Chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Công nghiệp - Ngày đăng : 07:00, 10/12/2021

Thời gian qua, chi phí "trải đường" tăng rất cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm chậm đà hồi phục, giảm sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.


Hiện mức phí nâng, hạ container tại các cảng ở Hải Phòng đều tăng

Phí "trải đường phi mã"

2 năm qua, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các DN tận dụng cơ hội, thời cơ để từng bước phục hồi sản xuất. Đặc biệt khi Chính phủ điều chỉnh phương châm phòng chống dịch từ "Zero Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nền kinh tế đã mở cửa hơn, việc giao thương, vận chuyển ngày càng thuận lợi. Dù vậy, nhiều DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn khác, đó là chi phí "trải đường" tăng rất cao. Theo chia sẻ của các thương nhân, thời gian qua phí vận tải, bảo quản hàng hóa, xuất nhập khẩu tăng cao khiến các DN điêu đứng.

Là DN chuyên xuất khẩu nông sản và sản xuất phân bón, Công ty CP Phân bón FUSA ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) bị ảnh hưởng lớn khi các chi phí vận chuyển tăng cao. Ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc công ty cho biết cước vận chuyển bằng đường hàng không hiện đã tăng từ 5-6 lần. Những tháng giữa năm 2021, cước vận chuyển hàng không từ 2-3 USD/kg nhưng từ tháng 10 đến nay đã tăng lên từ 12-13 USD/kg. Cước vận chuyển bằng đường biển cũng tăng từ 6-7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đại diện nhiều DN xuất khẩu cho biết cước vận chuyển đi Mỹ từ 1.500-3.000 USD cho 1 container 40 feet vào đầu năm 2020, đến nay tăng lên 13.000-15.000 USD. Việc booking (đặt chỗ) hiện cũng rất khó khăn, thậm chí sau một thời gian đôn đáo tìm kiếm, khi booking rồi thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/container 40 feet. 

Hiện mỗi tháng Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương đảm nhận dịch vụ giao nhận, kho vận hàng hóa xuất nhập khẩu và logistics cho khoảng 500 DN. Theo ông Nguyễn Địch Dũng, Giám đốc công ty thì năm nay, giá dầu tăng ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các DN sản xuất, vận chuyển, bán hàng đều chậm dẫn tới chi phí lưu kho tăng. Các DN liên tục phải xét nghiệm cho lái xe và người lao động… Tổng chi phí phát sinh cho vận chuyển đã tăng từ 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Hiện DN phải trả khoảng 2,5 triệu đồng/lượt vận chuyển cho mỗi container từ cảng ở Hải Phòng về Hải Dương. Ngoài ra năm nay mức phí nâng, hạ container tại các cảng ở Hải Phòng đều tăng khá mạnh. Nếu như cuối năm 2020, phí nâng hoặc hạ mỗi container chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/lần thì cuối năm nay mức giá này đã tăng lên 1,6-1,8 triệu đồng/lần. 


Nhiều thời điểm Công ty CP May II Hải Dương phải bù lỗ nhưng vẫn tổ chức sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động

Lo lắng

Theo tìm hiểu, mặc dù DN phải chịu chi phí logistics tăng cao nhưng chất lượng vận chuyển không tăng. Nhiều DN phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do những lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển. Rất nhiều đơn hàng của DN đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến chồng chất khó khăn. DN còn lo lắng về khả năng phục hồi, cạnh tranh với các DN khác...

Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử dùng cho thiết bị văn phòng tự động và các loại thiết bị điện, điện tử khác. Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất chủ yếu là thép và inox được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên thời gian qua, giá thép và giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí đầu vào của DN tăng từ 20 - 30%. Ông Nguyễn Công Hoan, Trợ lý Giám đốc công ty chia sẻ: "Chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo. Kết quả cuối cùng là các DN khách hàng phải chịu. Điều chúng tôi lo lắng nhất là khi chi phí trung gian tăng như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của công ty với các DN khác, đặc biệt là các DN của Trung Quốc. Dù đã rất cố gắng nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch và chi phí tăng cao như hiện nay thì DN không đạt được mục tiêu. Dự kiến trong năm 2021, doanh thu của chúng tôi chỉ đạt khoảng 90% kế hoạch".

Sản phẩm của Công ty CP May II Hải Dương hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Anh, EU, Hàn Quốc. Năm nay DN gặp nhiều khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những tháng đầu năm có thời điểm lượng hàng xuất đi giảm tới 70%, công nhân phải thay nhau nghỉ việc. Từ tháng 7 tới nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới trở lại bình thường. Tháng 11 vừa qua, DN xuất khẩu 332.000 sản phẩm các loại với tổng trị giá 1.649.000 USD. Theo ông Đoàn Văn Dương, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty thì khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu giai đoạn dịch bệnh là chi phí xét nghiệm Covid-19 cho những người tham gia các khâu xuất nhập hàng… Hơn nữa, cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã làm giảm giá gia công của DN. Nhiều thời điểm DN phải bù lỗ nhưng vẫn phải hoạt động để duy trì việc làm cho người lao động.

Chi phí logistics tăng cao khiến khả năng phục hồi của DN bị chậm lại.

NGUYỄN LAN - MAI LIÊN