Khi nào người dân bị xử phạt do đi xe máy đè vạch xương cá?

Tư vấn - Ngày đăng : 11:00, 26/11/2021

Nếu có vạch kẻ đường nét đứt ở trước đoạn vạch kẻ đường nét liền nhưng người tham gia giao thông không chuyển làn trên phần nét đứt mà vẫn đi tiếp vào phần vạch xương cá thì lỗi thuộc về người lái xe.


Đoạn vạch xương cá gây khó dễ khi đi lại cho người dân. Ảnh: T.M

Hỏi: Gần đây, mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh về đoạn đường xương cá nối liền với làn xe máy nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, hướng từ quận Hoàng Mai sang huyện Gia Lâm (Hà Nội). Theo đó, nhiều người cho rằng đoạn đường xương cá gây khó dễ cho người đi xe máy bởi dù đi thẳng hay chuyển làn, họ đều vi phạm luật giao thông.

Thông tin về sự việc, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 5 Công an Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin và đang kiểm tra xem có sự bất hợp lý hay không, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Trong trường hợp vi phạm luật giao thông do bất cập của vạch kẻ đường, người dân có bị xử phạt không?

Trả lời:

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị

Trong tình huống này có thể chia thành 2 trường hợp. Đó là trường hợp lỗi thuộc về người tham gia giao thông và lỗi thuộc về đơn vị kẻ vạch đi đường.

Trường hợp thứ nhất, nếu giả sử có vạch kẻ đường nét đứt ở trước đoạn vạch kẻ đường nét liền nhưng người tham gia giao thông không chuyển làn trên phần nét đứt mà vẫn đi tiếp vào phần vạch xương cá thì lỗi thuộc về người lái xe do không chấp hành đúng vạch kẻ đường.

Khi đó, người tham gia giao thông đã vi phạm luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt 100.000-200.000 đồng.

Trường hợp thứ hai, nếu làn trong cùng chỉ có vạch nét liền đến tận phần vạch xương cá, người tham gia giao thông không thể chuyền làn khi đã đi vào đây và không có lựa chọn nào để tránh vi phạm thì họ không có lỗi.

Điều 52.5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT quy định rõ về việc khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường, cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định. Nếu tình huống 2 xảy ra, lỗi thuộc về cơ quan có thẩm quyền do đã kẻ vạch đi đường bất hợp lý, dẫn tới hậu quả là người tham gia giao thông vi phạm.

Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 điều này cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Từ quy định này, nếu tình huống 2 xảy ra, người lái xe không có lỗi nếu phải đè vạch liền để chuyển làn hoặc đi vào vạch xương cá. Và nếu không có lỗi, họ sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong vụ việc này, việc cơ quan có thẩm quyền cần làm nếu xác định vạch kẻ đường có vấn đề, gây khó dễ cho người dân là phải kẻ lại vạch hợp lý, phù hợp với tình hình giao thông trên thực địa và chấm dứt việc cảnh sát giao thông đứng phía cuối để bắt lỗi, phạt người dân.

Theo Zing