“Giải cứu” hệ thống mầm non ngoài công lập. Bài 2: Lao đao vì dịch COVID-19, nhiều cơ sở mầm non rao bán, giải thể
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:21, 01/12/2021
Hàng loạt cơ sở mầm non tư thục rao bán, sang nhượng trên các hội nhóm. Ảnh chụp màn hình
Hà nhìn một lượt quanh nhà, suy tính những đồ đạc có thể bán khi thời hạn đóng tiền thuê mặt bằng cơ sở mầm non của cô đã tới gần. Cả năm 2021 này, cơ sở của Hà chỉ mở được đúng ba tháng với rất ít học sinh, còn lại đóng cửa.
“Không có một đồng nào thu về nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải trả trên 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, đó là còn được chủ nhà thương tình giảm bớt một phần. Với nhiều lần nghỉ dịch từ năm ngoái đến nay, kinh tế đã kiệt quệ, không xoay đâu ra tiền, có những khi quá mệt mỏi, tôi chỉ biết nằm ôm gối khóc,” cô Trần Thanh Hà, chủ cơ sở mầm non tư thục TK Bé Yêu (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nghẹn ngào.
Hà là một trong số hàng nghìn chủ cơ sở trường mầm non tư thục khắp ba miền Bắc-Trung-Nam đang lao đao vì dịch COVID-19, khi học sinh không thể đến trường.
Nợ nần chồng chất vì COVID-19
Với các trường mầm non tư thục, không có học sinh đồng nghĩa với việc không có một khoản thu nào trong khi vẫn phải đóng hàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.
“Chúng tôi phải cố gắng đàm phán với chủ nhà. Chủ nhà tốt, có tâm thì họ giảm khoảng 30-40%. Nhưng cũng có người không có tâm hoặc họ cũng gặp khó khăn, phải vay tiền để mua nhà và cần tiền để trả ngân hàng thì rất khó. Đó là khó khăn lớn nhất để chúng tôi duy trì trường,” cô Hà cho biết.
Để có tiền duy trì mặt bằng, nhiều chủ cơ sở đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, thậm chí chấp nhận đi vay lãi ngoài.
Các trường mầm non phải đóng cửa suốt 8 tháng qua, cơ sở vật chất xuống cấp, không một đồng thu về nhưng vẫn phải trả hàng chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. Ảnh: PM/Vietnam+
Chị H.T.T, chủ một cơ sở mầm non tư thục ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay mình đã vướng vòng nợ nần trong hơn một năm nay khi trường liên tục phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Theo chị T., rất ít các cơ sở mầm non tư thục có nguồn vốn dự trữ vì quy mô nhỏ, nguồn thu không nhiều trong khi thường xuyên phải đầu tư để thay đổi, làm mới, từ việc đưa giáo viên đi học bồi dưỡng đến trang bị cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phụ huynh và thu hút học sinh.
“Vì thế, qua tới bốn lần phải nghỉ học vì bùng dịch đã quá sức của chúng tôi. Chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được giáo viên của mình trong một, hai đợt đầu, còn sau đó không thể hỗ trợ và phải chấp nhận mất giáo viên vì chính chúng tôi còn không thể lo được cho bản thân mình,” chị T. chia sẻ.
Mỗi tháng 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, T. cho biết mình đã nợ đến hàng trăm triệu đồng dù chỉ có một cơ sở. “Để đầu tư một cơ sở mầm non bài bản phải tốn chi phí từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Vì thế tôi vẫn đang cố gắng cầm cự mong đến ngày được mở trường trở lại dù số nợ mỗi ngày một phình lên,” T. cho hay.
Với những người có nhiều cơ sở mầm non tư thục khác nhau thì vấn đề tài chính càng căng thẳng hơn. Cô N.T.H. có ba cơ sở trường ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông và Cầu Giấy (Hà Nội). Tổng tiền thuê nhà mỗi tháng khoảng 130 triệu đồng và phải nộp theo quý. Nghỉ dịch và không có nguồn thu, H. bảo cô đã rơi vào khủng hoảng khi không biết phải giải bài toán tiền nhà như thế nào. H. đã cố gắng đàm phán với các chủ nhà và may mắn được hai người đồng ý cho nợ từ tháng 5 đến nay.
“Dù chỉ đóng tiền thuê một cơ sở nhưng đến thời điểm này, tôi cũng không thể tiếp tục duy trì và đã tính đến phương án trả mặt bằng. May mắn là khi tôi cùng đường, chủ nhà đã đồng ý sẽ miễn tiền nhà cho tôi trong hai tháng tiếp theo để cùng nhau chờ tình hình dịch,” cô H. nói.
Rao bán, giải thể trường
Không phải chủ trường nào cũng may mắn như H. Có hai cơ sở mầm non, cô Trần Thị Dâu (Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cho biết từ ngày đóng cửa trường, cô đã phải tìm nhiều cách để vừa duy trì cuộc sống, vừa trả tiền thuê mặt bằng. Dâu thương lượng với chủ nhà, kinh doanh online đủ các mặt hàng, từ bánh kẹo đến dầu ăn, đồ dùng học tập. “Nhưng nếu hai tháng nữa vẫn chưa thể mở lại lớp chắc tôi sẽ phải xin giải thể một cơ sở dù rất tiếc nuối,” cô Dâu buồn rầu nói.
Hà bảo mỗi chữ hiện lên trên màn hình máy tính như một lưỡi dao cứa vào lòng. Ảnh: PV
Với cô Trần Thanh Hà thì việc giải thể trường không phải chỉ là dự định mà đã là hiện thực. Những ngón tay run run gõ lên bàn phím, hai hàng nước mắt vẫn không ngừng rơi theo từng con chữ: Đơn… xin… giải thể… cơ sở mầm non…, Hà bảo mỗi chữ hiện lên trên màn hình máy tính như một lưỡi dao cứa vào lòng mình. Cô đã cố gắng cầm cự trong suốt hai năm qua nhưng không thể gắng gượng hơn được nữa khi kinh tế gia đình dần cạn kiệt…
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải rời bỏ công việc mà mình yêu thích, say mê: nghề giáo viên mầm non. Tôi giải thể cơ sở của mình cũng đồng nghĩa với việc các giáo viên của tôi sẽ mất việc, học sinh không còn chỗ học, nhưng tôi không còn lựa chọn…,” Hà xúc động nói.
Nhìn cơ sở trường với tấm biển đã hạ xuống, đồ đạc đã được dọn đi, chỉ còn lại không gian trang trí sinh động và sắc màu, nơi vốn là ngôi nhà thứ hai của mình, các cô giáo và các học sinh, Hà lặng đi. “13 năm gắn bó với nghề, chúng tôi rất yêu trẻ và mong muốn mang kiến thức của mình để giúp cho học sinh được chăm sóc, được phát triển tư duy, được khám phá, được dạy những bài học quý giá nhất cho các con trong những tuổi đầu đời. Nhưng sức người có hạn, tôi chỉ biết mong các giáo viên và phụ huynh thông cảm cho mình dù biết rằng với lứa tuổi mầm non, bắt đầu làm quen với một môi trường mới là không dễ dàng…” cô nghẹn ngào.
Cô Trần Thanh Hà không cầm được nước mắt khi chia sẻ về việc phải giải thể cơ sở mầm non TK Bé Yêu với biết bao tâm huyết của mình. Ảnh: PM/Vietnam+
Hà và mầm non TK Bé Yêu của cô không phải là cơ sở duy nhất phải giải thể. Rất nhiều cơ sở mầm non tư thục đã phải khép lại hành trình của mình. Trên các diễn đàn dành cho khối mầm non, nhiều chủ trường phải dằn lòng rao bán, sang nhượng chính ngôi trường mình vun đắp, dựng xây với giá chỉ vài trăm triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng.
1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học
Khối mầm non tư thục với sự linh hoạt về giờ giấc đón trả trẻ, sự năng động trong sáng tạo và thích ứng trong dạy và học vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của phụ huynh, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống công lập. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, nơi đông dân cư và hệ thống mầm non công lập bị quá tải, hệ thống mầm non tư thục càng có vai trò quan trọng. Vì thế, việc hàng loạt cơ sở mầm non tư thục giải thể, giáo viên mầm non tư thục chuyển nghề sẽ là một thiệt hại rất lớn cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội.
Với cô Hà và các học sinh, giáo viên của cô, mầm non TK Bé Yêu giờ chỉ còn là hình ảnh lưu niệm trên màn hình điện thoại. Ảnh: PM
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Có 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ.
Kết quả rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều người lao động phải chuyển đi làm công việc khác do ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu cháu trong độ tuổi mầm non không có chỗ học. “Đây là một con số không nhỏ,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Chí Nghĩa, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Đội ngũ đó, tâm huyết đó không dễ dàng có được. Nếu các cô không có lương, đời sống quá khó khăn không sống được với nghề thì điều đó đáng tiếc không chỉ với thầy cô mà với xã hội.”
Ông Nghĩa cũng cho hay Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Bài 3: Chính sách nào “cứu” hệ thống mầm non ngoài công lập
Theo Vietnam+