Ngôi đình thờ tướng quân Cao Lỗ

Di tích - Ngày đăng : 17:25, 08/12/2021

Đình Phao Sơn, phường Phả Lại (TP Chí Linh) là nơi hiếm hoi trên địa bàn tỉnh thờ tướng Cao Lỗ - một vị tướng nổi tiếng tài giỏi thời An Dương Vương.


Đình Phao Sơn ngày nay

Vị tướng chính trực

Theo sắc phong còn lại tại đình và nhiều nguồn tư liệu lịch sử thì Cao Lỗ là vị tướng giỏi của An Dương Vương. Ông họ Cao, huý là Lỗ, lại có tên khác là Thông, người ở làng Đại Than, huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Thuở trai tráng nhờ chăm chỉ luyện tập nên ông giỏi võ nghệ, có sức khoẻ, đấu vật luôn giật giải nhất trong vùng. Người địa phương gọi ông là Đô Lỗ. Ông theo Thục Phán An Dương Vương đánh giặc lập được nhiều công nên được phong tước Hầu.

Tướng quân Cao Lỗ cũng là người có công thiết kế và xây dựng thành Cổ Loa, một kỳ công về kỹ thuật quốc phòng.

Tương truyền, khi rùa vàng cho An Dương Vương chiếc móng thần, ông được giao chế tạo nỏ. Tướng quân Cao Lỗ đã chế ra chiếc nỏ cực mạnh, bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Khi Triệu Đà đem quân sang xâm lược, An Dương Vương giao cho Cao Lỗ quyền chỉ huy. Có tướng giỏi lại có nỏ thần nên quân Triệu Đà thua chạy. Triệu Đà biết dùng chiến tranh không hiệu quả bèn tìm kế cầu thân, đưa con trai là Trọng Thuỷ sang làm con tin và xin gá nghĩa với công chúa Mỵ Châu - con gái của vua An Dương Vương.

Thục Phán đã tính chấp nhận. Vua cho vời tướng quân Cao Lỗ để hỏi ý kiến. Ông về nhà suy nghĩ rất lâu, đặt nhiều giả thiết và cuối cùng cho rằng “Bụng dạ quân giặc không lường hết được, Triệu Đà hẳn có âm mưu gì đen tối trong việc này”. Ông trăn trở vì nếu phản đối thì An Dương Vương không hài lòng, ông sẽ bị quở phạt và có thể bị bãi chức. Nếu đồng tình thì non nước Âu Việt sẽ bị nguy khốn nay mai.

Mấy hôm sau vào chầu, tướng quân nắm chặt đốc gươm đứng dậy, thưa rằng "Việc cầu hôn không phải việc hoà hiếu, hoà hiếu chi lại cho con trai gửi ở rể tại triều đình ta, đây là việc chẳng lành”. Quả nhiên, Thục Phán An Dương Vương tức giận cho tướng quân về nghỉ. Ông lại tâu việc đúng sai còn có vầng nhật nguyệt sáng soi. Bên cạnh đó, Trọng Thuỷ buông lời gièm pha, mong vua đuổi ông đi để kế hoạch cướp nước chóng thành.


Sắc phong thời Nguyễn niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 (1887)

Cao Lỗ đã quen cuộc sống lam lũ, xuất thân thôn dã, lại vốn có sức khoẻ, ông về làm nghề gốm ở Hương Canh. Trước khi đi, tướng quân không quên nói với vua “Giữ được nỏ thần thì làm vua thiên hạ, không giữ được chỉ còn con đường chết”.

Quả như lời ông nói, lịch sử ghi lại “Đó là mưu kế của Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc”. Trong những năm ở rể, Trọng Thuỷ đã dò xét tình hình nước Âu Lạc, học phép chế tạo nỏ và phá huỷ nỏ thần của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Triệu Đà cất quân đánh chiếm Âu Việt. Thục Phán An Dương Vương thua trận phải nhảy xuống sông tự tử. Cao Lỗ tập hợp quân sĩ đánh đuổi Triệu Đà nhưng thất bại, ông bị tử trận.

Do có công lao với đất nước, tướng quân Cao Lỗ được các triều đại phong kiến ban sắc ghi nhận công lao và nhiều nơi lập đình, miếu thờ tự, trong đó có đình ở làng Phao Sơn.

Hiện nay, tại đình Phao Sơn còn lưu giữ 14 đạo sắc phong phong cho tướng quân Cao Lỗ niên đại vào thời Nguyễn. Trong các sắc phong đều có ghi “Tuấn lương, lượng trực, đoan túc Cao Lỗ chi thần (vị thần là Cao Lỗ thông minh, tài giỏi, độ lượng, ngay thẳng, cung kính), đã được ban cho sắc phong, cho phép phụng thờ”.

Lịch sử xây dựng lâu đời

Ông Vũ Xuân Thỉnh, 70 tuổi, Ban Quản lý di tích đình Phao Sơn cho biết đình được xây dựng để thờ tướng quân Cao Lỗ làm thành hoàng. Ban đầu, ngôi đình ở khu vực Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, quy mô nhỏ, làm bằng tranh tre, mái lợp rạ. Đến thời Nguyễn, dân làng góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình khang trang, to rộng, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình và 2 gian hậu cung bằng gỗ lim. Phía trước đình có nghi môn uy nghi, hai bên có ao bao bọc, cảnh quan khá đẹp. Năm 1949, ngôi đình bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Năm 1976, dân làng dựng tạm một gian nhà nhỏ tại vị trí hiện nay làm nơi thờ tự và đến năm 1990, mở rộng thành 3 gian. Năm 2002, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình được xây dựng lại trên mảnh đất bằng phẳng, thoáng mát cùng với chùa Phao Sơn tạo thành một cụm di tích, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.


Hệ thống sắc phong cho thành hoàng Cao Lỗ

Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Từ ngoài nhìn vào, khu đình Phao Sơn khá bề thế, xây theo kiểu đao tàu déo góc, bờ nóc đắp nổi đề án lưỡng long chầu nhật, hai hồi gắn lạc long, đuôi cuộn tròn vắt trên đấu. Kết cấu khung vì kiểu chồng rường, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật truyền thống. Việc bố trí thờ tự tại đình linh thiêng, trang trọng. Tại toà đại treo 2 bức đại tự và 5 đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp di tích, quê hương và tài đức, công lao của vị thành hoàng làng, trong đó có đôi câu đối:

Chí dũng An bang trừ Triệu tặc
Hiển linh hộ quốc tế dân sinh


Tòa hậu cung ở chính giữa là tượng thờ thành hoàng Cao Lỗ. Đối xứng hai bên bài trí đôi lục bình, cây nến, mâm bồng, bát hương... 

Cũng như nhiều di tích khác, lễ hội đình Phao Sơn mang nét đặc thù của địa phương. Hằng năm, lễ hội tại đình có hai kỳ là lễ tiểu kỳ phúc từ ngày 10 - 15.3, tưởng niệm ngày mất của thành hoàng Cao Lỗ và lễ đại kỳ phúc từ ngày 10 -15.11 (âm lịch). Lễ hội tiểu kỳ phúc, nhân dân chỉ tổ chức tế lễ, không có các trò chơi dân gian, quy mô lễ hội nhỏ; lễ hội đại kỳ phúc (cầu phúc cho dân làng) diễn ra với quy mô lớn. Lễ vật là các sản vật của địa phương. Theo hương ước của làng, làng Phao Sơn xưa có bốn giáp: đông, tây, nam và bắc. Vào ngày lễ hội, dân làng tập trung chuẩn bị lễ vật, chồng kiệu, tổ chức rước từ gò Bạch Nhạn về đình để tế lễ, sau đó là phần hội có các trò chơi chọi gà, đấu vật, hát chèo…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, đình Phao Sơn (cùng với chùa) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2009. Đó là cơ sở pháp lý và khoa học để nhân dân Phao Sơn tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử. Trong những năm gần đây, nhiều hạng mục công trình phụ trợ của đình được xây dựng, tôn tạo ngày một khang trang, là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

ĐẶNG THU THƠM