Nghĩ về văn hóa công vụ
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 02/12/2021
Tuần trước, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến nhiều giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, trong đó có việc xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền.
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi làm muộn vẫn còn diễn ra, đặc biệt là ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa trang bị máy chấm công, hoặc có nhưng phải dừng hoạt động do dịch Covid-19.
Không ít cán bộ, công chức, viên chức đến công sở với trang phục không phù hợp như mặc váy quá ngắn, áo váy không tay, không cổ, thậm chí có những người mặc áo cổ khoét sâu, hở bạo…
Tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc được giao vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Tinh thần tự quản, tự giác của một số công chức, viên chức còn thấp, có biểu hiện ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác, thiếu nhiệt tình, nhiệt huyết trong công việc… Những “bệnh” này dễ xảy ra ở những người đã chắc chân trong biên chế, có thâm niên công tác, đặc biệt là những người chỉ còn một thời gian ngắn nữa là nghỉ hưu.
Chuyện đồng nghiệp không đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ nhau trong công việc, nói xấu sau lưng...vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Vẫn có trường hợp to tiếng, có thái độ không phù hợp với đồng nghiệp khi giao tiếp, trao đổi công việc chỉ vì không đồng nhất về quan điểm.
Có người làm ở bộ phận tiếp dân nhưng thái độ khi giao tiếp với người đến giao dịch còn chưa phù hợp như ăn nói cộc lốc, sẵng giọng, có khi còn nói chuyện riêng với đồng nghiệp hoặc nhắn tin, trả lời điện thoại quá dài để người dân phải chờ lâu.
Các đồng nghiệp của tôi thường xuyên có việc phải liên hệ với lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo cấp huyện kể, có đồng chí khi còn là trưởng, phó phòng thì liên hệ trao đổi công việc rất dễ, thái độ cởi mở, gần gũi nhưng chỉ cần lên chức cao hơn thì rất khó liên hệ. Có người đã đồng ý hẹn gặp nhưng đến sát giờ hẹn lại cáo bận. Thậm chí có người từ chối cuộc gặp với lý do có việc đột xuất phải đi cơ sở nhưng người đến giao dịch lại nghe thấy tiếng của người này ở ngay trong phòng làm việc vọng ra…
Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; khi làm việc với người dân phải thực hiện “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử…
Hội nghị Văn hóa lần này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa công vụ. Nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều gương mẫu thực hiện Đề án Văn hóa công vụ thì chốn công sở sẽ văn minh hơn, lịch sự và đẹp hơn rất nhiều trong mắt người dân, doanh nghiệp.
KIM THANH