mua thẻ và mất 200.000 đồng cho bọn lừa đảo”, ông H. kể.
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo như giả vờ là người quen để vay tiền, lừa đảo nhắn tin trúng thưởng… nếu không cẩn thận người cao tuổi rất dễ mắc bẫy. Vì vậy, ngoài sử dụng thành thạo các tính năng trên mạng xã hội như đăng ảnh, chia sẻ thông tin, nhắn tin nhóm, gọi video, người cao tuổi cũng phải cẩn thận trước “rừng” thông tin tràn lan trên mạng xã hội. "Không phải trên mạng nói cái gì mình cũng tin, phải biết chọn lọc", ông Ngô Văn Hanh ở phố Chương Dương (TP Hải Dương) đã nhiều năm dùng Facebook chia sẻ kinh nghiệm.
Lợi dụng người cao tuổi dùng Facebook, không ít tổ chức, cá nhân quảng cáo bán thực phẩm chức năng. Nhiều người cao tuổi lướt Facebook thấy thuốc hay đã không ngại ngần liên hệ mua hoặc bắt con cháu phải mua bằng được. Chị Phạm Thị Liên ở phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết từ ngày mẹ chị biết dùng Facebook hễ thấy thuốc nào quảng cáo hay là đòi mua. Nhiều lần chị khuyên giải rằng thuốc đó không tốt, chưa được kiểm chứng chất lượng thì mẹ chị dỗi mất một tuần. Có lần bà không nhờ được con mua thuốc đã tự ý đặt trên mạng về uống và bị dị ứng nổi mẩn ngứa phải đưa vào viện điều trị. Từ đó bà không dám mua bán gì trên mạng nữa.
Thậm chí có người cao tuổi còn nghiện dùng Facebook. Họ có thể ngồi một chỗ hàng giờ liền lướt Facebook mà không biết chán. Sử dụng điện thoại không điều độ sẽ khiến người cao tuổi có sức khỏe không tốt do ít vận động. Vì vậy người cao tuổi không nên quá ham chơi Facebook mà quên đi những niềm vui bổ ích khác như tập thể dục, làm việc nhà, chơi với con cháu...
Để người cao tuổi dùng Facebook vừa vui vừa an toàn, các con cháu cũng cần quan tâm chia sẻ, sẵn sàng trợ giúp họ và cũng không quên cảnh báo để họ cảnh giác trước những trò lừa đảo trên Facebook.
LAN ANH