Kỷ niệm nghề báo

Chính trị - Ngày đăng : 08:30, 30/11/2021

Cuối tháng 12.2010, tôi là phóng viên đầu tiên của Báo Hải Dương được Ban Biên tập cử đi Trường Sa. Đó là một trong nhiều kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Hải Dương.

Một chuyến đi nhớ mãi

Tháng 11.1979, đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III. Đồng chí đã đi thăm một số cơ sở trong tỉnh. Cánh nhà báo chúng tôi được cùng về HTX Nông nghiệp Phạm Kha (Thanh Miện), Trại nhân giống lúa Điền Nhi (Gia Lộc)…

Về xã Phạm Kha, đồng chí Tố Hữu luôn quan sát cảnh vật, con người hai bên đường. Thấy một cháu bé đang gò lưng gánh rau bèo cho lợn, nhà thơ nói với chúng tôi phải làm sao để trẻ em không phải làm những việc nặng nhọc như thế kia vì chúng còn nhỏ quá. Đến đầu xã gặp “vườn quả Bác Hồ”, thấy những cây táo trĩu quả, nhà thơ nói vui: Các ông đừng gửi táo cho mình vì nhà mình đã có “cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt” (Bài ca mùa xuân 61). Chúng tôi cùng cười vui.

Xe chạy đến sân trụ sở HTX thì dừng lại. Các đồng chí lãnh đạo địa phương ra đón tiếp. Cùng lúc, đông đảo các cháu thiếu nhi cũng ùa đến và rất nhanh đã kết thành vòng tròn xung quanh nhà thơ. Với chất giọng nhỏ nhẹ của xứ Huế, nhà thơ hỏi: “Con nào biết bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng?” Rất nhiều cánh tay giơ lên: Con!... Con!... Rồi một em gái hồn nhiên đọc: “Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài/ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm…”. Nhà thơ lắng nghe rồi vỗ tay khen. 

Vào phòng làm việc, đồng chí chăm chú nghe và hỏi về tình hình sản xuất, đời sống cùa bà con xã viên. Đồng chí lưu ý xã cố gắng đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý, áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, tăng thu nhập cho xã viên; trên cơ sở đó có điều kiện cải tạo đường sá, mua sắm nông cụ, xe vận chuyển, giải phóng đôi vai… Đảng viên phải đoàn kết xây dựng chi bộ “4tốt”, HTX tiên tiến, chống tham ô, lãng phí, chè chén, tiết kiệm lương thực, thực phẩm… Nhà thơ hướng về phía mấy phóng viên nói: Các ông nhà báo về cơ sở công tác cũng cần thực hiện đúng chế độ tem phiếu, đỡ khó khăn cho tập thể nhá.

Rời Phạm Kha, đồng chí đến thăm trại nhân giống lúa mới ngắn ngày. Đồng chí ra tận các lô ruộng, thăm hỏi ân cần và động viên các cán bộ kỹ thật, công nhân lao động trong trại đi sâu nghiên cứu, thực hành để có những giống lúa tốt, giúp tỉnh nhanh chóng đạt 5 tấn/ha…

Một chuyến đi ngắn ngủi cùng đồng chí Tố Hữu nhưng thật đáng nhớ. Các nhà báo chúng tôi đã cảm nhận và học được những điều bổ ích cả về nghề nghiệp, tính nhân văn từ một người lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và một nhà thơ lớn của nước nhà.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG


Bài "đinh" ở số báo đặc biệt

Hành trình ra quần đảo Trường Sa và di chuyển giữa các hòn đảo rất vất vả vì nhiều ngày trời giông to, mưa lớn, gặp áp thấp nhiệt đới. Đa số các phóng viên đi trên tàu đều bị say sóng. Việc tác nghiệp trên mỗi điểm đảo cũng phải rất khẩn trương. Có nơi phóng viên cùng đoàn công tác chỉ có 2 giờ đồng hồ trên đảo rồi lại phải đi ra tàu cho kịp hành trình. Các nhà báo đều phải chạy đua với thời gian để phỏng vấn, quan sát, chụp hình, viết các tin bài, kịp thời gửi về tòa soạn. Lúc ấy, các điểm đảo mới có sóng 3G, việc gửi tin bài, nhất là ảnh về tòa soạn thường bị chậm. Có những tấm ảnh, tôi mất gần 30 phút mới gửi về được.

Sau khi đi gần hết các điểm đảo trên hành trình, tôi đã hoàn thành được loạt bài "Trường Sa thân thương" gồm 5 bài, gửi về tòa soạn. Thật bất ngờ, Ban Biên tập quyết định khởi đăng loạt bài này vào ngày 8.1.2011, đúng ngày báo Hải Dương tăng thêm 1 kỳ ra vào thứ bảy, trở thành tờ báo Đảng địa phương thứ tư ở phía Bắc phát hành hằng ngày.

Biết loạt bài về Trường Sa được đăng từ số báo đánh dấu bước phát triển mới của tờ báo, lòng tôi lâng lâng vui sướng. Niềm vui ấy giúp tôi có thêm động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, kết thúc 27 ngày lênh đênh trên biển với biết bao kỷ niệm khó quên.

NINH TUÂN

Những lần đi rừng 

Hơn 5 năm được giao phụ trách tuyên truyền về lĩnh vực lâm nghiệp, tôi có những kỷ niệm khó quên trong những chuyến đi rừng để lấy tư liệu viết bài.

Khác với tuyên truyền về những ngành nghề khác, theo dõi mảng lâm nghiệp có những vất vả riêng. Địa bàn xa đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, bền bỉ, dẻo dai. Việc tiếp cận, gặp gỡ nhân vật để phỏng vấn cũng khó khăn vì người dân sống gần rừng, sóng điện thoại kém, bập bõm. Có lần không liên hệ trước được, tôi phải đi gần 50 km tới tận nhà nhân vật ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) để gặp, song đến nơi nhân vật đã lên rừng và phải tới tối mới trở về nên tôi đành phải viết giấy gửi lại hẹn gặp vào ngày khác. Hẹn gặp đã khó, khi đã gặp được rồi, cùng nhân vật đi tìm hiểu thực tế thì lại càng nhọc nhằn hơn. Đường lên rừng nhiều đoạn trơn trượt, chênh vênh, khúc khuỷu, nhiều cây bụi có gai. Nhiều lần tôi bị ngã, gai cào xước da thịt. Chưa kể đến việc leo rừng không quen nên chỉ đi được đoạn ngắn đã thở dốc, nhiều lần nản chỉ muốn quay về. Dù vất vả song đổi lại tôi biết được những thông tin hữu ích. Đó là chất liệu chân thực nhất để tôi có thể hoàn thành các bài phóng sự - ghi chép về núi rừng.

NGUYỄN MƠ


"Quân sư" bất đắc dĩ

Cuối tháng 8.2018, tôi được giao đi tìm hiểu đơn kêu cứu của một người dân ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc, nay là TP Hải Dương). Cả gia đình này luôn sống trong sợ hãi vì các đối tượng đòi nợ liên tục ném dầu nhớt, trứng thối, mắm tôm, sơn, phân… vào nhà. Họ cho biết nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do con trai họ nợ tiền những đối tượng xấu nhưng không có khả năng trả. Con trai họ đã bỏ nhà đi, gia đình không thể liên lạc được. Ngoài gia đình nọ, trong thôn Thanh Xá cũng có nhiều gia đình khác gặp tình trạng tương tự.

Sau khi bài viết "Sống trong nỗi sợ bị tấn công bằng bom bẩn” đăng trên báo Hải Dương, Công an huyện Gia Lộc đã tìm ra các đối tượng ném chất bẩn vào nhà người đã viết đơn kêu cứu. 4 đối tượng ném chất bẩn đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Những ngày sau khi bài viết được đăng, gia đình nọ không còn bị các đối tượng đòi nợ làm phiền. Họ thường xuyên giữ liên lạc, chân thành cảm ơn tôi, hẹn tôi có dịp thì qua chơi. Có lần họ còn điện cho tôi nói rằng đứa con trai bỏ nhà đi đã về nhà nhưng vẫn còn nợ tiền. Họ hỏi tôi có nên lo nợ tiếp cho con nữa không. Tôi rất bất ngờ vì câu hỏi này nhưng cũng rất vui vì phải thật tin tưởng thì họ mới nhờ tôi đưa ra lời khuyên về chuyện gia đình như vậy. Thế là tôi đành trở thành "quân sư" bất đắc dĩ. 

HÀ NGA

Đề tài hay từ quán nước vỉa hè

Những ngày đầu mới về công tác tại Báo Hải Dương do kiến thức, kỹ năng, sự am hiểu về các lĩnh vực, địa phương còn ít khiến việc tìm kiếm đề tài viết bài của tôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi cơ sở, tôi thường lui tới một số quán nước vỉa hè vừa để suy nghĩ về đề tài, vừa lắng nghe những câu chuyện đời của người dân.

Hôm ấy, trong lúc còn đang lơ mơ về những con số có được khi đi cơ sở, bất chợt tôi nghe thấy ở bàn bên cạnh có mấy bác trung tuổi đang nói với nhau về một kiểu bán hàng kỳ lạ. Chỉ cần mua gạo, mắm, muối… tại một công ty là sẽ được nhận nhiều quyền lợi hấp dẫn. Cảm giác có thể đây sẽ là một vấn đề hay, tôi liền ghi nhớ lại để tìm hiểu.

Sau ngày hôm đó, tôi lân la đến quán nước ấy nhiều lần để nắm rõ hơn thông tin. Và rồi cuối cùng cũng biết được địa chỉ của công ty nọ. Sau nhiều lần khảo sát, tôi quyết định sẽ tiến sâu hơn. Với kế hoạch lập sẵn, tôi đã tiếp cận nhiều khách mua hàng, rồi đến người bán hàng. Thì ra sau lớp vỏ bọc về quyền lợi hấp dẫn đó, người mua hàng đã vô tình rơi vào “bẫy đa cấp” mà những người đứng sau công ty bày ra. Cuối cùng, từ thông tin ở một quán nước cùng những tài liệu đã thu thập được, bài viết của tôi về một mạng lưới bán hàng kỳ lạ đã ra đời.

HÀ KIÊN