Kỷ niệm về học trò thơ Trần Đăng Khoa

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:27, 12/12/2021

Khoa thời còn nhỏ có sức cuốn hút rất kỳ lạ với mọi người. Em đi vào nhiều giai thoại với tư cách một thần đồng về thơ.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được điều về Hải Dương dạy học. Một trong những gương mặt học sinh để lại nhiều ưu ái trong đời dạy học của chúng tôi là Trần Đăng Khoa. Khi ấy trường chúng tôi về đóng tại xã Quốc Tuấn (Nam Sách) - quê Trần Đăng Khoa, để tránh xa trục đường 5 đang bị giặc Mỹ bắn phá. Gia đình em coi tôi như người nhà.

Khoa thời còn nhỏ có sức cuốn hút rất kỳ lạ với mọi người. Em đi vào nhiều giai thoại với tư cách một thần đồng về thơ. Có người nghĩ là em được trọng vọng, chiều chuộng như cây cảnh. Nhớ lại mới thấy đúng và cũng chưa đúng. Gần em mới thấy, em phải gánh chịu một mình tất cả những thử thách của một tài năng. Không ai chia sẻ được những nặng nề mà em riêng chịu, còn những vinh quang thì em có thể sẻ san cho cả nước. Nhìn Khoa sống, học hành, làm thơ, tôi thấy ở em tấm gương lớn cho học trò và cả chúng tôi.

Những ngày ấy em như một tấm gương không sao theo kịp. Riêng ba năm học cấp III (1971 - 1975), ngoài việc nhà, việc lớp, em đã sáng tác một khối lượng dồi dào, đa dạng: viết hai tập thơ ("Từ ngọn lửa sinh ra" 19 bài, "Lá bàng mùa đông" 26 bài), hoàn thành tiểu thuyết "Bước chân thứ nhất" tập 1, viết hai trường ca công phu và vang dội nhất ("Trừng phạt", được giải ở Ấn Độ, dài 577 câu; "Khúc hát người anh hùng" viết về nữ anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi được tặng giải nhất của tạp chí Văn nghệ quân đội, dài 1.173 câu). Để viết ngần ấy tác phẩm, em phải vượt biết bao thử thách tất yếu của lao động sáng tạo và khá nhiều cái kỳ cục, ấu trĩ, nhớ lại thấy thương cho cả một thời...

Thời ấy và cho đến nay em vẫn giữ được cách cư xử rất đúng mực, rất ân cần đối với các thày giáo cũ. Tôi nhớ những đêm ngủ ở nhà em, em sợ màn cũ vá nhiều chỗ, muỗi lọt vào nên rọi đèn soi rất kỹ. Tôi hay kể về lối sống và cách cư xử của Khoa cho các lớp học trò sau nghe, hầu hết các nét của bức tranh này thật giản dị mà đẹp. Gương sáng của những học sinh như Trần Đăng Khoa trong học tập sẽ là những tấm gương không gì che lấp được. Chỉ có điều hiện nay đang vận động tiến lên, đổi mới, nhớ lại để thêm cảm thông với công việc vô vàn nặng nề của đồng nghiệp gần xa…

LÊ HỒNG THIỆN(st)

Trích hồi ký: "Ba mươi năm bảy tháng trong nghề dạy học" của thầy giáo Nguyễn Văn Đức dạy ngữ văn Trường cấp III Nam Sách, Hải Hưng (1971-1975)