Giáo viên hợp đồng "chật vật" tự đóng bảo hiểm
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:00, 09/12/2021
Giáo viên hợp đồng mong muốn được hỗ trợ thêm các khoản đóng bảo hiểm
Không chỉ có thu nhập bấp bênh, nhiều giáo viên hợp đồng trong tỉnh hiện còn phải xoay xở để đóng số tiền bảo hiểm hằng tháng.
Nửa tháng nay, cô Nguyễn Thị M., giáo viên dạy tin học ở Trường Tiểu học Quyết Thắng (Ninh Giang) nghỉ dạy học ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hằng tháng, cô phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đóng bảo hiểm xã hội. Không có lương, lại kéo theo một loạt chi phí sinh hoạt nên cô M. không biết trông chờ vào đâu. Chồng là công nhân, có 2 con nhỏ, đồng lương vốn eo hẹp nay càng phải chắt chiu. Cô M. phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống như bán hàng online... “Công việc vốn đã bấp bênh, đợt này nghỉ dạy không có lương mà còn đóng các khoản bảo hiểm thì quá sức với chúng tôi. Nếu không vì tình yêu với nghề, với học sinh thì khó lòng bám trụ được”, cô M. nói.
Đây cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều giáo viên hợp đồng khác, nhất là những giáo viên đã có nhiều năm công tác. Cô C.T.T.H., giáo viên hợp đồng ở huyện Kim Thành đã 8 năm gắn bó với nghề. Vừa qua có đợt thi tuyển vào biên chế nhưng vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên cô H. không đủ điều kiện dự thi. Tiền lương hằng tháng của cô H. tính trên số tiết thực tế dạy, chỉ hơn 4 triệu đồng, trừ tiền đóng bảo hiểm, còn nhận về chưa đầy 3 triệu đồng, thấp hơn cả lương công nhân. Đồng lương ít ỏi, chồng cô H. lại là lao động tự do nên kinh tế gia đình càng khó khăn.
Hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị D., giáo viên Trường THCS Phạm Kha (Thanh Miện) cũng tương tự. Mỗi tiết dạy cô được nhà trường trả 55.000 đồng, trừ các khoản đóng gồm cả bảo hiểm, cô D. nhận hơn 2 triệu đồng/tháng. "Với chúng tôi vài trăm nghìn đồng tiền đóng bảo hiểm mỗi tháng cũng là số tiền lớn. Chúng tôi mong các cấp, ngành liên quan sớm quan tâm hỗ trợ nâng mức khoán chi trả lương cho giáo viên hợp đồng, trong đó có phần hỗ trợ bảo hiểm để các giáo viên hợp đồng có thể yên tâm gắn bó với công việc", cô D. chia sẻ.
Công văn số 3541 ngày 12.10.2018 của UBND tỉnh nêu rõ kinh phí để thanh toán tiền công giảng dạy của giáo viên hợp đồng: đối với giáo viên tiểu học là 43.000 đồng/tiết; giáo viên THCS là 55.000 đồng/tiết (mức khoán đã bao gồm 32% trích đóng các khoản bảo hiểm theo quy định). Theo Luật Bảo hiểm xã hội, các giáo viên hợp đồng thuê dạy theo tiết không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Họ tự trích số tiền lương để tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cô M. cho biết thêm: "Chúng tôi phải tự trích số tiền lương để tham gia các chế độ bảo hiểm nên đây cũng là điều thiệt thòi". Đa số giáo viên hợp đồng phải tự đóng bảo hiểm xã hội là giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học.
Trong thời gian nghỉ dạy học do dịch, cô giáo Nguyễn Thị M. (bên phải) phải bán hoa quả để có thêm thu nhập
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Kim Thành, Ninh Giang, dù đã có hỗ trợ đóng bảo hiểm cho giáo viên hợp đồng dạy theo tiết nhưng vẫn rất thấp. Một số trường sẽ hỗ trợ họ bằng cách trả tăng thêm số tiền dạy theo tiết. Thu nhập của giáo viên hợp đồng sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số khoản khác chỉ còn trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Do đó, 3 năm gần đây, có hàng trăm giáo viên mầm non, tiểu học không chịu được áp lực công việc, thu nhập thấp đã chuyển sang làm việc khác. Đây cũng là lý do khiến nhiều giáo viên không gắn bó với nghề.
Theo đại diện một số nhà trường trong tỉnh, để giáo viên hợp đồng yên tâm, gắn bó với nghề thì các cấp, ngành cần nghiên cứu, xem xét có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp. Có thể tăng tiền tiết dạy, tăng hỗ trợ đóng bảo hiểm... Nếu không được quan tâm hỗ trợ phù hợp, nhiều giáo viên hợp đồng sẽ khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ, nhất là khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp... "Chúng tôi trả lương cho giáo viên hợp đồng theo đúng công văn của UBND tỉnh. Kinh phí nhà trường còn hạn hẹp nên không thể hỗ trợ thêm cho họ", ông Nguyễn Thành Luân, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Kha cho biết.
Dù là giáo viên hợp đồng nhưng lượng công việc, cường độ lao động, sức đóng góp cũng không ít hơn giáo viên biên chế. Vì thế, họ rất cần được quan tâm xem xét các chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là giáo viên dạy giỏi, say nghề.
NGUYỄN THẢO