Mỹ phải trả gần một triệu USD vì lệnh cấm WeChat

Tin tức - Ngày đăng : 09:50, 26/11/2021

Chính quyền Biden phải trả 900.000 USD sau khi một nhóm người dùng Mỹ kiện cựu Tổng thống Donald Trump vì lệnh cấm WeChat.

Tháng 8.2020, ông Donald Trump ký hai sắc lệnh hạn chế người Mỹ giao dịch với WeChat và ByteDance. Ngay sau đó, một nhóm người đã thành lập Liên minh Người dùng WeChat tại Mỹ và kiện chính quyền Trump lên tòa án liên bang. Họ cho rằng lệnh cấm vi phạm điều lệ Hiến pháp.

Vụ kiện kéo dài từ năm ngoái đến nay mới đi đến hồi kết. Theo Insider, chính quyền Biden sẽ trả cho nhóm này 900.000 USD phí luật sư. Dù tuyên bố trả phí kiện tụng, chính quyền Biden không thừa nhận quyết định của ông Trump là sai lầm. Trong khi đó, lệnh cấm với WeChat và TikTok đã được huỷ bỏ. Các luật sư của Liên minh Người dùng WeChat khẳng định họ đã thắng kiện.


Lệnh cấm WeChat, TikTok của cựu Tổng thống Trump vào tháng 8.2020 vấp phải làn sóng phản đối của người dùng Mỹ. Ảnh: Nikkei

Trong bài đăng bằng tiếng Trung, liên minh cho rằng lẽ ra ứng dụng này không nên bị cấm ngay từ đầu. Liên minh được thành lập bởi một nhóm luật sư người Mỹ gốc Hoa sau khi ông Trump nhắm vào WeChat và TikTok trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. Lệnh hạn chế khiến hàng triệu người dùng Mỹ hoang mang, lo sợ hai nền tảng này bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng.

Đơn khiếu nại của liên minh khẳng định có 19 triệu người Mỹ nói tiếng Trung sử dụng WeChat để giao tiếp với bạn bè và gia đình. Đa số nền tảng mạng xã hội của phương Tây bị chặn ở Trung Quốc nên WeChat gần như là phương tiện duy nhất giúp mọi người dễ dàng trò chuyện với người thân. Nhiều mối quan hệ kinh doanh tại Trung Quốc cũng được duy trì qua ứng dụng này.

Năm ngoái, thẩm phán đã đưa ra quyết định sơ bộ, ngăn việc thực thi lệnh cấm WeChat. Chính quyền Trump sau đó kháng cáo phán quyết. Đến tháng 6, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi lệnh cấm của ông Trump, đồng thời ký các lệnh mới yêu cầu Bộ Thương mại tiến hành đánh giá vấn đề an ninh quốc gia đối với các ứng dụng này.

Theo VnExpress