[Video] Làng nghề vàng bạc Châu Khê hối hả chuẩn bị hàng Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 11:30, 01/12/2021

Thời điểm này, những người thợ làng nghề vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) lại hối hả chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nhâm Dần.


Cơ sở sản xuất vàng bạc của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Châu Khê (Thúc Kháng) chuẩn bị hàng Tết

Nhộn nhịp trở lại

Về làng Châu Khê những ngày này, tiếng máy cắt, máy mài, máy hàn rộn rã một vùng quê. Nghề làm vàng bạc Châu Khê sản xuất quanh năm nhưng dịp gần Tết Nguyên đán và đầu tháng giêng là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm.

Ông Phạm Duy Cơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Châu Khê cho biết thôn có khoảng 250 hộ, trong đó trên 90% số hộ làm nghề vàng bạc. Nguồn thu nhập chính của người Châu Khê cũng từ nghề này. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Có thời điểm cả làng phải nghỉ việc. Nhiều thợ trong thôn phải chuyển sang làm công nhân thời vụ tại các doanh nghiệp. Tháng 8 và 9 vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ các sản phẩm vàng bạc gặp khó khăn; nhiều xưởng sản xuất vàng bạc trong thôn phải dừng hoạt động, một số xưởng vẫn duy trì sản xuất nhưng hoạt động cầm chừng. Hơn 1 tháng nay, khi các chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ, việc lưu thông thuận lợi, hàng hóa cũng bán chạy hơn. Các cơ sở sản xuất vàng bạc trong thôn hoạt động nhộn nhịp trở lại. Nhiều xưởng phải cho thợ làm ngày, làm đêm mới kịp đơn hàng trả cho khách.

Bình thường, 10 người thợ tại xưởng sản xuất vàng bạc Ngọc Châu của gia đình anh Hoàng Văn Ngọc và chị Nguyễn Thị Châu làm việc 8 tiếng/ngày. Những ngày gần đây, các thợ trong xưởng đều phải tăng ca từ 3-3,5 giờ vào buổi tối để kịp trả hàng cho khách. Có ngày, thợ phải làm tới gần 12 giờ đêm mới được nghỉ. Chị Châu cho biết so với trước, việc sản xuất trang sức bằng bạc đã có nhiều máy móc, công cụ hiện đại hỗ trợ giúp rút ngắn thời gian làm ra một sản phẩm. Song để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, xưởng phải thường xuyên thay đổi mẫu mã. Tùy từng thời điểm trong năm mà xu hướng trang sức cũng thay đổi. Ví dụ, vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 thì thiên về các sản phẩm trang sức gắn ngọc trai để làm quà tặng các bà, các mẹ; dịp Lễ tình yêu Valentine thiên về các họa tiết hình trái tim. Dịp Tết gần với mùa Noel nên xưởng nhà chị Châu tập trung làm các sản phẩm trang sức bông tai, vòng tay, nhẫn, vòng cổ có hình bông tuyết, cây thông, con tuần lộc và chuẩn bị các trang sức gắn họa tiết hình con giáp, trang sức phong thủy, họa tiết kim tiền có ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc… Chị Châu cũng cho biết thêm do giá bạc tăng nên xu hướng tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi, mọi người chuộng các sản phẩm trang sức bạc với thiết kế mảnh, mỏng thay vì các sản phẩm dây chuyền, lắc, nhẫn to bản.

Vẫn còn khó khăn

Anh Mai Văn Hòa ở huyện Vụ Bản (Nam Định) làm thuê cho một xưởng sản xuất vàng bạc ở thôn Châu Khê đã được 5 năm với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Dịp cuối năm khối lượng công việc lớn, thời gian tăng ca nhiều nên thu nhập còn cao hơn. Anh Hòa cho biết do dịch bệnh Covid-19, đợt đầu năm và đợt tháng8, tháng 9 vừa qua, công việc của anh bị gián đoạn. So với thời điểm này mọi năm, khối lượng công việc năm nay ít hơn, nhưng được đi làm ổn định trở lại là điều rất mừng với anh Hòa cũng như nhiều thợ kim hoàn khác. Anh Hòa chia sẻ: “Dịch bệnh thì không thể lường trước được, tôi chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi, mọi người được đón một cái Tết bình an, vui vẻ”.

Hơn 1 tháng nay, cơ sở sản xuất vàng bạc của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến mới hoạt động ổn định trở lại sau một thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Hiện cơ sở của gia đình chị Tuyến có 9 thợ làm việc. Mọi năm vào dịp này, gia đình chị thuê thêm 4-5 thợ mới kịp làm hàng nhưng năm nay xưởng không thuê thêm thợ thời vụ bởi vẫn còn lượng hàng tồn do Covid-19. Chị Tuyến cho biết: “Các mối hàng nhà tôi chủ yếu xuất đi Hà Nội. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc sản xuất phải tạm ngừng vì đầu ra khó khăn”. Hiện tại, việc tiêu thụ hàng đã thuận lợi hơn trước tuy nhiên giá vàng bạc tăng nên sức mua cũng giảm so với mọi năm.

Theo chị Tuyến, thông thường xưởng nhà chị bỏ vốn khoảng 1,2 tỷ đồng để nhập nguyên liệu chuẩn bị hàng Tết nhưng năm nay, giá bạc tăng, nhà chị phải bỏ ra số tiền gần 2 tỷ đồng để nhập nguyên liệu. “Giá nguyên liệu tăng nhưng giá sản phẩm lại phụ thuộc vào giá thị trường nên chuyện lợi nhuận như một “canh bạc”, chưa biết thắng, thua”, chị Tuyến nói.

Xem clip

HÀ NGA