Ai ép học sinh đi học thêm, người đó không xứng làm thầy

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:14, 07/12/2021

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc dạy thêm cần đúng đối tượng học sinh và phải quản lý chặt việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở dạy thêm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có đề nghị bổ sung hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Việc quản lý dạy thêm, học thêm làm sao cho có hiệu quả vẫn là câu hỏi của nhiều người.

Để có góc nhìn đa chiều, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) để nghe những chia sẻ của ông về vấn đề này.

Dạy thêm phải đúng đối tượng

Về câu hỏi nên dạy thêm cho những đối tượng học sinh nào, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nhớ lại, thời gian trước đây từng có việc dạy học thêm nhưng khi đó người ta gọi là lớp bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi huyện, tỉnh và lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém vươn lên bằng các bạn trung bình. Học sinh học thêm là hoàn toàn tự nguyện và thầy giáo dạy thêm (bồi dưỡng/phụ đạo) không thu tiền.

Tuy nhiên, bây giờ bước sang thời kỳ của nền kinh tế thị trường, làm thêm các nghề đều thu tiền mà bảo nghề giáo viên dạy thêm không được thu tiền lại là bất hợp lí, vì vậy không thể đem cái ngày xưa áp dụng cho bây giờ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức.

"Tuy nhiên, cách chúng ta thực hiện quản lý dạy và học thêm thế nào, thì cũng phải để nó trở về mục đích như trước đây là bồi dưỡng học sinh học giỏi và phụ đạo cho học sinh học kém", Tiến sỹ Chức nhận định về đối tượng của việc bồi dưỡng dạy và học thêm.

Ông cũng cho rằng, việc bồi dưỡng cần có kế hoạch chương trình rõ ràng, chứ không phải làm tính đại trà với tất cả đối tượng học sinh.

Ví như việc em nào đi học thêm thì sẽ có điểm cao, còn không thì điểm kém, đây là hình thức vô giáo dục và phải cấm.

Bên cạnh đó, việc dạy và học thêm cần tránh tiêu cực như học sinh đi học thêm thì biết trước đề kiểm tra, hay thầy cô không dạy hết kiến thức trên lớp học chính khóa khiến học sinh "hổng" ngay từ đầu.

"Người có những hành vi như trên không xứng đáng làm thầy cô, không khuyến khích được sức học của học sinh", Tiến sỹ Chức nhấn mạnh.

Ông cũng nhận định, chúng ta đang đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp học không chỉ để học sinh học giỏi kiến thức hay mang về thành tích cho nhà trường, mà còn phải bồi dưỡng, xây dựng nhân cách làm người và phát triển các kĩ năng cho học trò.

Vì vậy các chính sách quản lý việc dạy và học thêm phải làm sao khuyến khích được học sinh say mê học tập. Giáo dục cần phải là quá trình của dạy tốt và học tốt.

Quản lý chặt việc cấp phép

Về việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường, Tiến sỹ Chức cho hay, các cơ quan quản lí cần quản lý chặt chẽ việc này để không xảy ra tiêu cực.

Theo Tiến sỹ Chức, việc dạy thêm trong và ngoài trường thì ở đâu làm tốt thì phụ huynh, học sinh người ta sẽ chọn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú trọng lấy học sinh làm tiêu chí chứ không phải là thu tiền.

Các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cơ bản nhất là kiểm tra trước khi cho phép, cấp phép.

Nếu làm không chặt, thì việc cấp phép này có thể trở thành món để kiếm lời cho những người "cầm cân nảy mực".

Ví dụ như lệ phí cấp phép cần quy định cụ thể là bao tiền, và phải quản lí thật chặt chứ không phải là muốn dạy thì chỉ cần mất tiền là được dạy.

Hay như tại trường và trung tâm cần phải đảm bảo điều kiện về bàn ghế, thiết bị. Đối với giáo viên dạy học thì phải đảm bảo về bằng cấp.

"Trang thiết bị cơ sở vật chất, nhân lực phải đảm bảo. Quy trình này phải rất rõ ràng", Tiến sỹ Chức nhận định.

Ông cũng cho rằng, không nên gọi là cấp phép bởi gọi như vậy cần nhiều thủ tục, mà nên gọi là đăng kí cho đỡ rườm rà. Ví như cơ sở dạy thêm cần đăng kí về số lượng giáo viên, phòng học. Nếu thực hiện đúng như đăng kí thì được phép dạy, tuy nhiên cần có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu cơ sở dạy thêm vượt quá mức đăng kí về số lượng học sinh thì phải chịu phạt bao nhiêu, bao nhiêu lần vi phạm thì đóng cửa.

Nói tóm lại, Tiến sỹ Chức nhấn mạnh việc chúng ta phải bồi dưỡng làm sao để cho học sinh đạt đúng trình độ cần có, chứ đừng để các em ngồi nhầm lớp như báo chí từng phản ánh về học sinh lớp 5 - lớp 6 vẫn chưa biết đọc.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc đăng kí kinh doanh khi dạy thêm giúp cơ quan quản lí nhà nước quản lí tốt hơn việc dạy và học thêm. Ví như bác sỹ có phòng khám phải đăng kí kinh doanh.

"Nếu làm được như vậy thì cũng giống như những ngành nghề khác, là phải đảm bảo yêu cầu của xã hội và có sự kiểm soát chuyên môn", thầy Bình nhận định.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy thêm của các thầy cô sẽ đàng hoàng hơn, không phải dạy "chui". Đồng thời cũng giúp cho nhà giáo được xã hội đánh giá, nhìn nhận cách khách quan, công bằng.

"Tôi từng chứng kiến nhiều thầy cô dạy ở trung tâm, không trong biên chế nhà nước nhưng vẫn được các em học sinh ở trung tâm quý mến trân trọng về nhân cách, đạo đức và cách ứng xử", thầy Bình chia sẻ.

Theo GDVN