Sự kiện nổi bật ngày 6.12

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:00, 06/12/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chính thức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 là một trong số nhiều sự kiện nổi bật ngày 6.12.

TRONG NƯỚC


Ngày 6.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chính thức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế–xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID–19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả với tinh thần Việt Nam là bạn với tất cả các nước, đóng góp tích cực xây dựng, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định trong khu vực và trên toàn cầu, vì tương lai của một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. Ảnh: Dương Giang - TTXVN.


Sáng 6.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón và hội đàm với đồng chí Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang thăm chính thức Việt Nam. Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và phu nhân đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone và phu nhân; diễn ra Hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội hai nước. Tại Hội đàm, trong không khí thân tình và hữu nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao đồng chí Xaysomphone Phomvihane đã lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Lào, đồng thời là Đoàn khách quốc tế đầu tiên của Quốc hội Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV sau thời gian dài gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Ngày 6.12, theo đúng kế hoạch, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội đã trở lại trường học theo phương án "50% số lớp 12 học trực tiếp vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu; 50% số lớp 12 học trực tiếp vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy; Những ngày còn lại trong tuần, học sinh học trực tuyến". Trong ảnh: Học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy chào cờ, hát Quốc ca tại lớp trong sáng đầu tiên trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN.


Ngày 6.12, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiến hành chạy thử các đoàn tàu ở chế độ vận hành tự động, với tốc độ tối đa theo thiết kế là 80km/h. Lộ trình chạy thử từ ga S1 (Nhổn) chạy đến ga S8 (Cầu Giấy) rồi quay ngược lại, với khoảng cách từ S1 đến S8 dài 8,5 km. Việc chạy thử là để kiểm tra hoạt động của đoàn tàu, tính đồng bộ giữa hệ thống thông tin, tín hiệu của tàu và hệ thống điều khiển. Đây là bước quan trọng trong quy trình kiểm tra đoàn tàu ở trạng thái động, phục vụ kiểm tra nghiệm thu chạy thử và đánh giá độc lập về an toàn vận hành đoàn tàu. Trong ảnh: Đoàn tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử trong ngày 6.12. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN.


Ngày 6.12, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, trong hai ngày từ 5-6.12, do ảnh hưởng của không khí lạnh biến tính và suy yếu rất chậm, khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn trời chuyển từ ít đến quang mây, ban đêm bức xạ nhiệt mặt đất lớn làm nhiệt độ tại đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa) xuống dưới 0 độ C. Tại đây sương muối hình thành phủ trắng một lớp mỏng quanh khu vực núi. Dự báo đợt sương muối này có khả năng kéo dài đến hết đêm 7.12 rồi chấm dứt. Trong ảnh: Sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan (Lào Cai). Ảnh: TTXVN.


Vào lúc 21 giờ, ngày 5.12, tại khu vực bản Na Hai (xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), các chiến sỹ Phòng phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) phối hợp với lực lượng Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (Công an tỉnh Điện Biên) triệt phá thành công chuyên án ĐB1221p, bắt đối tượng Sùng A Bia (sinh năm 1995, trú tại bản Hua Thanh, xã Na Ư, huyện Điện Biên) đang có hành vi vận chuyển trái phép 120.000 viên ma túy tổng hợp. Trong ảnh: Đối tượng Sùng A Bia cùng tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN.

TRONG TỈNH


Ngày 6.12, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 5. Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định với tinh thần "chủ động, linh hoạt, vượt khó, tăng tốc", dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, năm 2021 tỉnh Hải Dương đã kiên trì thực hiện tốt mục tiêu kép và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, phân tích, thảo luận, tích cực tham gia ý kiến; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và của cả nhiệm kỳ... Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét nhiều tờ trình, báo cáo có nội dung quan trọng về tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022. Ngày 7.12, HĐND tỉnh sẽ dành 1 ngày để tiến hành phiên chất vấn tại hội trường. Theo chương trình, Kỳ họp  bế mạc vào ngày 8.12. Trong ảnh: Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Chung

QUỐC TẾ


Ngày 6.12, Quốc hội Nhật Bản triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 27, trọng tâm là thảo luận và quyết định khoản ngân sách bổ sung cho tài khóa 2021 để hỗ trợ một phần gói kích thích kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế nước này sau đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch, chiều 6.12, sau lễ khai mạc với sự chứng kiến của Nhật Hoàng, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể của cả Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản. Dư luận Nhật Bản đang chờ đợi việc người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản sẽ làm rõ những biện pháp nào để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, nhất là biến thể Omicron, và giải pháp cụ thể tăng trưởng kinh tế hướng tới hiện thực hóa khái niệm “chủ nghĩa tư bản mới kiểu Nhật Bản”. Thủ tướng Kishida sẽ trả lời chất vấn của đại diện các đảng ở cả Thượng viện và Hạ viện trong 3 ngày, từ ngày 8.12. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Nhật Bản ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN.


Từ ngày 6.12, Hàn Quốc áp đặt trở lại các quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh các ca nhiễm mới theo ngày liên tục cao kỷ lục và nước này cũng ghi nhận 9 ca nhiễm biến chủng mới Omicron đầu tiên. Theo quy định mới, số người được phép tụ tập đối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận là 6 người, các địa phương còn lại là 8 người, giảm 4 người so với quy định hiện nay. Khách đến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao như: nhà hàng, quán càphê, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng, phòng tập thể dục, phải xuất trình "thẻ vắcxin" tức là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 cũng sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ vắc xin từ ngày 1.2.2022. Toàn bộ người nhập cảnh Hàn Quốc từ nước ngoài phải thực hiện cách ly 10 ngày bất kể đã tiêm chủng hay chưa cho đến hết ngày 16.12. Trong ảnh: Nhân viên kiểm dịch hướng dẫn thủ tục cách ly cho hành khách tại sân bay quốc tế Incheon, phía Tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN.


Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu chở gỗ ngoài khơi khu vực Gothenburg, bờ biển phía Tây Thụy Điển ngày 5.12 (giờ địa phương). Sau 24 giờ bùng phát, đám cháy vẫn chưa được kiểm soát. Cơ quan khẩn cấp dân sự Thụy Điển (MSB) đã điều hai trực thăng đến hiện trường, trong khi các cơ quan chức năng khác cùng nhiều tổ chức, trong đó có Lực lượng Bảo vệ bờ biển, cũng tham gia nỗ lực dập tắt đám cháy. Tuyên bố của MSB cho biết: "Tàu chứa một lượng lớn nhiên liệu và MSB đã bắt đầu chuẩn bị khả năng ứng phó trường hợp rò rỉ dầu". Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho biết công tác cứu hộ có thể mất nhiều ngày. Còn Hãng thông tấn TT đưa tin thủy thủ đoàn gồm 17 người chưa được sơ tán khỏi tàu. Trong ảnh: Lửa cháy ngùn ngụt trên tàu chở gỗ ngoài khơi khu vực Gothenburg, bờ biển phía Tây Thụy Điển, ngày 5.12. Ảnh: Brytfmonline/TTXVN.


Sở Tài chính khu vực quần đảo Canary (Tây Ban Nha) cho biết vụ núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma phun trào đã gây ra thiệt hại ước tính tới 842,33 triệu euro (khoảng 953 triệu USD). Đợt phun trào này của núi lửa Cumbre Vieja đã bước sang tuần thứ 11 kể từ khi bắt đầu vào ngày 19.9.2021 và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo thông tin mới nhất do truyền thông địa phương ghi nhận, đợt phun trào này bao phủ 1.146 ha, tương đương 1,6% tổng diện tích đảo La Palma. Dung nham núi lửa đã ảnh hưởng đến 2.891 tòa nhà, trong đó 2.790 tòa bị phá hủy hoàn toàn. Trong ảnh: Núi lửa Cumbre Vieja ở đảo La Palma, Tây Ban Nha phun trào. Ảnh: THX/TTXVN.