Xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:01, 10/12/2021

Ngày 10.12 được tôn vinh là “Ngày Nhân quyền quốc tế”. Hằng năm, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đều kỷ niệm ngày này nhằm tôn vinh các giá trị về quyền con người.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, các tổ chức phản động, cơ hội chính trị tăng cường móc nối với nhau, thường xuyên có các hành động chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam. 

Cuối tháng 11 vừa qua, Đài RFA tăng cường tuyên truyền, cổ súy cho cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam”. Đối tượng mà chúng công bố nhận giải lại là những kẻ chống đối đã bị các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam điều tra, xét xử, kết án và đang trong thời gian thi hành những bản án nghiêm minh của pháp luật. Thực chất “giải thưởng” này do các phần tử phản động lưu vong ở hải ngoại dựng lên nhằm cổ súy, tung hô, tiếp sức cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, cần lên án, bác bỏ.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam; không ngừng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Và một trong những bước phát triển lớn nhất của Việt Nam là những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 với 36 điều (từ điều 14 đến điều 49). Nội dung của các điều luật này đã nêu được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế. Quốc hội cũng đã thông qua nhiều bộ luật và các luật, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng tôn giáo... 

Đại hội XIII của Đảng xác định: Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời, nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Thực tế những năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu lớn trong công tác đấu tranh, bảo vệ quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhìn lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, có thể khẳng định, ở nước ta hiện nay các quyền của con người được phát huy và bảo đảm vững chắc bởi các thể chế nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt là nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, tính mạng của dân trong thiên tai, dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới; mỗi ngày qua đi, lại có thêm hàng nghìn gia đình mất người thân. Thất nghiệp, nghèo đói, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội tiếp tục ngưng trệ. Thế nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hiện nay đất nước ta đã trở về với trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; trẻ em đã trở lại trường học, nhà máy, công xưởng, cửa hàng, siêu thị đã tấp nập trở lại. 

Với sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi quyền con người đã được nhiều quốc gia trên thế giới, khu vực, các tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được khối ASEAN đề cử tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

NGUYỄN THANH