Trẻ mầm non là con công nhân khu công nghiệp được đề nghị hỗ trợ 160.000 đồng/người/tháng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:09, 06/12/2021

Ngoài trẻ em, UBND tỉnh cũng đề xuất mức hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.

Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục; trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được đề nghị hỗ trợ từ ngày 1.1.2022.

Tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá XVII, UBND tỉnh có tờ trình quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập dân lập, tư thục; mức hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo đó, UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động là 20 triệu đồng/cơ sở. Các cơ sở này đã được cấp thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% số trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp là 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở GDMN dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ được tính theo định mức quy định của tỉnh Hải Dương đối với cơ sở GDMN công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ là hơn 5,7 tỷ đồng. Thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ từ ngày 1.1.2022.

Theo tờ trình, toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp, trong đó có 11 khu đã đi vào hoạt động. Ở những khu vực này tập trung đông công nhân, người lao động nhưng chưa có khu công nghiệp nào xây dựng trường, lớp mầm non phục vụ con công nhân lao động. Còn tồn tại tình trạng số trẻ/lớp vượt so với quy định, nhất là các trường mầm non gần khu vực khu công nghiệp.
Tại các khu công nghiệp, tỷ lệ công nhân có con nhỏ nhiều, lại thường ở ngoại tỉnh nên rất có nhu cầu gửi trẻ từ độ tuổi từ 6-18 tháng, gửi trẻ ngoài giờ hành chính. Họ chủ yếu gửi con ở các cơ sở GDMN dân lập, tư thục. Điều kiện cơ sở vật chất ở các cơ sở GDMN dân lập, tư thục còn nhiều thiếu thốn, phần lớn chưa đạt chuẩn quốc gia.

Theo tờ trình, chính sách này được áp dụng sẽ giải quyết một phần khó khăn ban đầu cho các cơ sở GDMN dân lập, tư thục; tạo các điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non; thu hút, tạo nguồn giáo viên mầm non đang thiếu hụt...

PV