Chồng lên tận công ty vợ để bắt về nhà nấu cơm
Gia đình - Ngày đăng : 09:25, 30/11/2021
Có nhiều anh chàng coi sự hi sinh của phụ nữ là một điều hiển nhiên, dần dà thiếu tôn trọng và nảy sinh những suy nghĩ áp đặt, gia trưởng. Kể cả khi chúng ta đã kết hôn và về chung một mái nhà, chị em vẫn nên đặt ra giới hạn riêng cho bản thân. Bằng không, bạn sẽ mau chóng trở nên lép vế, mất tiếng nói trong chính gia đình mình. Câu chuyện của T. dưới đây là một tình huống như vậy, nơi tổ ấm có người chồng giữ tư tưởng gia trưởng. Song T. đã có cách "trị" chồng đanh thép và sắc sảo.
Chồng lên tận công ty vợ để lôi về nhà bắt nấu cơm
Trong 3 năm đầu sau khi kết hôn, T. quyết định là một người nội trợ full-time để dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Khi lấy chồng, cô nàng mới chỉ 26 tuổi. Cả hai đã có hơn 1 năm yêu nhau và gắn bó. Một phần đám cưới được tổ chức mau chóng là bởi T. phát hiện mình đã có thai. Nhưng hơn cả, T. và người chồng hơn cô 3 tuổi đều cảm thấy sẵn sàng bước tiếp trong mối quan hệ, cùng nhau xây dựng vun đắp tổ ấm.
Vì lúc mới kết hôn xong, T. bước vào những tháng cuối của thai kỳ nên cô nhận được sự giúp đỡ lớn từ ông bà nội ngoại đôi bên. Chồng của T. cũng yêu chiều vợ, cả hai hi vọng em bé sẽ ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh. Cuối cùng, T. đã hạ sinh một bé trai thành công, tuy nhiên đây cũng là bước ngoặt trong cuộc sống hôn nhân của cô nàng này.
"Từ sau khi mình sinh con xong, chồng cũng chẳng còn quan tâm như trước. Ông bà nội ngoại thì ở xa, không phải lúc nào cũng đỡ đần, chăm sóc được. Chồng đi làm về, anh ấy luôn muốn có cơm ngon canh ngọt đợi sẵn, nhưng khổ nỗi con còn nhỏ quá, mình chẳng thể cáng đáng được hết. Anh luôn coi những công việc nội trợ là bắt buộc và là nghĩa vụ của vợ. Rất nhiều mâu thuẫn, cãi vã cũng nảy sinh từ đây" - T. tâm sự.
Đỉnh điểm hơn là việc T. quyết định sẽ đi làm công sở sau 3 năm đầu hôn nhân. Cô nàng vạch mọi thứ rõ ràng rằng phụ nữ dù thế nào cũng phải có sự nghiệp ổn định. Không cần phải quá xuất sắc nhưng nên có việc làm để không bị lép vế trước chồng. Tất nhiên ban đầu quyết định vấp phải sự phản đối của chồng, song T. vẫn quyết tâm theo đến cùng.
Một vấn đề xảy ra là khi T. đi làm, cô sẽ gửi con cho người quen trông hộ, chuyện này rất ổn thỏa. Nhưng cô nàng cũng phải mang cơm đi làm vì không tiện về nhà buổi trưa. Chồng T. càu nhàu rất nhiều về chuyện này vì anh đã quen với việc từ cơ quan về nhà ăn trưa vợ nấu. Mặc dù T. đã cố dậy sớm, nấu cơm cho hai người mang đi làm, song vẫn vướng phải sự phản đối từ ông xã.
Trong 2 tuần đầu mới đi làm, có một hôm chồng cô lên tận công ty vợ để gọi bà xã về nhà nấu cơm. Do hơi ngại với đồng nghiệp nên T. ngậm ngùi, đành phải về nhà làm theo lời chồng.
Pha xử lý mạnh mẽ của người phụ nữ khiến đối phương hoảng hồn xin tha thứ
T. hiểu rằng bây giờ nếu thỏa hiệp với yêu cầu của chồng, cô ấy sẽ luôn lép vế và mất đi tiếng nói. Sau hôm bị chồng lên tận công ty bắt nấu cơm, T. đúng đến 11 giờ xin phép riêng với sếp về nhà trong 3 ngày. Song khi về nhà, cô chỉ cắm cơm rồi luộc rau, không chuẩn bị thêm món gì.
Sau khi nhận thấy sự hời hợt và lạnh nhạt của vợ, chồng T. nổi đóa thì người phụ nữ cũng kiên quyết đáp trả: "Tôi nói cho anh biết, ở trên công ty tôi thì tôi còn có thể nể anh. Còn đây là nhà, anh định làm gì? Nếu để yên tôi dậy sớm nấu cơm thì còn đủ món mang đi. Bằng không thì anh tự ăn rau luộc nhé, tôi không phải ô sin nhà anh!".
Thấy thái độ quá cương quyết của vợ, chồng T. thấy bản thân chẳng thể làm quá thêm được nữa, nếu không chính anh ta sẽ chịu thiệt. Cuối cùng, anh phải gượng gạo xin vợ tha thứ và để mọi thứ cho cô ấy quyết. Như vậy, T. đã rất thành công khi đi trước chồng một bước và giành lấy thế chủ động. Nhiều khi, chị em luôn cảm thấy sợ hãi trước chồng mà không dám vùng lên để đấu tranh những quyền lợi chính đáng. Chính sự rụt rè đó làm đối phương càng lấn tới. Hãy mạnh mẽ hơn để khẳng định rằng bạn cũng là người cần được tôn trọng trong cuộc hôn nhân.
Theo Gia đình