Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam: Hành trình không ngừng nghỉ

Tin tức - Ngày đăng : 15:20, 13/12/2021

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do mà đó còn chính là bản tuyên ngôn về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.


Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng tiến rất mạnh về chỉ số phát triển con người. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam chỉ có 49 câu, hơn một nghìn chữ nhưng trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những giá trị to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc về nhân quyền.

Và kể từ đó, trong hơn ba phần tư của thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã xây dựng một Nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh và ở đó, các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Thành tựu của những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã được ghi nhận khi Việt Nam được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa vào danh sách những nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới.

Tốc độ phát triển con người thuộc nhóm cao nhất thế giới

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng tiến rất mạnh về chỉ số phát triển con người và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới. Nếu như khi Việt Nam mới tham gia vào việc đánh giá chỉ số phát triển con người năm 1990 chỉ đạt một mức thấp là 0,48 thì đến nay, Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước có chỉ số cao.

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 của UNDP cho thấy mức độ bất bình đẳng ở Việt Nam duy trì ở mức vừa phải và ổn định, trong đó bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704 đã đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người ở mức cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 10 năm từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, Việt Nam nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, tổng thu nhập (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 370%.

“Đáng chú ý, tiến bộ phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng ở mức vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (đo lường bất bình đẳng thu nhập) ở mức 35,7, đây là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương,” bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới và đây cũng là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trên toàn cầu.


Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất từ trước tới nay. Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam nằm trong nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm không sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100.000 dân). Tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Kết quả trên có được là do quyền con người luôn là một vấn đề trọng tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam. Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao và ca ngợi chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến các thành tựu phát triển về con người của Việt Nam, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong số đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sống của người dân. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hai gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng năm 2020 và 26.000 tỷ đồng năm 2021 dành cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho lao động bị mất việc, lao động tự do, hộ nghèo, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, các đối tượng chính sách…


Chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người dân gặp khó khăn do COVID-19. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Không ngừng thúc đẩy quyền con người

Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước ước nhân quyền quốc tế chủ chốt như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ…

Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.

Trong 5 lần sửa đổi Hiến pháp, quyền con người ngày càng được Chính phủ Việt Nam quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã dành riêng một chương gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân; trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019…

Công tác cải cách chính sách hay là hoàn thiện các thể chế pháp luật của Việt Nam đều có nội dung liên quan đến các quyền con người và vấn đề phát triển con người, bởi lẽ Chính phủ Việt Nam luôn xác định con người chính là trung tâm của xã hội, trung tâm của sự phát triển, của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, các dự thảo văn bản luật và dưới luật đều được giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến rộng rãi của nhân dân. Nhờ có tỷ lệ người dân người sử dụng Internet cao, chiếm khoảng 70% dân số nên Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ về quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật đảm bảo công bằng, dân chủ.

Song song với việc liên tục hoàn thiện lại thể chế pháp luật, chính sách trong nước, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021... và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc để hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Từ những thành tựu đã đạt được trong phát triển quyền con người, Chính phủ Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam cũng đã được Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của hiệp hội cho vị trí này. Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Theo Vietnam+