Độc đáo đình cổ Đào Lâm
Di tích - Ngày đăng : 09:52, 29/11/2021
Đình Đào Lâm toạ lạc trên khu đất rộng rãi, thoáng đãng
Thần tích hào hùng
Đình Đào Lâm thờ 4 vị tướng là Phạm Vân, Hoàng Công Bỉnh, Vũ Công Tạo và Thái tử Lý Mạnh. Cả 4 ông đều có công giúp nhà Lý đánh đuổi giặc Lương.
Theo thần tích còn lưu giữ tại đình Đào Lâm thì vào thế kỷ VI, nhà Lương bên Trung Quốc sai tướng Trần Bán Tiên mang quân sang xâm lược nước ta. Nhận được tin, vua Lý Nam Đế liền họp các quan trong triều tìm kế đánh giặc và chiêu mộ quân. Vì văn võ toàn tài, các ông Phạm Vân, Hoàng Công Bỉnh, Vũ Công Tạo cùng với Thái tử Lý Mạnh được nhà vua tin tưởng giao 2.000 binh lính lên đường đánh giặc. Khi đến làng Đào Tòng, huyện Gia Phúc, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng) thì được nhân dân hoan hỷ đón tiếp. Thấy nơi này đẹp cảnh, đẹp người, 4 vị bèn ra lệnh cho binh sĩ cùng dân làng lập hành cung, mở tiệc khao quân. Hôm đó, trong làng có 20 thanh niên trai tráng xin theo đánh giặc.
Vài ngày sau, đoàn quân cấp tốc lên đường thẳng tiến tới bờ sông Tô Lịch giao chiến với quân thù. Bằng sự mưu trí, đoàn quân của 4 vị nhanh chóng đẩy lui quân giặc. Không chịu thua, quân Lương xin thêm tiếp viện. Ở trận đánh thứ 2, do chênh lệch về lực lượng và khí giới nên binh sĩ của 4 vị tử trận nhiều. Để vẹn tròn khí tiết với nước non, cả 4 vị tướng đã gieo mình xuống dòng sông Tô Lịch vào ngày 20 tháng 10 âm lịch. Sau trận đánh, một số binh lính còn sống sót trở về làng Đào Tòng và thuật lại chuyện. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng Đào Tòng đã lập đền thờ 4 vị tại nơi hành cung mà nghĩa quân lập nên ngày trước (nay là hậu cung của Đình làng Đào Lâm).
Với công lao to lớn, nhà Lý liền sắc phong Thượng Đẳng Thần cho cả 4 vị tướng. Vua Lý ra lệnh cho nhân dân làng Đào Tòng đến rước mỹ tự vua phong về đền thờ tứ vị. Năm 1288, Ô Mã Nhi và Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang xâm lược nhà Trần. Vua Trần Nhân Tông đã giao Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đến đền thờ 4 vị ở làng Đào Tòng bái yết và cầu tảo. Sau đó đi đánh giặc giành được thắng lợi vẻ vang. Đến năm 1416, vua Lê Thái Tổ đánh đuổi nhà Minh cũng đi đến đền thờ 4 vị bái yết và cầu tảo quả nhiên cũng giành chiến thắng. Nhờ đó mà triều đại nhà Trần và nhà Lê đều có sắc phong Thượng Đẳng Thần cho 4 vị.
Nghệ thuật chạm khắc tại Đình Đào Lâm được bảo lưu gần như nguyên vẹn
Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia
Đình Đào Lâm nằm trên khu đất bằng phẳng, rộng rãi và được xây dựng với quy mô khá lớn. Đình gồm ba công trình chính: đình ngoài, đình giữa và hậu cung, ngoài ra còn có gác chuông. Trải qua thời gian, ngôi đình đã nhuốm màu rêu phong, có nhiều nét cổ kính.
Đình ngoài có 5 gian 2 chái có diện tích trên 250 m2 với 4 hàng cột gỗ lim lớn. Kiến trúc các vì kèo theo kiểu chồng rường đấu sen được chạm khắc hoa lá cách điệu. Đầu các con chồng được tạo dáng hình đầu rồng. Tại 8 đầu dư chạm khắc hình độc long ngậm ngọc tạo thế vững chắc và thể hiện sự linh thiêng. Mái đình ngoài được lợp bằng ngói mũi, trên các đao góc được tạo dáng hình đầu rồng uốn cong mềm mại. Trên các bờ mái bố trí tứ linh (long, ly, quy, phượng). Ở hai đầu bờ nóc đình là hai đầu rồng to khỏe với tư thế như kìm giữ cho mái đình vững chắc hơn.
Đình giữa cách đình ngoài 2 m cũng gồm 5 gian 2 chái nhưng diện tích nhỏ hơn (khoảng 220 m2). Kiến trúc nổi bật nhất là nghệ thuật chạm khắc tại các đầu bẩy với đề tài bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trên các bức cốn là long quần rất sắc sảo, sinh động. Trên xà ngang trung tâm treo bức đại tự “Đức phong thượng đẳng thần". Phía dưới bài trí 1 bộ kiệu bát cống, 2 bộ kiệu long đình. Hai bên là hai hàng long đao bát bửu. Tất cả mọi hiện vật đều sơn son thếp vàng. Cũng như đình ngoài, đình giữa được xây dựng vào thời Hậu Lê và tu sửa vào thời Nguyễn.
Tiếp theo là đình giữa rộng khoảng 105 m2 gồm ba gian hậu cung. Gian đầu bài trí án thư, trên có các đồ tế. Phần sau hậu cung đặt một khám thờ lớn bên trong bài trí bốn ngai thờ bốn vị thành hoàng làng. Trên mỗi ngai có một bài vị ghi tên tuổi các vị...
Tháng 3.1990, đình Đào Lâm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia.
ĐỖ QUYẾT