Lý do một số virus gây đại dịch "tự hủy diệt"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:34, 23/11/2021

Một số chuyên gia cho rằng các đột biến có hại khiến virus bị lỗi di truyền, cuối cùng không thể lây lan được nữa và tự hủy diệt.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi đi bộ trên đường phố Okinawa, Nhật Bản, tháng 10.2021

Mới đây, sau khi số ca nhiễm tại Nhật Bản giảm thẳng đứng, các chuyên gia đưa ra giả thuyết Covid-19 có thể tự hủy diệt. Họ cho rằng biến chủng Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến với một protein không cấu trúc, có khả năng sửa lỗi di truyền của nCoV tên là nsp14. Kết quả, virus vật lộn sửa chữa các lỗi sai sau thời gian dài, cuối cùng không thể sinh sôi thêm được nữa.

Thực tế, giả thuyết trên từng được đề cập vào năm ngoái. Giáo sư Karol Sikora, bác sĩ ung thư tại Anh cho rằng Covid-19 sẽ "tự hủy diệt". Điều này từng xảy ra với virus cúm. Thông thường, các chủng cúm có xu hướng phát triển theo nhiều con đường khác nhau, sau đó phần lớn đột ngột tuyệt chủng. Cứ vài thập kỷ, một chủng cúm mới xuất hiện để thay thế, thường được tạo ra từ sự kết hợp giữa virus cũ và virus mới của động vật.

"Điều này thực sự thú vị. Bởi nếu bạn nhìn vào bất cứ dòng virus cụ thể nào, hoặc bất cứ chuỗi gene nào có khả năng tự tái tạo, bạn sẽ nhận thấy rất có thể chúng sẽ sớm tuyệt chủng. Các chủng virus chết dần sau mỗi vài năm", Sarah Cobey, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chicago, cho biết.

Chủng cúm H1N1 là ví dụ. Thay vì thích nghi với con người theo thời gian, virus gây ra đại dịch cúm lợn năm 1918 đã âm thầm tích lũy các đột biến vô dụng và thậm chí có hại cho sự tồn tại của mình.

Một số nhà khoa học cho rằng con người có thể lợi dụng quá trình này, sử dụng đặc tính tiến hóa nhanh chóng của virus để đẩy lùi dịch bệnh. Ý tưởng này đã xuất hiện một thời gian, đặt tiền đề loại bỏ cúm và cảm lạnh, gần đây được đề xuất như phương pháp chống Covid-19.

Trọng tâm của chiến lược này là nhắm đến đặc điểm sinh học của "virus RNA" - một nhóm gồm nhiều mầm bệnh khó chữa nhất của loài người, như HIV, cúm, virus corona và Ebola. Vật chất di truyền của chúng được tạo nên từ RNA, không phải DNA, tức là khi nhân lên, chúng không thể tự sửa chữa các lỗi.

Đây từng được coi là lý do virus nguy hiểm với con người, bởi đột biến tạo ra lượng gene đa dạng đến bất thường, cho phép chúng tiến hóa nhanh chóng. Từ đó, bất kỳ loại vaccine hay thuốc tấn công chúng đều sớm trở nên kém hiệu quả.

Nhưng tốc độ đột biến đáng kinh ngạc cũng là con dao hai lưỡi. Ở một tỷ lệ nhất định, các đột biến có hại khiến virus bị lỗi di truyền, cuối cùng không thể lây lan được nữa và tự hủy diệt.

Các nhà khoa học đề xuất tăng tốc độ tiến hóa của virus bằng thuốc, "đánh lừa" chúng tạo ra các đột biến có hại để đẩy lùi dịch bệnh. Phương pháp này có thể làm suy yếu virus đến mức giảm độ lây lan của chúng ở từng bệnh nhân. Đồng thời, nó giúp điều trị Covid-19 dễ dàng ở người có triệu chứng nặng.

Một số chủng virus nhất định, như nCoV, có sẵn ít nhất 6 đột biến. Chúng có thể tích lũy đủ đột biến có hại và biến mất hoàn toàn.

Nói về giả thuyết virus tự hủy diệt của các nhà khoa học Nhật Bản, tiến sĩ Simon Clarke, Trưởng khoa Khoa học Y sinh và Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Reading, nhận định: "Virus có thể có quá nhiều đột biến, do đó không thể tái tạo. Khi lây nhiễm xong, các virus này sẽ chết đi. Vật chất di truyền của chúng dừng phát triển, giống như việc một người không bao giờ có con vậy. Virus ngừng sản sinh thế hệ tiếp theo".

Theo tiến sĩ Clarke, đây có thể là điều đã xảy ra với SARS. Nhóm nghiên cứu Nhật Bản phát hiện nCoV không thể tái tạo khi các đột biến chồng chất lên nhau.

"Virus chỉ ngừng phát triển khi không thể tái tạo được nữa. Đây là điều mà các nhà khoa học Nhật Bản phỏng đoán. Khi virus tự sinh ra đột biến khiến chúng không thể sống được, con đường tiến hóa đi vào ngõ cụt", ông cho biết.

Tuy nhiên, điều này khá hiếm thấy. Theo tiến sĩ Clarke, Covid-19 vẫn dễ dàng lây nhiễm ở hiện tại cho đến khi thế giới đạt miễn dịch cộng đồng hoặc bằng hình thức nào đó phá vỡ chuỗi lây truyền. Đây là điều đã xảy ra với SARS. Mầm bệnh biến mất nhanh vì khả năng lây truyền không tốt như Covid-19.

Tình hình tích cực tại Nhật Bản gần đây trở thành chủ đề nóng. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nguyên do nằm ở vaccine. Hiện 75% dân số nước này đã tiêm đủ hai liều. Bên cạnh đó, ý thức đeo khẩu trang và chấp hành khuyến cáo y tế đã ăn sâu, bén rễ trong cộng đồng sau hai năm dịch bệnh.

"Tôi vẫn cảm thấy khó tin khi nói rằng tất cả nCoV ở Nhật Bản đồng loạt đi vào ngõ cụt và không phát triển được nữa. Có vẻ số ca nhiễm nước này giảm là nhờ miễn dịch cộng đồng hoặc các biện pháp nước này đã áp dụng", ông nói.

Ông Clarke cho rằng dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn có nguy cơ tăng trở lại, giống với xu hướng tại nhiều khu vực trên thế giới.

Theo VNE