Mười năm "làm 10 tiêu 3", vợ chồng trẻ mua được nhà, có tiền tỷ
Gia đình - Ngày đăng : 07:11, 05/12/2021
Năm 2021 sắp khép lại. Với nhiều người, đây là năm vô cùng khó khăn về kinh tế. Không ít gia đình rơi vào tình trạng thu không đủ chi, phải lo ăn từng bữa.
Vợ chồng chị Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, ở TP Hải Phòng) cũng bị mất 1 tháng thu nhập do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, do đã quen với lối sống tối giản, có tiền tích lũy nên tài chính không phải là vấn đề đáng lo với vợ chồng chị khi dịch bệnh ập đến.
Thậm chí, do phải hoãn các kế hoạch đi du lịch nên năm nay quỹ tích lũy của anh chị còn tăng thêm 30 triệu đồng (khoản tiền dành cho du lịch của cả nhà).
Làm được 10 đồng, chỉ tiêu 3 đồng
Kế hoạch sống tối giản được vợ chồng chị Huyền quyết tâm thực hiện từ năm 2011 - sau khi sinh con đầu lòng. Mục đích ban đầu của anh chị là muốn có sự ổn định về tài chính và có tiền dự phòng cho những vấn đề phát sinh. Sau đó, hai vợ chồng lại mong muốn có một ngôi nhà riêng.
“Vợ chồng mình đến với nhau từ hai bàn tay trắng, chỉ làm công ăn lương, không kinh doanh buôn bán gì nên để có tiền mua nhà, không có cách nào khác là phải tiết kiệm”, chị Huyền bộc bạch.
Chị Ngô Thị Thu Huyền |
Năm đầu tiên bắt đầu áp dụng lối sống tối giản, tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 16 - 18 triệu đồng. Chi tiêu gia đình hết 8 -10 triệu, anh chị tiết kiệm được trên 8 triệu đồng/tháng.
Để giữ được kỷ luật chi tiêu, chị Huyền tạo 1 file excel và theo dõi thu - chi hằng ngày. “Đầu tháng, mình lên kế hoạch sơ qua về chi tiêu với 1 số tiền cố định và tích lũy ngay khi nhận lương. Mình dùng gói tiết kiệm gửi góp của một ngân hàng. Khi có lương, ngân hàng tự động trích ra 50% gửi vào tài khoản tiết kiệm”, chị Huyền nói.
Năm 2015, vợ chồng chị Huyền mua được một căn nhà ở TP Hải Phòng với giá 800 triệu đồng. “Lúc đó vợ chồng mình đã tiết kiệm được 600 triệu nên chỉ phải vay ngân hàng 200 triệu đồng”.
Những năm sau, khi mức thu nhập của hai vợ chồng tăng lên, chị Huyền áp dụng công thức “làm 10 đồng, tiêu 3 đồng”. Mỗi tháng, gia đình chị chỉ tiêu trong khoảng 11 triệu đồng/tháng.
Năm 2021 chị Huyền tổng kết mức chi trung bình tháng của gia đình (gồm chị Huyền đi làm công ty, chồng chị làm việc tại nhà, 1 bé gái 10 tuổi, 1 bé gái 6 tuổi) như sau:
Tiền điện, nước: 650 nghìn đồng
Tiền ăn bữa tối cả nhà: 2,4 triệu đồng (bữa tối chị Huyền thường nấu dư một chút để chồng ăn vào trưa hôm sau)
Tiền ăn sáng, ăn trưa và học thêm cho 2 con: 3 triệu đồng
Hai vợ chồng ăn sáng + tiêu vặt: 2,2 triệu đồng
Tiền nước giặt, dầu gội: 200 nghìn đồng
Tiền đối nội đối ngoại, hiếu hỏi sinh nhật liên hoan: 1 triệu đồng
Tiền mua sắm đồ cho gia đình: 1 triệu đồng
Tiền phát sinh bảo hiểm xe máy, đi lại… khoảng 450 nghìn đồng
Tiền thuốc thang, khám sức khỏe: 100 nghìn đồng
Tổng chi: khoảng 11 triệu đồng
Đến nay, ngoài việc trả hết nợ cho căn nhà đã mua năm 2015, vợ chồng chị Huyền có hơn 1 tỷ đồng gửi ngân hàng chỉ từ việc sống tiết kiệm. Anh chị dự tính, sẽ dùng khoản tiền đó để mua một căn nhà nữa, sau đó cho thuê làm nguồn thu nhập thụ động.
"Ưu tiên những thứ cần, không phải những gì muốn"
Để có được thành quả đó, chị Huyền cho biết, hai vợ chồng phải đồng lòng trong việc sống tối giản và suy nghĩ tối giản.
“Khi chi tiêu, cả hai đều ưu tiên những gì cần chứ không phải những gì muốn”, chị Huyền chia sẻ.
Tuy vậy, chị khẳng định, việc tiết kiệm cho tương lai không có nghĩa là chị sống chi li tính toán và không hưởng thụ gì cho bản thân.
“Mình không có nhu cầu nhiều về quần áo nên thỉnh thoảng mới mua 1,2 bộ. Nhưng ngày lễ, ngày Tết, gia đình mình vẫn đi ăn nhà hàng, hoặc liên hoan tại nhà cùng bạn bè. Vợ chồng mình thích du lịch trải nghiệm nên mỗi năm đều để ra một khoản khoảng 30 triệu đồng để thực hiện những chuyến đi”, chị Huyền tâm sự.
Trước quan điểm, mỗi người chỉ sống một lần nên đừng quá khắt khe với bản thân, chị Huyền cho rằng "khi bạn biết đủ, nghĩa là bạn đã có dư", và khi đã tự điều chỉnh được nhu cầu của mình thì chuyện khắt khe với bản thân chỉ là quan điểm của người ngoài nhìn vào.
“Mình tự sống cuộc đời của mình, tự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của mình và hạnh phúc với lựa chọn đó. Mình không quan trọng việc người khác nghĩ sao. Vì người ta đâu có sống cuộc đời của mình. Một năm nếu bỏ khoảng 10% tổng thu nhập cho nhu cầu du lịch hưởng thụ thì mình nghĩ là hợp lý và cũng không đến nỗi khắt khe với bản thân.
Còn mỗi người 1 nhu cầu khác nhau. Một bộ quần áo mới có thể không làm cho mình vui nhưng 1 chuyến đi trải nghiệm lại làm cho mình hạnh phúc. Quan trọng là mình đang sống cho nhu cầu của mình mà thôi”, chị Huyền nói.
Theo Vietnamnet