Nghiên cứu của Oxford: Tiêm trộn vắc xin COVID-19 rất hiệu quả

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:08, 07/12/2021

Một nghiên cứu lớn của Đại học Oxford (Anh) đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet ngày 6.12 cho biết tiêm kết hợp các loại vắc xin ngừa COVID-19 giúp người được tiêm có phản ứng miễn dịch tốt hơn.


Nghiên cứu của Đại học Oxford khẳng định tiêm trộn vắc xin COVID-19 rất hiệu quả 

Nghiên cứu thực hiện với 1.070 tình nguyện viên (trên 50 tuổi) thử nghiệm liều đầu bằng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech, liều sau là vắc xin của Moderna hoặc Novavax.

Ông Matthew Snape, giáo sư Đại học Oxford, Anh, mô tả: "Chúng tôi thấy phản ứng miễn dịch thực sự tốt toàn diện. Trên thực tế, phản ứng miễn dịch này cao hơn ngưỡng đặt ra khi tiêm 2 liều vắc xin AstraZeneca".

Kết quả nghiên cứu chứng minh việc kết hợp linh hoạt các loại vắc xin sẽ có lợi cho các nước nghèo và thu nhập trung bình. Các nước có thể kết hợp vắc xin ngừa COVID-19 của các công ty khác nhau, với công nghệ khác nhau, trong trường hợp nguồn cung một loại vắc xin bị thiếu hoặc không ổn định.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford, nếu tiêm mũi đầu với vắc xin AstraZeneca và mũi 2 với vắc xin của Moderna hoặc Novavax, các kháng thể và phản ứng tế bào T cao hơn sẽ được tạo ra so với 2 liều AstraZeneca.

Nếu tiêm liều đầu với vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech và liều 2 với vắc xin COVID-19 của Moderna thì hiệu quả tốt hơn tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech.

Tiêm liều đầu với vắc xin AstraZeneca và liều 2 với bất kỳ vắc xin nào khác trong nghiên cứu cũng đều tạo ra phản ứng đặc biệt mạnh.

Các nhà khoa học khẳng định không có bất kỳ vấn đề an toàn nào khi tiêm kết hợp vắc xin COVID-19.

Theo Hãng tin Reuters, rất nhiều nước đã cho tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 trước khi có các dữ liệu ủng hộ thực hành này do khi đó, các quốc gia phải gặp thách thức về số ca nhiễm tăng, nguồn cung vắc xin không ổn định và một số vấn đề lo ngại về an toàn.

Các nhà nghiên cứu cho biết mẫu máu của các tình nguyện viên được thử nghiệm với chủng virus gốc, biến thể Beta và Delta. Họ cũng nhìn nhận hiệu quả của vắc xin với các biến thể nói trên giảm dần, và điều này cũng nhất quán trong khi thử nghiệm tiêm kết hợp.

Việc kết hợp các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau như công nghệ mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna, công nghệ viral vector của AstraZeneca và công nghệ protein như của Novavax trong liệu trình tiêm là thử nghiệm mới.

Tế bào T là một dạng tế bào miễn dịch, có nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện và tiêu diệt các tế bào mang mầm bệnh hoặc nhiễm bệnh bằng cách bám vào các protein trên bề mặt của tế bào. Tế bào T rất đặc thù - nó có hàng triệu tỉ phiên bản khác nhau của protein bề mặt, và mỗi tế bào có thể nhận ra một mục tiêu khác nhau.

Vì tế bào T có thể tồn tại trong máu nhiều năm sau thời gian mắc bệnh, chúng cũng đóng góp vào "bộ nhớ lâu dài" của hệ miễn dịch, giúp cơ thể phản ứng hiệu quả và nhanh hơn khi phát hiện ra mầm bệnh cũ. 

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo chính thức ủng hộ tiêm trộn.

Theo Tuổi trẻ