Những điểm đến châu Á từng xuất hiện trong phim bom tấn
Khám phá - Ngày đăng : 09:18, 05/12/2021
Tràng An, Tam Cốc, Việt Nam
Nhiều cảnh quay của bộ phim “Kong: Skull Island” được thực hiện tại tỉnh Ninh Bình. Các đỉnh núi, dòng sông đã biến thành nơi ẩn náu của những con quái vật và Kong. Khu vực Tràng An - Tam Cốc chỉ cách Hà Nội khoảng 100 km, nổi bật với những cánh đồng lúa xanh mướt và những đỉnh núi đá vôi dựng đứng trập trùng. Đây cũng là nơi sinh sống của 600 loài thực vật và hơn 200 loài động vật khác nhau.
Quần thể di tích Angkor Wat, Campuchia
Di tích Angkor Wat vốn đã nổi tiếng từ đầu những năm 2000, nhưng sau khi Angelina Jolie đến đây quay bộ phim “Lara Croft: Tomb Raider” thì điểm đến này càng thu hút nhiều khách du lịch. Một trong những địa điểm tạo bối cảnh huyền bí cho bộ phim - ngôi đền Ta Prohm 800 năm tuổi thậm chí còn được nhiều du khách gọi là ngôi đền Tomb Raider.
Vịnh Maya, Thái Lan
Bộ phim “The Beach” ra mắt năm 2000 với sự tham gia của Leonardo di Caprio đã truyền cảm hứng cho hàng triệu chuyến đi đến đây, giúp vịnh Maya trở thành địa điểm du lịch hút khách trên bản đồ thế giới. Neo thuyền tại vịnh Loh Samah, sau đó đi qua bãi đá và rừng rậm là bạn đã đến với vịnh Maya với cát trắng mịn và nước xanh như ngọc. Vào năm 2018, khu vực này phải tạm đóng cửa để phục hồi sau những thiệt hại do lượng khách quá đông.
Cố đô Kyoto, Nhật Bản
Kyoto là bối cảnh nổi bật cho bộ phim “Hồi ức của một geisha”, kể về cuộc đời thăng trầm của Chiyo - một cô gái trẻ trở thành geisha. Quá trình quay phim được thực hiện tại khu phố Gion và một số ngôi chùa, trong đó có chùa Kiyo-Mizu. Một trong những cảnh quay được nhớ đến nhiều nhất trong bộ phim là nhân vật chính chạy nhanh qua những cánh cổng màu đỏ, trước khi tới ngôi đền Fushimi Inari.
Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, Trung Quốc
Bộ phim khoa học viễn tưởng "Avatar" được biết đến là một trong những phim ứng dụng công nghệ CGI hay nhất mọi thời đại (CGI là công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Tuy nhiên, một phần bộ phim được quay tại một địa điểm có thật là công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, nằm ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Các kỹ xảo trong quá trình hậu kỳ đã giúp những ngọn núi dường như lơ lửng trên không trung.
Rừng tre quốc gia An Cát, Trung Quốc
“Ngọa hổ tàng long” là một trong những bộ phim kinh điển với 4 giải Oscar. Bom tấn này được quay tại nhiều địa điểm trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả sa mạc Gobi. Một số cảnh quay nổi tiếng nhất của bộ phim diễn ra trong khu rừng tre An Cát thuộc tỉnh Chiết Giang. Là địa điểm quen thuộc với những người đam mê đi bộ đường dài, nơi đây luôn giữ được vẻ đẹp thanh bình và vắng vẻ.
Công viên quốc gia Kenting, Đài Loan (Trung Quốc)
Bộ phim nổi tiếng “Cuộc đời của Pi” xây dựng bối cảnh ở Ấn Độ, nhưng phần lớn cảnh quay được thực hiện ở Đài Loan (Trung Quốc). Một số địa điểm dễ nhận biết đã xuất hiện trong phim, bao gồm sân bay Shuinan bị bỏ hoang, sở thú Đài Bắc và hồ Houbi. Đặc biệt, công viên quốc gia Kenting chính là nơi thực hiện cảnh quay cực kỳ ấn tượng của bộ phim, khi hòn đảo phát sáng với hàng trăm ngàn con sứa. Nằm ở đảo Hengchun, công viên này sở hữu những ngọn núi ấn tượng, hang động đá vôi và bãi biển tuyệt đẹp.
Ruộng bậc thang Banaue, Philippines
Phần phim nổi tiếng của vũ trụ điện ảnh Marvel là “Avengers: Infinity war” đã được quay trên khắp thế giới. Một trong những cảnh quay ngoạn mục nhất của bộ phim được thực hiện tại ruộng bậc thang Banaue, tỉnh Ifugao. Vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ hòa cùng màu xanh của những ruộng bậc thang uốn lượn theo đồi núi như trải dài vô tận đã xuất hiện vô cùng ấn tượng trong bộ phim ăn khách này.
Pháo đài Mehrangarh, Ấn Độ
Đây là nơi diễn ra những cảnh quay nổi tiếng của bộ phim siêu anh hùng “The Dark Knight Rises”. Nằm sừng sững phía trên thành phố Jodhpur ở Rajhastan, pháo đài Mehrangarh xuất hiện khi "Người dơi" Bruce Wayne thoát khỏi nhà tù. Được xây dựng vào thế kỷ 15, đây là một trong những pháo đài cổ lớn nhất thế giới với kiến trúc vô cùng ấn tượng và ẩn chứa rất nhiều câu chuyện kỳ bí.
Theo VOV