Bí ẩn về sự biến mất của chủng Delta ở Nhật: Có thể virus đã "tự tuyệt chủng"

Tin tức - Ngày đăng : 08:26, 22/11/2021

Thế giới đang chứng kiến hai thái cực khác nhau liên quan đến đại dịch COVID-19. Trong khi châu Âu bùng phát mạnh, Nhật Bản có số ca nhiễm thấp bất ngờ.

Bí ẩn về sự biến mất của chủng Delta ở Nhật: Có thể virus đã tự tuyệt chủng - Ảnh 1.

Người biểu tình tụ tập để phản đối các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ở Thủ đô Vienna (Áo) ngày 20.11 - Ảnh: REUTERS

Nó cho thấy hai điều: vắc xin có hiệu quả, nhưng một mình vắc xin không thể ngăn được đại dịch.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca tử vong ở châu Âu tăng 5% trong tuần lễ trung tuần tháng 11, là khu vực duy nhất trên thế giới có ca tử vong tăng.

Châu Âu trở lại giãn cách

Một lần nữa, ca nhiễm COVID-19 tăng cao ở nhiều khu vực thuộc châu Âu giữa lúc mùa đông đang đến. Khoảng 60% dân số Tây Âu đã tiêm ngừa đầy đủ, trong khi tỷ lệ ở Đông Âu chỉ bằng một nửa.

Đầu tuần này, Ireland áp dụng lệnh giới nghiêm buổi tối đối với các ngành nghề dịch vụ do ca nhiễm tăng đột biến, bất chấp việc nước này có tỷ lệ tiêm chủng cao (khoảng 75% dân số). Còn ở Bồ Đào Nha (tỷ lệ tiêm 87%), chính quyền đang cân nhắc các biện pháp kiềm chế đợt bùng dịch.

Hà Lan còn mệt mỏi hơn, tối thứ sáu (19.11) các cuộc biểu tình ở TP Rotterdam phản đối quy định phòng dịch mới đã leo thang thành bạo lực. Đức và Áo cũng căng thẳng, riêng Áo chính thức phong tỏa toàn quốc từ ngày 22.11, chỉ vài ngày sau khi áp các biện pháp hạn chế với người chưa tiêm vắc xin. Mọi thứ có vẻ diễn ra trái ngược với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo châu Âu về một cuộc sống bình thường nhờ vắc xin.

"Vắc xin COVID-19 vẫn có khả năng bảo vệ rất tốt, miễn dịch chống lại bệnh nặng và tử vong vẫn duy trì. Nhưng chúng ta biết rằng chủng Delta lây nhiễm mạnh hơn rất nhiều, trong khi ở một số nước châu Âu người dân bắt đầu lơ là các biện pháp phòng ngừa" - ông Charles Bangham, giáo sư miễn dịch học thuộc Đại học Imperial College London, nhận định trên Đài CNN.

Nói cách khác, dù tỷ lệ tiêm ngừa của một quốc gia có cao đến cỡ nào, nếu chỉ dựa vào đó thì không thể ngăn được đại dịch. Bên cạnh đó, giữa tỷ lệ tiêm ngừa 70% và 80% có sự khác biệt rất lớn, vì cứ mỗi phần trăm tăng thêm là gánh nặng lên hệ thống y tế được giảm bớt.

"Vắc xin đang giúp kiểm soát tỷ lệ tử vong. Nhưng chúng ta đang chứng kiến một con virus tiến hóa trở thành bệnh đặc hữu, một số nước bị nặng hơn những nơi khác cũng bởi thiếu các biện pháp kiểm soát" - ông David Heymann, cựu Giám đốc bệnh truyền nhiễm của WHO, chia sẻ cùng quan điểm.

Bí ẩn sự biến mất của Delta ở Nhật Bản

Giữa lúc châu Âu rối ren, ở châu Á, Nhật Bản lại là một thái cực trái ngược, nói đúng hơn là một hiện tượng lạ. Ba tháng sau ngày chủng Delta xuất hiện và hoành hành (ca nhiễm cao nhất 26.000 ca/ngày), những tuần gần đây Nhật chỉ ghi nhận dưới 200 ca mỗi ngày, ngày 7.11 thậm chí không có ca tử vong nào (lần đầu tiên sau 15 tháng).

Các học giả nhận xét con số dưới 200 là vô cùng thấp, kể cả tỷ lệ tiêm ngừa cao (75,7% dân số), giãn cách xã hội tốt, thói quen đeo khẩu trang... cũng không giải thích được.

Theo báo Japan Times, mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Ituro Inoue thuộc Viện Di truyền quốc gia Nhật đưa ra một giả thuyết khá táo bạo: chủng Delta ở Nhật đã "tự tuyệt chủng" trong quá trình lây lan và đột biến.

Cụ thể hơn, bộ gene của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng. Nhưng chủng Delta ở Nhật tích lũy quá nhiều đột biến trên "protein sửa chữa" của nó gọi là nsp14. Kết quả là virus không kịp "vá lỗi" trong quá trình phân chia (trong cơ thể người bệnh) và dẫn đến tự diệt.

Theo các nghiên cứu trước đó, tỷ lệ dân số châu Á mang trong cơ thể loại enzyme phòng vệ APOBEC3A chuyên tấn công RNA virus, bao gồm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, cao hơn so với dân châu Âu và châu Phi. Phát hiện này khiến các nhà khoa học Nhật tò mò cách APOBEC3A tác động lên protein nsp14.

"Chúng tôi bị sốc trước phát hiện của mình... Xét thực tế ca nhiễm ở Nhật không tăng trong thời gian qua, chúng tôi nghĩ vào một chu kỳ đột biến nào đó virus đã đi thẳng vào con đường tự diệt. Nếu virus còn sống và khỏe, ca nhiễm chắc chắn phải tăng vì khẩu trang và vắc xin không thể ngăn toàn bộ lây nhiễm" - giáo sư Inoue cho biết.

Kể từ lúc đạt đỉnh vào giữa tháng 8.2021, ca nhiễm ở Nhật giảm liên tục xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9, rồi tiếp tục xuống dưới 200 vào cuối tháng 10, bất kể mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Tàu điện, nhà hàng... những ngày này đông kín người.

Tuy vậy, giáo sư Inoue cảnh báo Nhật không vì thế mà "miễn nhiễm" trước các làn sóng dịch tiếp theo (nếu có). "Chúng ta ổn vì chủng Delta ngăn không cho các chủng virus khác xâm nhập. Nhưng giờ không còn gì ngăn chúng được nữa, chỉ vắc xin không đủ giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh bây giờ là rất quan trọng" - vị chuyên gia đánh giá.

Áo buộc người dân tiêm vắc xin

Ngày 19.11, Áo trở thành nền dân chủ phương Tây đầu tiên tuyên bố sẽ buộc toàn bộ người trưởng thành tiêm ngừa COVID-19, theo báo New York Times. Tờ báo Mỹ đánh giá đây là bước đi "vô cùng khác thường" của Áo, mặt khác cho thấy tính nghiêm trọng của đợt bùng dịch thứ 4 tại châu Âu.

Với tuyên bố này, Áo một mình bỏ lại các nước châu Âu khác vượt qua "lằn ranh" vốn trước nay không ai nghĩ phương Tây dám làm. Phản ứng rõ nhất là các phong trào cực hữu và chống vắc xin ở Áo ầm ầm biến biểu tình thành bạo lực cuối tuần rồi.

Nhiều nước châu Âu đã ban hành quy định tiêm vắc xin nhưng chỉ trên danh nghĩa, ví dụ yêu cầu xuất trình giấy tiêm ngừa, giấy chứng nhận khỏi bệnh hoặc test âm tính trước khi di chuyển hoặc tham gia các hoạt động.

Theo Tuổi trẻ