Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngẫm về văn hóa đời sống

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:30, 30/11/2021

75 năm trước, ngày 24.11.1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Người khẳng định “Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở”; đồng thời đề cao sứ mệnh của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

75 năm sau, ngày 24.11.2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội. Phát triển ý người xưa: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Tổng Bí thư đặt nhiệm vụ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng chí chỉ rõ những giải pháp trong thời gian tới, trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái. Những gì xấu xa, việc làm ti tiện, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. 

Hiện có khoảng 200 định nghĩa về văn hóa. Tổng Thư ký UNESCO Federico Mayor cho rằng: Văn hóa là tổng thể sống động có hoạt động sáng tạo của các cá nhân và các cộng đồng trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, các truyền thống và thị hiếu-những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.

Như thế văn hóa có mặt trong tất cả các hoạt động của con người. Nói đến văn hóa, ta nghĩ ngay năng lực bản chất con người, nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Vì thế mặc nhiên nó gắn với trí tuệ, đạo đức, lương tâm, nó chứa đựng tính nhân văn.

Theo lẽ thông thường, người học nhiều, có học hàm, học vị cao, thường có trình độ văn hoá cao và ngược lại. Những kiến thức, hiểu biết của con người về thiên nhiên, về xã hội mới chỉ là tri thức. Tri thức được xã hội công nhận thể hiện ở học hàm, học vị, đều rất quý. Nhưng từ tri thức để thành trình độ văn hóa nó phải chịu sự sàng lọc của một quá trình, đó là thông qua ứng xử với cuộc đời, cộng đồng và thiên nhiên. Trình độ văn hóa do cộng đồng, xã hội tôn vinh, duy danh định giá, chứ không phải tự mình định lượng.

Trong một không gian cụ thể, một người ứng xử kém, được gọi là vô văn hóa. Ngược lại, ứng xử tốt sẽ được cộng đồng coi là người có văn hóa. Trình độ văn hóa của con người phụ thuộc vào thái độ ứng xử con người phô bày với cộng đồng, với xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gia đình có chức năng giáo dục ý nghĩa nhất. Khi con còn nhỏ, người mẹ biết tuỳ lúc nhẹ nhàng kéo tay, vuốt mũi cho con đẹp đẽ, cân đối thêm. Khi đứa trẻ bắt đầu tập đi, người mẹ tập cho con dáng đứng thẳng, tư thế ung dung, để tạo thành phong thái sau này. Có gia đình tập cho con nắn nót viết chữ, chơi cờ, rèn luyện đức tính thận trọng, kiên trì. Dạy con trẻ hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực của xã hội, dạy trẻ biết yêu quý cha mẹ, ông bà, anh chị, biết chăm sóc quan tâm tới người già, biết nhường nhịn... Như vậy văn hóa gia đình là tiền đề văn hóa cộng đồng. Người xưa coi việc đầu tiên là tu thân, tề gia rồi sau mới có thể "trị quốc". Bởi thế mỗi gia đình mới có gia phong, gia huấn, gia huy, gia pháp…

Một quốc gia biết đầu tư cho con người là đầu tư lâu dài cho phát triển kinh tế. Còn thể thao là dạng thức của văn hóa. Nhìn vào thể thao có thể nhận diện ra phông văn hóa của một cộng đồng. Không nên cho rằng thể thao chỉ đơn thuần làm mạnh mẽ thể lực bên ngoài, rèn luyện ý chí. Điều cao quý hơn là làm đẹp trong tâm hồn, trong nhận thức. 

Người dân Việt Nam kỳ vọng đất nước sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Như thế văn hóa nghĩa rộng, không hẳn chỉ là học vấn. “Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc", đúng như Tổng Bí thư khẳng định. 

THIÊN GIA TRANG