Phát triển bóng đá trẻ Việt Nam: Giải bài toán cho giấc mơ World Cup
Thể thao - Ngày đăng : 13:02, 22/11/2021
Giải được bài toán phát triển bóng đá trẻ, Việt Nam mới có thể mơ về tấm vé dự World Cup. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup 2026, song khó thực hiện được khi nền tảng và nội lực còn yếu. Sau lứa cầu thủ thành công hiện tại, thật đáng lo khi nhìn vào những cầu thủ trẻ mà 5 năm nữa sẽ trở thành trụ cột của đội tuyển Việt Nam.
Kết quả của đội tuyển Việt Nam trong lần đầu tham dự vòng loại thứ ba World Cup cho thấy việc được tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh cùng hàng loạt đội bóng hàng đầu châu lục là điều xa vời. Trong khi đó, việc U23 Việt Nam chật vật giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2022 cũng cho thấy bóng đá Việt Nam còn bấp bênh ra sao khi các lứa cầu thủ không đồng đều. U23 Việt Nam hiện tại khó có thể thành công như thế hệ đi trước của Quang Hải, Công Phượng…
Điều đó một lần nữa đặt hồi chuông báo động về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam - nền tảng quan trọng nhất để phát triển.
Thiếu nguồn đầu tư chất lượng
Nhắc đến công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, nhiều người nghĩ tới các “lò” quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội, Viettel và PVF. Đây là những nơi sản sinh hàng loạt cầu thủ giỏi cho đội tuyển Việt Nam những năm gần đây.
Điểm chung của họ là có nguồn cầu thủ đầu vào chất lượng cùng tiềm lực tài chính tốt để phát triển. Đào tạo bóng đá trẻ đòi hỏi tốn rất nhiều tiền chứ không chỉ công sức.
Nhìn vào lứa cầu thủ sinh năm 1995-1997 hiện tại, tất cả đi lên nhờ sự đầu tư khổng lồ từ bầu Đức, bầu Hiển ở thời điểm đổ nhiều tiền vào bóng đá.
Tuy nhiên, một vài năm gần đây, vì những lý do khác nhau, nguồn tiền cho công tác đào tạo trẻ không còn nhiều.
Hoàng Anh Gia Lai giờ không còn đủ nguồn lực để hợp tác với hệ thống chất lượng JMG-Arsenal, PVF được chuyển giao cho đơn vị mới thay vì Tập đoàn VinGroup giàu có. Công tác đào tạo trẻ của Hà Nội, Sông Lam Nghệ An cũng chưa có nhiều đột phá. Trong khi đó, các học viện đào tạo non trẻ như Juventus tại Bà Rịa-Vũng Tàu cần thêm thời gian để trình làng những lứa cầu thủ nổi bật.
Điều đó dẫn tới bóng đá Việt Nam thiếu dần đi những cầu thủ chất lượng sau lứa Quang Hải, Công Phượng. Khoảng cách năng lực giữa lứa cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại với “đàn anh” ở tuyển quốc gia là minh chứng rõ nét nhất.
Nhờ nguồn tiền đầu tư khổng lồ vào bóng đá, những cầu thủ giỏi như Quang Hải, Công Phượng mới xuất hiện và đem về thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gần đây, nhiều người hâm mộ phải trầm trồ khi Sông Lam Nghệ An nhận được khoản đầu tư khổng lồ từ doanh nghiệp để vực dậy sau khủng hoảng. Không chỉ với đội chính đá V-League, câu lạc bộ xứ Nghệ có nguồn tiền vững chắc để chăm lo cho bóng đá trẻ.
Điều đó hứa hẹn góp phần không nhỏ cho bóng đá Việt Nam trong tương lai, bởi Sông Lam Nghệ An vốn có truyền thống đào tạo trẻ hàng đầu, nay lại được thúc đẩy nhờ nguồn tiền dồi dào.
Nhưng không phải đội nào cũng may mắn như Sông Lam Nghệ An. Rất ít đội bóng chuyên nghiệp V-League có nguồn lực tốt và chấp nhận đầu tư cho đào tạo trẻ.
Ví dụ như Hải Phòng nhiều năm qua bỏ qua khâu đào tạo này. Hà Tĩnh mới lên hạng hai mùa giải gần nhất cũng chưa có đủ lực để phát triển nhiều hơn lứa trẻ.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khó có thể đòi hỏi những nguồn tiền từ doanh nghiệp, ông bầu đổ vào bóng đá liên tục khi mà họ không thu lại lợi ích.
Bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, song vẫn còn nhiều điểm thiếu hoàn hiện. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với đầu tư bóng đá, ngay ở các đội chính đá V-League chứ chưa cần đề cập tới bóng đá trẻ.
Thời điểm này, bóng đá Việt Nam đang có được cú hích từ thành công của đội tuyển quốc gia, nhưng sẽ không được lâu dài.
Bởi thế, làm sao để có nhiều hơn nguồn tiền cho bóng đá là vấn đề mang tính hệ thống.
Cần chiến lược dài hạn
Tuy nhiên, ngay khi có được nguồn tiền cần thiết, chưa chắc công tác đào tạo trẻ Việt Nam có thể sớm được nâng tầm.
Những người lãnh đạo cần xây dựng hệ thống một cách khoa học, bài bản và đồng bộ mang tính chiến lược.
Cần chiến lược dài hạn, đồng bộ để phát triển bóng đá trẻ Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ở lứa cầu thủ giỏi hiện tại với Quang Hải, Công Phượng, huấn luyện viên Park Hang-seo từng rất ngạc nhiên khi nhiều cầu thủ không có kỹ thuật đồng đều và phải uốn nắn lại từ những điều căn cơ.
Những nền bóng đá phát triển không như vậy. Cầu thủ được phát triển đồng đều về kỹ thuật, chung một nền tảng và khi chơi bóng ở mức độ cao nhất sẽ chỉ cần tập trung vào chiến thuật, cách di chuyển... mà huấn luyện viên trưởng thay vì phải học lại điều cơ bản.
Cựu danh thủ Đặng Phương Nam đánh giá: “Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam còn chưa theo quy chuẩn chung nào cả. Mỗi câu lạc bộ lại có cách làm khác nhau. Điều đó khiến hệ thống đào tạo chưa ổn định và thiếu tính đồng bộ.”
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam cần phát triển mang tính chiến lược thay vì tự phát theo từng thời điểm, trong đó vai trò của giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần phải được chú trọng hơn.
Cựu giám đốc kỹ thuật VFF, ông Rainer Wilfeld từng nói: “Nhiệm vụ của giám đốc kỹ thuật không chỉ là những mục tiêu trước mắt như thắng giải đấu, mà còn là lên chiến lược cho cả một nền bóng đá như phát triển ra sao, cần đầu tư chỗ nào…”
Bóng đá Việt Nam bao lâu nữa mới có lứa cầu thủ xuất sắc như hiện tại? (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cũng cho rằng những người đứng đầu bóng đá Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để phát triển bóng đá trẻ, như cần có sự đồng bộ từ khâu tuyển chọn, đào tạo, chế độ dinh dưỡng, học văn hóa, thậm chí phải giỏi tiếng Anh. Bóng đá Việt Nam cũng cần thêm những huấn luyện viên rất giỏi, gương mẫu để chăm lo cho lứa trẻ.
Những bước phát triển đào tạo cầu thủ trẻ cũng hoàn toàn có thể không đi theo lối truyền thống, mà với những phương án hiện đại, hiệu quả như đẩy mạnh phong trào cộng đồng, sàng lọc qua bóng đá học đường...
Tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ
Nếu bóng đá Việt Nam đã đào tạo ra những cầu thủ tốt, song không tạo cơ hội, cho họ thi đấu thì cũng như “có học mà không được thực hành.”
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ đơn vị Next Media, nhiều giải đấu trẻ như U15, U17 được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và có sự đầu tư hơn. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ cho cầu thủ trẻ Việt Nam nếu so với những nền bóng đá phát triển.
Nhiều chuyên gia bóng đá và cựu danh thủ đều nhất trí rằng cần tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn cho cầu thủ trẻ.
Trong hệ thống giải vô địch, cúp quốc gia của các lứa tuổi, số trận đấu cần được tăng cao hơn nữa, hoặc thậm chí thêm nhiều giải đấu ra đời nhằm tạo điều kiện tối đa.
Với những cầu thủ U23 sắp trưởng thành, họ cần được trao cơ hội thi đấu ở V-League, cúp Quốc gia hoặc thậm chí những sân chơi khu vực như AFC Cup.
Cầu thủ trẻ Việt Nam cần được thi đấu nhiều hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đáng chú ý hơn, sự quan tâm, tạo điều kiện cho thi đấu cầu thủ trẻ còn mang bước đệm để hoàn thiện tâm lý thi đấu, đạo đức nghề nghiệp.
Năm 2020, bóng đá Việt Nam bàng hoàng với trường hợp 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp tham gia dàn xếp tỷ số ở vòng loại U19 Quốc gia.
Đây không phải lần đầu bóng đá Việt Nam ghi nhận trường hợp như vậy, song nó không được phép tái diễn lại lần nữa nếu muốn phát triển toàn diện các thế hệ cầu thủ.
Những năm qua, VFF không ngừng phát triển nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với tổ chức, liên đoàn bóng đá của các quốc gia phát triển.
Giờ đây, những người đứng đầu bóng đá Việt Nam cần tận dụng tốt điều ấy để tạo nhiều hơn nữa cơ hội cho sự nghiệp phát triển bóng đá trẻ lâu dài, làm xương sống cho hành trình vươn tới giấc mơ World Cup.
Giấc mơ World Cup còn xa vời với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Vietnam+