Công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc: Họ thực hiện ra sao?
Tin tức - Ngày đăng : 11:28, 24/11/2021
Parasite và đạo diễn Bong Joon Ho với chiến thắng ở Cannes và các hạng mục quan trọng nhất của Giải Oscar lần thứ 92 là kết quả hành trình 20 năm sáng tạo của CJ với rất nhiều thử nghiệm thất bại để tích lũy kinh nghiệm đưa điện ảnh Hàn Quốc lên tầm cao thế giới
Ở một quốc gia châu Á khác - nơi mà cách đây nửa thế kỷ, mối quan tâm lớn nhất là lương thực chứ không phải là rạp chiếu phim - làn sóng lớn sẽ xóa nhòa những đường biên giới để kimchi và kimbap tràn đến từng siêu thị ở châu Âu, châu Mỹ bắt đầu từ những khát vọng cá nhân.
Những động cơ vi mô đã làm nên sự chuyển động vĩ mô của cả một nền kinh tế sáng tạo.
Hàn Quốc - Từ nhà máy sản xuất bột mì đến thẳng phòng Hội đồng Quản trị DreamWorks - nơi bắt đầu làn sóng Hallyu
Ngày 18.5.1994, Bộ trưởng Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc Lee Sang Hee đã báo cáo với Tổng thống Kim Young Sam về hiện tượng Jurassic Park: "Chỉ trong một năm, lợi nhuận từ Jurassic Park đã lên tới 850 triệu USD. Con số này tương đương với lợi nhuận thu được khi xuất khẩu 1,5 triệu chiếc xe ô tô".
Thời điểm đó, Huyndai đang vật lộn tại thị trường Bắc Mỹ và ngay cả trong năm 1986 - năm xuất khẩu thành công nhất của Huyndai - 168.882 xe bán ra tại Hoa Kỳ đã là con số kỷ lục.
Phép so sánh Jurassic Park với ôtô đã khiến cho hơn 20 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc bao gồm cả Daewoo, SKC, Saehan... tiến quân sang lĩnh vực điện ảnh. Trong số đó có Cheil Jedang - một doanh nghiệp hơn 40 năm sản xuất đường ăn và bột mì.
Tháng 4.1995, Steven Spielberg, đạo diễn của Jurassic Park và là nhà sáng lập hãng phim DreamWorks tuyên bố đối tác chiến lược của "nhà máy sản xuất những giấc mơ" với khoản đầu tư 300 triệu USD là một doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hàn Quốc.
Doanh nghiệp thực phẩm đó chính là Cheil Jedang - ngày nay được cả thế giới biết đến với cái tên CJ Group - doanh nghiệp định hình việc ăn- mặc- nghe- xem- nhìn của hàng triệu người Hàn Quốc và châu Á, với doanh thu gần 60 tỷ USD mỗi năm từ các bộ phim bom tấn, giải thưởng âm nhạc, rạp chiếu phim, nhà hàng, ẩm thực...
Quyết định liều lĩnh của CJ bắt nguồn từ ước mơ đưa điện ảnh Hàn Quốc lên ngang tầm Hollywood. Với suy nghĩ nếu muốn tạo ra những sản phẩm văn hóa có thể so sánh được với thiên đường văn hóa phương Tây, nơi vẫn được coi là dòng chảy chủ lưu của văn hóa thế giới, thì nhất thiết phải thiết lập được một nền tảng - hệ thống có đủ sức cạnh tranh với phương Tây.
Và CJ đã đặt cược toàn bộ vận mệnh của doanh nghiệp vào quyết định đầu tư mạo hiểm này. 10 năm sau đó là một quá trình với vô vàn lần thử nghiệm và thất bại, số lần thất bại nhiều hơn số lần thành công. Nhưng mỗi lần thất bại là mỗi lần CJ rút ra một bài học thực tế có thể vạch ra con đường phát triển của không chỉ một doanh nghiệp, mà còn của nền công nghiệp văn hóa của cả một quốc gia.
Đến tháng 6.2013, Chính phủ Hàn Quốc chính thức vào cuộc, nắm vai trò nhạc trưởng chỉ huy màn trình diễn ngoạn mục của làn sóng Hallyu với Kế hoạch Hành động để xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo, "mở ra kỷ nguyên hạnh phúc cho mỗi người dân Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo". Kế hoạch hành động đặt ra 3 mục tiêu:
1. Tạo việc làm mới và thị trường mới thông qua sáng tạo và đổi mới
2. Khẳng định sức mạnh mềm Hàn Quốc trong vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xu thế phát triển toàn cầu với sức ảnh hưởng của những thành tựu kinh tế sáng tạo
3. Xây dựng một xã hội ưu việt nơi sáng tạo được tôn vinh và là động lực phát triển
Ngân sách 5,3 tỷ USD được dành cho triển khai kế hoạch với 6 nhiệm vụ trọng tâm:
1. Ghi nhận những thành quả sáng tạo của các doanh nghiệp và tạo dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghiệp văn hóa ra đời và phát triển.
2. Tăng cường sức mạnh của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp sáng tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp này khi tham gia thị trường quốc tế.
3. Tạo động lực tăng trưởng để hình thành những thị trường mới, những lĩnh vực mới nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực trong nước.
4. Bồi dưỡng những tài năng sáng tạo có tầm vóc quốc tế, truyền cảm hứng và khát vọng vượt lên mọi thách thức để theo đuổi những hoài bão lớn.
5. Phát huy nội lực đổi mới sáng tạo của các ngành khoa học công nghệ và viễn thông tạo thành nền tảng vững chắc cho kinh tế sáng tạo.
6. Phát triển nền kinh tế văn hóa sáng tạo lớn mạnh cùng với sự phát triển của con người Hàn Quốc.
Hơn 20 hiệp hội, liên đoàn các ngành công nghiệp sáng tạo, trung tâm sáng tạo và bản quyền là các cơ quan kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác quốc tế phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo liên tiếp được thành lập sau đó. Tiêu biểu là Trung tâm Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency KOCCA).
Đây là cơ quan chuyên hỗ trợ và thúc đẩy tất cả các hoạt động cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung bao gồm hoạt hình, phim điện ảnh và truyền hình, Kpop, trò chơi giải trí bằng cách thiết lập một hệ thống doanh nghiệp, hệ thống các chỉ số thống kê, đánh giá hiệu quả hoạt động và mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp với các khoản đầu tư, cho vay ưu đãi.
Sau 8 năm thực hiện Kế hoạch hành động, văn hoá đại chúng của Hàn Quốc hiện diện khắp toàn cầu, từ âm nhạc, phim truyền hình, điện ảnh cho đến ẩm thực, thời trang, văn hóa phẩm đi kèm…
Tính đến tháng 8.2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 Trung tâm Văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu.
Báo cáo của Quỹ Văn hoá Hàn Quốc đưa ra con số 89 triệu người hâm mộ Hallyu ở 113 quốc gia, trong đó hơn 70 triệu người ở châu Á, gần 12 triệu ở châu Mỹ và 6,6 triệu châu Âu… Sức mạnh mềm của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu.
Poster sự kiện Universal Cool Japan với hình ảnh của những "đại sứ" công nghiệp văn hóa Nhật Bản: Thủy thủ Mặt trăng, Thám tử Conan và Godzilla
Nhật Bản - Cool Japan hay liều thuốc chữa lành những ám ảnh chiến tranh
Nhật Bản, quốc gia luôn có mặt ở Top 5 các quốc gia có ảnh hưởng "sức mạnh mềm" lớn nhất hành tinh trong gần 2 thập kỷ nay đã đặt trọng tâm chiến lược văn hóa Nhật Bản toàn cầu vào manga, anime và ẩm thực, với khẩu hiệu "Cool Japan" tạo ấn tượng về một Nhật Bản bình yên, tươi đẹp, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống và biết ơn từng tạo vật của thiên nhiên.
Sau chiến tranh, đánh giá tiêu cực về sự áp đặt của Đế quốc Nhật Bản đối với truyền thông và văn hóa trong Thế chiến đã khiến chính phủ đương thời khá e dè trong thực thi các chính sách quản lý văn hóa một cách quy phạm.
Thay cho sự can thiệp quá sâu vào sự phát triển văn hóa, Chính phủ chú trọng đến việc giới thiệu văn hóa Nhật Bản với thế giới nhờ vào các nguồn lực đến từ các ngành công nghiệp văn hóa đã nhanh chóng phát triển sau những năm 1960 do sự đổi mới tự thân là kết quả của sự giàu lên của thị trường trong nước.
Trong những năm 1970, Chính phủ theo học thuyết Fukuda đã thực hiện một cách có hệ thống các chương trình ngoại giao văn hóa và trao đổi văn hóa bằng cách thành lập Quỹ Nhật Bản Japan Foundation, liên kết hoạt động với UNESCO và các tổ chức văn hóa xã hội các quốc gia đối tác để làm dịu đi tình cảm chống Nhật Bản ở Đông Nam Á là dư âm của những ký ức chiến tranh.
Vì thế "Cool Japan" đã trở thành khẩu hiệu tích hợp cả các mục tiêu chính trị và kinh tế của nước Nhật Bản mới.
Bộ Kinh tế và Công thương đã thành lập Văn phòng Xúc tiến Cool Japan vào tháng 6.2010, tiếp sau đó Văn phòng Chính phủ thành lập Hội đồng Thúc đẩy Cool Japan vào năm 2013 cùng với Quỹ Cool Japan có tổng ngân sách lên đến 481,24 triệu USD đầu tư cho việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm văn hóa Nhật Bản thông qua hoạt động đầu tư, hợp tác thương mại và văn hóa ngoài biên giới quốc gia.
Đến nay, "Cool Japan" với các từ tiếng Nhật đã trở thành ngôn ngữ quốc tế "manga", "anime", "honda", "sushi"... biểu thị sự lan tỏa toàn cầu của văn hóa truyền thống Nhật Bản, tích cực nâng cao hơn nữa vị thế văn hóa của Nhật Bản trên thế giới.
Phim Hồ Trường Tân của Trung Quốc trở thành phim có doanh thu cao nhất thế giới năm 2021 với doanh thu phòng vé gần 1 tỷ USD
Trung Quốc - Đệ nhị đế chế và liên minh của những tỷ phú
Trung Quốc không ngại ngần che giấu mục tiêu trở thành quốc gia có nền công nghiệp văn hóa lớn nhất hành tinh bằng cả tiềm lực của những đại tư bản lẫn sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ qua các chính sách xuất nhập khẩu và tín dụng cho ngành kinh doanh văn hóa nghệ thuật để đảm bảo quy mô thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa Trung Quốc có thể tăng trưởng 20% mỗi năm.
Tại Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa VXVII tháng 10.2011, một cuộc thảo luận đặc biệt với chủ đề về Công nghiệp Văn hóa lần đầu tiên được tiến hành.
Nghị quyết Hội nghị sau đó đã nêu ra nhiệm vụ thực hiện sự phát triển và thịnh vượng văn hóa để "thúc đẩy Công nghiệp Văn hóa trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân".
Tiếp nối quan điểm này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XVIII trong Nghị quyết Đại hội tháng 11.2012 đã xác định rõ mục tiêu trước năm 2020 là phải "phát triển các hình thức văn hóa mới, nâng cao quy mô, tăng cường và chuyên môn hóa Công nghiệp Văn hóa".
Và tổ chức được trao quyền để hiện thực hóa mục tiêu đó là Hiệp hội Công nghiệp Văn hóa Trung Quốc (China Cultural Industry Association CCIA) - một liên minh của quyền lực chính trị và sức mạnh kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa.
CCIA được thành lập vào ngày 29.6.2013 với tư cách là một pháp nhân độc lập và là một tổ chức hàng đầu quốc gia. Thành viên sáng lập của CCIA là các cơ quan văn hóa giáo dục uy tín nhất của quốc gia và các tập đoàn lớn nhất nước: Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Công nghiệp Văn hóa ở Đại học Thanh Hoa; Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Tập đoàn Nghệ thuật và Giải trí Trung Quốc (CAEG); Nhà hát Opera thuộc Tổng cục Chính trị; Tập đoàn Alibaba; Tập đoàn Shanghai Shanda Networking; Tập đoàn Bất động sản lớn nhất hành tinh Evergrande Group; Tập đoàn Tencent và Ngân hàng Bắc Kinh Bank of Beijing.
Với Chủ tịch là Trương Bân (Zhang Bin) - một Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp khoá 12 và các phó chủ tịch là lãnh đạo các ngân hàng, tập đoàn kinh tế có tổng tài sản hơn 1.100 tỷ USD - những cái tên quyền lực nhất của nền kinh tế Trung Quốc: Jack Ma, Mã Hóa Đằng, Hứa Gia Ẩn, CCIA là một thế lực thực sự có khả năng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Để đảm đương sứ mệnh "xây dựng nền tảng, cung cấp dịch vụ, tăng cường hợp tác và đạt được tăng trưởng mới", CCIA được trao quyền thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc, bành trướng sức mạnh mềm của văn hóa Trung Quốc, đồng thời triển khai các chiến dịch vươn ra toàn cầu của Văn hóa Trung Quốc.
Xác định mục tiêu trở thành một tổ chức xã hội có vị thế toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa, CCIA - thông qua việc điều hành sáu hoạt động kinh doanh cốt lõi trong truyền thông quốc tế và trao đổi văn hóa, trao đổi và hợp tác, nghiên cứu ngành, tài chính văn hóa, đầu tư công nghiệp và hoạt động thực tiễn - đang xây dựng một nền tảng trao đổi trên các lĩnh vực đầu tư công tư, kinh doanh và học thuật, đồng thời tạo dựng một mô hình phát triển về sự kết nối, khơi nguồn cảm hứng cho nỗ lực chung của quốc gia.
Năm 2018, Trung Quốc ghi nhận hơn 1.000 bộ phim điện ảnh và 323 bộ phim truyền hình được phát hành với doanh thu chỉ tính riêng từ rạp chiếu trong nước là 9 tỷ USD. Tổng giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc năm 2016 là 464 tỷ USD và chỉ số này có mức tăng trưởng mỗi năm 13%. Năm 2017, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 4,23% vào GDP quốc gia, tăng 12,8% so với năm 2016 và tạo ra 21,4 triệu việc làm.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc vượt mức 190 tỷ USD, và Trung Quốc trở thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu, thống trị thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu vào năm 2014 - đúng 3 năm sau cuộc thảo luận đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Liệu từ Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được tổ chức đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nền công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ?
Theo Tuổi trẻ