Dịch vụ "giấu được nợ xấu": Không có đâu
Kinh tế - Ngày đăng : 11:28, 08/12/2021
Minh họa: HỒNG LỘC
Tết đến, nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều tiểu thương tại các chợ cần thêm vốn để mua hàng hóa trữ bán trong dịp này.
Không ít tiểu thương thường tìm đến các ngân hàng và thường không được nơi nào chấp nhận cho vay dù số tiền ít ỏi chỉ vài triệu đồng, tối đa cũng chỉ 20 triệu đồng vì lý do đang vướng nợ xấu.
Chị T. - một tiểu thương kinh doanh mặt hàng nhang, đồ cúng hơn 10 năm nay tại chợ Hòa Bình, quận 5, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu vay 15 triệu đồng để mua thêm hàng bán Tết nhưng không đơn vị nào chấp nhận cho vay vốn do chị đã bị nợ xấu từ năm 2018 (theo quy định khách hàng bị nợ xấu sẽ không được vay).
Cả mùa dịch vừa qua đâu có làm ăn buôn bán được gì, chị mong kiếm thêm chút tiền lời mua đồ Tết cho các con. Cần vốn kinh doanh mùa Tết, đang khi đi vay tiền không được, trên đường quay về sạp chợ của mình, chị nghe được một nhóm người nói rằng có "dịch vụ" che được nợ xấu ngân hàng, sẽ lại vay được dễ dàng.
Chị ghé lại hỏi việc che nợ xấu tốn bao nhiêu tiền và cần thời hạn bao lâu, một người đàn ông bảnh bao trong nhóm lớn tiếng nói: "Che nợ xấu ngân hàng dễ lắm, có gì phải lo!". Chị hỏi cụ thể hơn, người đàn ông đó nói chắc nịch rằng chỉ tốn 5 triệu đồng sẽ che được nợ xấu trên hệ thống CIC (CIC được viết tắt của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Vì cần tiền gấp để mua bán, chị bấm bụng đưa 5 triệu đồng cho người đàn ông đó và được hứa hẹn trong 2 ngày sẽ che xong. Tiền ra rồi thu về quả thật không dễ! Sau 3 ngày không nhận được bất cứ hồi âm, điện thoại không liên lạc, hỏi xung quanh ai cũng lắc đầu không biết. Vậy là mất toi 5 triệu đồng - số tiền chị vừa mượn người bạn cùng quê để gom góp mua hàng về bán dịp Tết này.
Vụ việc tương tự xảy ra với chị N.T.H., một tiểu thương bán bánh kẹo, hoa quả ở chợ Bà Hom, quận 6. Biết mình bị nợ xấu nhưng cũng rất cần vốn mùa Tết này để kinh doanh kiếm chút đồng lời, chị lên mạng lướt thấy tin quảng cáo xóa được nợ xấu trong 3 ngày, tiền phí là 10 triệu đồng.
Chị cả mừng, nghĩ nếu xóa được nợ xấu chị sẽ dễ dàng đi vay tiền, có tiền làm ăn trong dịp Tết này, đỡ khổ sau thời gian dài quá khó khăn. Liên hệ theo thông tin trên quảng cáo, chị cũng được hứa sau 3 ngày nợ xấu sẽ được xóa, chị có thể đi vay tiền bất kể đâu. Và số tiền 10 triệu đồng đó đã không cánh mà bay theo lời hứa. Chị liên hệ theo số điện thoại, website đều không được.
Mọi người hãy lưu ý hơn, cần cẩn trọng với các kiểu quảng cáo trên mạng và cả ngoài đời hứa hẹn về việc che nợ xấu hay xóa nợ xấu. Đây chỉ là chiêu lừa đảo đánh vào tâm lý của người đang bị nợ xấu và có nhu cầu vay vốn.
Việc che nợ xấu, xóa nợ xấu đều không thể nào làm được trừ khi người đó phải trả hết nợ cho đơn vị cho vay thì nợ xấu sẽ không còn thể hiện trên hệ thống CIC. Các khoản nợ xấu sẽ không còn thể hiện trên CIC sau 3 - 5 năm kể từ ngày đã trả hết nợ chứ không phải "chạy lo" là được xóa.
* Ông Nguyễn Hoàng Minh(nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh):
Khi nào được xóa nợ xấu?
Những khoản vay ngân hàng hoặc công ty tài chính nhưng người vay không trả đúng kỳ hạn đã cam kết, quá hạn trên 90 ngày tính từ ngày bắt đầu đến hạn trả sẽ bị xếp vào nhóm nợ xấu. Những khoản nợ xấu này sẽ được lưu lại trên CIC và ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng của người vay. Từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vay vốn sau này.
Khi ngân hàng hay các công ty tài chính xét duyệt hồ sơ vay vốn, họ sẽ truy cập vào hệ thống CIC để kiểm tra các thông tin của người vay. Do vậy với các trường hợp đã lọt vào "danh sách đen" sẽ bị từ chối cho vay.
Để xóa nợ xấu trên hệ thống CIC người vay phải trả hết nợ và đề nghị ngân hàng, công ty tài chính làm thủ tục gỡ tên ra khỏi danh sách nợ xấu.
Tuy nhiên, cũng phải mất thời gian mới hoàn tất việc xóa tên khỏi "danh sách đen" trên CIC, tùy thuộc vào nhóm nợ. Chẳng hạn để xóa nợ xấu nhóm 5 từ hệ thống CIC, thời điểm xóa sẽ là 5 năm sau kể từ ngày khách hàng tất toán khoản vay hoặc thanh toán đến kỳ cuối cùng.
Về việc hiện nay một số nơi quảng cáo là có dịch vụ xóa nợ xấu ngân hàng hay che nợ xấu, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết đây là trò lừa đảo nhằm lợi dụng sự nôn nóng của khách hàng cần xóa nợ xấu để vay. Thực chất họ chỉ thu tiền rồi lặn mất.
Do vậy khi vay người vay cần lưu ý trả nợ gốc, lãi đúng hạn để tránh bị xếp vào danh sách nợ xấu. Nếu đã bị xếp vào nhóm nợ xấu cần liên hệ ngân hàng. Đừng nên tin các dịch vụ quảng cáo là xóa nợ xấu hay che nợ xấu kẻo mất tiền oan ức.
Theo Tuổi trẻ