Báo điện tử Hải Dương với người xa xứ

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 11:30, 30/11/2021

Hơn 10 năm đi vào hoạt động, báo điện tử Hải Dương luôn đổi mới, phát triển mạnh mẽ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người Hải Dương đang ở nước ngoài.


Báo điện tử Hải Dương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với chị Vũ Minh Châu quê ở TP Hải Dương đang sinh sống và làm việc tại Mỹ

Nắm bắt tình hình dịch bệnh ở quê nhà

Nhiều độc giả là người Hải Dương đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài cho biết từ khi Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng xuất hiện các ca mắc Covid-19 thì tần suất họ truy cập báo điện tử Hải Dương nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu vì báo đăng tải rất kịp thời, chính xác, đa dạng các thông tin về dịch bệnh. Từ đó, giúp họ nắm bắt một cách nhanh chóng, chính xác tình hình dịch bệnh ở quê hương.

Chị Vũ Minh Châu (sinh năm 1981) quê ở TP Hải Dương đang sinh sống ở Mỹ cho biết mỗi lần đọc được thông tin trên báo điện tử Hải Dương về ca mắc Covid-19 ở TP Hải Dương chị lại giật mình. Chị sợ nhất là đọc được thông tin có người thân gia đình mình bị mắc. 

"Ngày 11.11, đọc được thông tin phường Ngọc Châu, nơi bố mẹ tôi đang sinh sống có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, tôi đã điện ngay về cho mẹ. Khi mẹ nói không ai bị mắc Covid-19 tôi mới thở phào nhẹ nhõm", chị Châu chia sẻ. 

Cùng chung tâm lý như chị Châu, chị Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1986) quê thị xã Kinh Môn đang sinh sống và làm việc ở Đài Loan cũng thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh của quê hương qua báo điện tử Hải Dương. Vừa qua, khi biết xã Lạc Long (Kinh Môn) có ca mắc Covid-19 nhưng liên lạc về với gia đình, biết không có ai liên quan đến các ca bệnh trên chị cũng yên tâm phần nào. 

Nhiều người Hải Dương đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cho biết qua thông tin trên báo điện tử Hải Dương họ không chỉ yên tâm về người thân, gia đình ở quê nhà mà còn thấy được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Hải Dương trong việc dập dịch, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Với họ, những bài báo viết về chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch; cộng đồng chung tay ủng hộ phòng chống dịch; giúp nông dân tiêu thụ nông sản, tiếp tế lương thực cho bà con trong khu phong tỏa, cách ly, hay chỉ là câu chuyện nhỏ của một người dân tặng chốt kiểm soát dịch những suất ăn nghĩa tình... khiến họ càng nhớ quê, trân quý tình đoàn kết và mong cho quê hương vượt qua đại dịch, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mục được nhiều người Hải Dương đang ở nước ngoài đọc nhất là Y tế - Sức khỏe, tiếp đến là các vấn đề liên quan đến chính trị, an ninh trật tự, nông nghiệp và giao thông, đô thị. 

Chị Châu và chị Tình đều cho biết mỗi lần truy cập vào báo điện tử Hải Dương, các chị thường đọc lướt từ trên xuống, sau đó mục đầu tiên vào xem là Y tế- Sức khỏe bởi ở đây cập nhật thường xuyên thông tin về dịch bệnh.

Thấy quê hương đổi thay từng ngày

Với nhiều người Hải Dương xa quê, báo điện tử Hải Dương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Qua tờ báo họ có thể nắm được mọi thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, sự đổi thay, phát triển của quê hương...

Anh Nguyễn Hồ Ngọc Sơn (sinh năm 1998) ở TP Hải Dương là du học sinh tại Hàn Quốc không chỉ theo dõi thường xuyên, mà còn chia sẻ để nhiều du học sinh Việt Nam đang ở Hàn Quốc cùng đọc báo điện tử Hải Dương. 

Chị Châu nhận xét báo đưa thông tin nhanh, giao diện ấn tượng. Mới đây báo đã đổi mới nội dung, tăng thêm "khẩu vị" cho bạn đọc qua các bài "E-Magazine" hay "Góc nhìn"... Chị bày tỏ: "Tôi rất thích chuyên mục Góc nhìn, nhiều bài hay vì thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả, phân tích nhiều vấn đề bạn đọc cần".

Chị Châu cho biết thêm báo điện tử Hải Dương là một trong những kênh quan trọng để chị dạy tiếng Việt cho con. Từ lâu, chị đã tập thói quen cho con đọc báo điện tử Hải Dương. Chị Châu cho biết đọc bài "Diện mạo mới của TP Hải Dương" mới thấy thành phố nơi chị sinh ra và lớn lên đã thay đổi từng ngày. Những con đường quen thuộc như Hồng Quang, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Thanh Niên; vườn hoa, quảng trường... nay đã được cải tạo và khoác lên mình tấm áo mới; khu vực Trung tâm Văn hóa Xứ Đông trước đây cây cối um tùm nay đã là công trình đồ sộ... 

Còn với chị Tình, người con quê Kinh Môn thì mừng vui khi đọc được thông tin những cây cầu hiện đại đã phá thế ốc đảo của quê hương. "Vui lắm, nhờ có cầu Mây, cầu Triều, cầu Dinh, việc đi lại từ các địa phương khác đến quê tôi đã thuận lợi hơn nhiều. Trước đây khổ lắm, người dân đi phà cách trở, có hôm nhỡ phà phải đợi hàng tiếng. Có cầu bà con đi lại, giao thương buôn bán thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển", chị Tình nhận xét. 

Nhiều độc giả cho rằng để hấp dẫn bạn đọc hơn nữa tờ báo cần có nhiều bài phóng sự - điều tra, bài viết phản ánh tiêu cực, đấu tranh chống tham nhũng… Hay những bài liên quan đến vấn đề ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển sản xuất đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế; thông tin nhanh, chính xác về dịch bệnh và những tin, bài viết về sự đổi thay của quê hương. 

THẾ ANH