Lễ nghĩa có hạn chế tư duy sáng tạo?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:00, 28/11/2021
Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TP Hồ Chí Minh) chúc mừng giáo viên nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong đó, nhiều ý kiến đặt vấn đề là sự lễ nghĩa, "kính trên nhường dưới" có hạn chế, cản trở sự phản biện và tư duy sáng tạo không?
- PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
Nếu hiểu đúng, chữ "lễ" không hạn chế sáng tạo
Trước đây, tôi được thầy cô dạy từ "lễ" trong "Tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là lễ giáo mà là đạo đức, nhân cách và nền tảng con người, cho nên đầu tiên là phải học những điều này trước khi học kiến thức. Cô giáo của tôi còn dạy cách hiểu được điều chỉnh qua từng giai đoạn nên tôi thấy câu đó không sai. Nếu hiểu như vậy thì chữ "lễ" không hạn chế tư duy sáng tạo.
Tôi đồng ý để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Hiện nay rất nhiều trường, nhiều giáo viên có phương pháp giảng dạy hiện đại, phát huy tính sáng tạo của người học.
Thực tế có nhiều giáo viên rất nỗ lực, dạy rất tốt nhưng lại có những phụ huynh thiếu tôn trọng giáo viên, trong khi giáo dục đạo đức trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường. Do vậy, để có con người chủ động và sáng tạo, văn hóa học đường cần được hỗ trợ bởi văn hóa giáo dục chung của gia đình và xã hội.
Ở các nước phương Tây, dù họ không có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng ngay từ nhỏ trẻ con đều được dạy về đạo đức, cách cư xử và tôn trọng lẫn nhau. Theo tôi, điều cần nhất là phải làm rõ ý nghĩa của câu "Tiên học lễ, hậu học văn" để mọi người đều hiểu đúng và "hành lễ" đúng trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, dạy làm người bên cạnh việc dạy kiến thức.
- GS.TS Võ Văn Tới (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
Thầy cũng phải tôn trọng trò
Những câu tục ngữ và thành ngữ thường có nghĩa biểu trưng. Do vậy, có thể với câu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhiều người nghĩ là "thầy nói gì dù sai cũng kệ, trò phải nghe theo mà không dám nói lại". Tôi từng học ở châu Âu và dạy học ở Mỹ, mặc dù người ta không có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng cách cư xử của người phương Tây cũng thể hiện điều đó.
Những sinh viên người nước ngoài họ rất đàng hoàng, biết kính trên nhường dưới. Khi trình bày ý kiến với thầy, họ rất lễ độ nhưng cũng rất thẳng thắn.
Theo tôi, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" là tốt, phù hợp với văn hóa kính trên nhường dưới của người Việt. Nhưng thực tế cũng có nhiều người cố tình hiểu không đúng, hành xử không đúng theo ý nghĩa của câu này, như cho rằng "học trò không được nói lại thầy".
Tôi nhận thấy học sinh, sinh viên Việt Nam ít khi trao đổi, nêu ý kiến hay tranh luận với giáo viên. Điều này là do các em ngại ngùng, sợ khi nói ra điều gì đó mọi người nghĩ mình "ngu". Bên cạnh đó, thực tế cũng có giáo viên khi học trò hỏi điều gì họ không trả lời được nhưng lại quát mắng theo kiểu "cả vú lấp miệng em". Điều này khiến người học không dám hỏi hay phát biểu.
Tôi thường nói với sinh viên rằng không có câu hỏi nào là ngu, các em cần mạnh dạn hỏi. Ở các nước, khi học trò hỏi thầy điều gì mà họ không biết thì họ sẽ thẳng thắn trả lời ngay "tôi không biết và sẽ tìm hiểu lại để trả lời sau" và rất tôn trọng người học. Làm được như vậy mới phát huy được tư duy phản biện và sáng tạo ở người học.
Chúng ta cần phải dạy cho học trò hiểu câu "Tiên học lễ, hậu học văn" theo hướng là phải biết kính trên nhường dưới, phải biết lễ phép, không được ăn nói lỗ mãng, phải tôn trọng nhau. Tôi cho rằng thay vì chỉ hô khẩu hiệu, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục, cắt nghĩa những câu như vậy để giới trẻ hiểu rõ và phát huy giá trị thực tế của nó.
- TS Trương Thị Mai (Khoa chính trị - hành chính, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
Để người học trở thành "đồng tác giả" với người thầy...
Trước đổi mới, văn hóa học đường ở Việt Nam gắn với cơ chế tập trung bao cấp và điều này được thể hiện thành văn hóa học đường bao cấp. Người thầy quyết định tất cả bằng sự bao cấp tư duy, tri thức, trí tuệ với phương pháp chủ yếu là trao truyền mà ta thường gọi một cách nôm na là "thầy đọc, trò chép".
Ngược lại, người học thụ động và nỗ lực làm theo những quyết định của người thầy, cho gì nhận nấy, không thắc mắc, không phản biện, làm theo bài mẫu.
Tính tàn dư của văn hóa học đường thời bao cấp tồn tại rất dai dẳng ngay cả khi đất nước đã đổi mới hàng thập niên.
Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn nghiên cứu hệ thống dây chuyền tự động hóa - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay, một chuyển biến dễ nhận thấy đầu tiên là mô hình văn hóa học đường năng động, sáng tạo, lấy người học làm trung tâm và mô hình giáo dục đã dựa trên sự tôn trọng tính độc lập trong tư duy và phát huy năng lực của người học.
Người thầy trở thành người truyền cảm hứng, tổ chức môi trường giáo dục học tập, định hướng thông tin tri thức, kiến thức. Bầu không khí dân chủ trong nhà trường, môi trường văn hóa học đường tích cực này giúp cho người dạy tránh khiên cưỡng, xơ cứng, áp đặt từ chương, giáo điều và tiếp thu được những cái mới dù nhỏ nhất từ phía người học.
Đồng thời giúp cho người học trở thành "đồng tác giả" với người thầy trong từng buổi lên lớp, trong từng bài giảng, trong từng môn học và trong các quá trình của một chu trình nghiên cứu, học tập.
Trong đặc trưng sáng tạo, người thầy phải tiêu biểu và là trụ cột của văn hóa học đường bằng sự thông tuệ, bao dung, nhân ái; luôn khuyến khích và tôn trọng cái mới; biết đòi hỏi người học trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, dẫn dắt, động viên người học dấn thân cho sự đam mê, sáng tạo.
Ngược lại, người học cũng là chủ thể năng động, mạnh dạn khám phá với tinh thần và ý chí tự tôn không sợ sai, dám chấp nhận thách thức và kể cả sai lầm để đào sâu suy nghĩ, thay đổi tư duy, cách làm nhằm khẳng định giá trị bản thân và từng bước dấn thân vào vườn ươm sáng tạo.
Phải làm sao để người học sớm hình thành thói quen tư duy phản biện, luôn biết nghi ngờ khoa học, trên cơ sở biết ơn người dẫn dắt, huấn luyện mình nhưng lại có khát khao đi xa hơn để tiến tới những đỉnh cao của tri thức mà thực tiễn của cuộc sống, của thời đại đang thôi thúc gợi mở.
Có như vậy giáo dục - đào tạo mới đưa ra những sản phẩm là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu của đất nước, xã hội, doanh nghiệp cần chứ không phải đưa ra những sản phẩm mình có.
- Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội):
Nhiều khẩu hiệu chỉ mang tính hình thức
Bản tham luận của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày ở Hội thảo giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" dài 9 trang A4 xuyên suốt vấn đề: "Để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
GS Thêm đề nghị bỏ những khẩu hiệu, những cụm từ hoặc hình ảnh (khá phổ biến, hay nói đến) để biểu đạt mang tính thụ động, tính áp đặt như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa "dễ bảo, vâng lời", giỏi theo nghĩa "thuộc bài") và "Tiên học lễ, hậu học văn".
Những liệt kê đó, nếu thực sự mang tính thụ động, áp đặt, đi ngược với điều ta mong muốn ở thế hệ thanh niên, học sinh bây giờ thì nên bỏ. Còn những khẩu hiệu, cụm từ không hạn chế tính chủ động, sáng tạo của con người thì cứ dùng.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" có nên bỏ hay không? Theo tôi, nên bỏ vì hai lý do: Thứ nhất, nhiều khẩu hiệu trong các trường học bấy lâu nay chỉ mang tính hình thức, tác dụng tích cực như mong muốn không còn nữa.
Thứ hai, sau khi GS Thêm đề nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu này thì có nhiều ý kiến trái chiều, phân tích nghĩa của từ "lễ" và từ "văn" không giống như ý GS Thêm đề cập.
Giữa ồn ào dư luận đó, tôi nhận được thư của một phụ huynh. Cô ấy kể đọc các tranh luận, ý kiến khác nhau rồi hỏi con trai học lớp 3 rằng "Con có hiểu "Tiên học lễ, hậu học văn" là gì không?". Cậu con trai trả lời không hiểu và cũng không được thầy, cô trên lớp giảng giải về câu này.
Nhiều người lớn còn chưa hiểu đúng, hiểu hết thì trưng ra làm gì ở các trường học.
Theo Tuổi trẻ