Nhớ thời làm báo Hải Hưng

Chính trị - Ngày đăng : 10:30, 30/11/2021

Gắn bó gần 29 năm cho đến ngày chia tách tỉnh (ngày 1.1.1997), tập thể cán bộ, phóng viên Báo Hải Hưng đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khó, đưa tờ báo ngày càng phát triển.


Cán bộ, phóng viên, nhân viên chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 25 năm Báo Hải Hưng

Ngày 1.3.1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên được hợp nhất theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Báo Hải Dương và Báo Hưng Yên cũng được hợp nhất thành Báo Hải Hưng. 

Một thời gian khó

Trước ngày ra số báo Hải Hưng đầu tiên, đồng chí Lê Ngọc Dưỡng, Phó Tổng Biên tập Báo Hưng Yên cùng 10 đồng chí là cán bộ, phóng viên Báo Hưng Yên sang Hải Dương nhận công tác. Báo Hải Hưng nhanh chóng ổn định. Tòa soạn thành lập các tổ công tác Đảng, chính quyền và các đoàn thể, quân sự, trị an; tổ nông nghiệp; tổ chính trị - văn hóa- xã hội; tổ công thương nghiệp.

Nhà báo Vũ Đình Khản, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Hưng, Báo Hải Dương năm nay đã 81 tuổi. Ông là người gắn bó với báo Hải Hưng từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Ký ức về những ngày làm báo Hải Hưng đầy khó khăn vẫn nguyên vẹn trong ông. “Thời kỳ ấy miền Bắc đang bị đế quốc Mỹ ném bom, tòa soạn phải sơ tán về thôn Tó, xã Phương Hưng (Gia Lộc). Lúc đó tôi chỉ là nhân viên sửa mo-rát nhưng cảm nhận rõ không khí phấn chấn, tinh thần làm việc hết mình của cán bộ, phóng viên để chuẩn bị cho ra số báo Hải Hưng đầu tiên. Sau gần 10 ngày chuẩn bị khẩn trương, thứ bảy ngày 2.3.1968, báo Hải Hưng ra số đầu với 6 trang, khổ 26x37”, nhà báo Vũ Đình Khản nhớ lại.

Ông Khản cho biết hợp nhất hai tỉnh, địa bàn đi lại xa, anh em tác nghiệp vất vả hơn rất nhiều trong khi đó yêu cầu mỗi số báo đều phải phản ánh đầy đủ thông tin về cả hai địa phương Hải Dương và Hưng Yên. Vì vậy, mỗi lần đi công tác các phóng viên thường phải đi 2 - 3 ngày, đêm ở lại cơ sở thì mang tài liệu ra viết để sáng hôm sau ra bưu điện gửi về tòa soạn. Phương tiện đi lại của phóng viên lúc đó là xe đạp. Đi nhiều, đường xa nên săm, lốp xe rất nhanh mòn. Anh em phóng viên nghĩ ra cách cắt săm hỏng rồi quấn vào những chỗ lốp kém, gọi vui là xe "cố vấn". Khi đi xe rất nặng, gặp hôm trời mưa hầu như phải xuống đẩy vì không thể đạp được. “Làm báo thời đó khó trăm đường nhưng không vì thế mà anh em phóng viên chúng tôi lười đi cơ sở, kém lửa nghề. Có những lúc tác nghiệp, xuất bản tờ báo trong điều kiện sinh tử, thiên tai, song đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Hải Hưng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bảo đảm tờ báo vẫn ra đều đặn”, ông Vũ Đình Khản nói. 

Nhớ lại những ngày làm báo Hải Hưng, bà Đặng Thị Ánh, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Báo Hải Hưng kể năm 1973 khi vừa tốt nghiệp lớp báo chí khóa 1 Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), bà về nhận công tác tại Báo Hải Hưng và được phân công theo dõi các hội, đoàn thể. Thời điểm đó, các hội, đoàn thể có rất nhiều mô hình điểm nên bà thường xuyên phải đi cơ sở để nắm bắt thông tin, phản ánh. Chuyện đạp xe từ thị xã Hải Dương về các huyện Văn Giang, Mỹ Văn, Khoái Châu... mỗi tuần 2 lần là bình thường. Mỗi lần như vậy, bà phải dậy từ 4 giờ sáng, về đến cơ sở thường là trưa nên phải đợi đến đầu giờ chiều mới làm việc. Làm việc xong có hôm đạp xe về đến nhà cũng 8 - 9 giờ tối, sau đó lại thắp đèn ngồi viết bài để hôm sau kịp gửi cho tòa soạn. 

Những kỷ niệm không quên

Tháng 10.1973, sau khi tốt nghiệp lớp báo chí khóa 1 Trường Tuyên huấn Trung ương, nhà báo Phạm Vân Khảm, nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Hải Hưng về nhận công tác tại Báo Hải Hưng. Đến với nghề báo từ thời kỳ bao cấp, cuộc sống với bao khó khăn nhưng bằng sự tâm huyết, những nhà báo ngày đó đã không ngại khó, ngại khổ, say sưa với nghề, bám sát thực tế để có những tác phẩm tâm huyết.

23 năm gắn bó với báo Hải Hưng, trong đó 10 năm làm phóng viên, ông Khảm có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với nghề. Đó là khoảng tháng 4.1975, qua nắm bắt thông tin ông được biết mỏ đất sét Trúc Thôn (Chí Linh) có tình trạng tiêu cực trong khi cung cấp nguyên liệu cho HTX Sứ Nam Trung. Ông lặn lội về cơ sở, gặp gỡ nhiều người có vị trí công tác khác nhau ở HTX, vận dụng kinh nghiệm, thu thập nhiều thông tin, chứng cứ xác đáng để làm tư liệu. Khi bài viết được đăng tải, các đối tượng sai phạm được phản ánh trong bài viết đã sử dụng nhiều mối quan hệ để gây áp lực cho phóng viên và cơ quan báo. Nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và tư liệu có được, cũng như sự hỗ trợ của Ban Biên tập, ông đã chứng minh được với cơ quan chức năng những sai phạm ở mỏ đất sét Trúc Thôn. Sự thật được phơi bày, tỉnh có văn bản chấn chỉnh hoạt động của mỏ đất sét Trúc Thôn.

Để lấy tư liệu cho bài viết về thi đua sản xuất đay ở HTX Phùng Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên), ông Khảm đã “ăn nhờ, ở đậu” nhà chủ nhiệm HTX 2 ngày. Buổi tối, ông đến từng nhà người dân xem bóc đay, ngâm đay… rồi phỏng vấn. Sáng hôm sau, ông theo người dân ra kênh nước, lội xuống ngâm đay để có cảm nhận chân thực nhất về nỗi vất vả của người dân, để hiểu được giá trị của lao động làm nên năng suất đay cao. Cũng từ đây, ông hiểu được xã viên nữ phải ngâm mình dưới kênh ngâm đay, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, trong khi đó chế độ cho xã viên nữ còn thấp. Ngoài bài viết về phong trào thi đua sản xuất đay xuất khẩu, ông đã có thêm bài báo về quan tâm sức khỏe phụ nữ làm đay xuất khẩu. Sau đó, tỉnh đã ra quyết định tăng phụ cấp đối với xã viên nữ... 

Trong gần 29 năm hợp nhất, báo Hải Hưng đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang ở một thời kỳ đất nước cũng như địa phương có nhiều sự kiện lịch sử cùng những biến động, khó khăn thử thách. Báo đã xuất bản cả thảy 3.780 kỳ, số báo cuối cùng ra ngày 31.12.1996. Mỗi số báo là những kỷ niệm đong đầy, những vui buồn, vất vả, trăn trở của mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hải Hưng năm xưa để mỗi khi nhớ về họ luôn tự hào vì đã cống hiến hết mình đưa tờ báo trưởng thành về nhiều mặt.

HÀ VY