Cuốn sách “Đường Kách mệnh" tìm thấy ở Hải Dương
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:27, 15/12/2021
Cuốn sách “Đường Kách mệnh” (ảnh tư liệu)
Năm 2012, cuốn sách đã được Nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Có thể nói, đó cũng là hiện vật “độc nhất vô nhị” ở bảo tàng.
Cuốn “Đường Kách mệnh" gồm 100 trang in thạch, trên giấy nến, kích thước 22x15 cm, trang bìa lót có kích thước 15x20 cm đã ngả màu vàng cùng hơn 150 tài liệu, hình ảnh có giá trị lớn. Cuốn sách tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội) bao gồm những thanh niên yêu nước đang hoạt động ở Trung Quốc, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Từ năm 1927, các hội viên của Hội lần lượt về nước để tuyên truyền, vận động và xây dựng các cơ sở cách mạng trong dân chúng, đặc biệt là trong lực lượng công nhân ở các khu công nghiệp, khu đô thị.
Theo cuốn “Tiểu sử đồng chí Nguyễn Lương Bằng” – Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2015, hành trình cuốn sách trên như sau: năm 1927, Nguyễn Lương Bằng lấy tên là Ba, làm bếp dưới tàu Sông Bô chạy tuyến Hải Phòng – Hồng Kông. Tàu vận tải này có khoảng 20 thủy thủ, chủ yếu làm các công việc kéo neo, quét dọn sơn, bốc vác. Việc giao thông liện lạc trong nước sang Trung Quốc và ngược lại rất thuận tiện. Nguyễn Lương Bằng đã xây dựng cơ sở trên tàu và chỉ đạo đường dây liên lạc, đưa tài liệu, đưa đón được gần 200 cán bộ cách mạng, tiếp chuyển 250 báo Thanh Niên và sách "Đường Kách mệnh" cùng một số tài liệu khác từ Quảng Châu (Trung Quốc) về nước, một số tài liệu từ trong nước ra nước ngoài. Những tài liệu này đưa về, được giao cho cơ sở ở ngõ Gạo, phố Paty - nay là phố Lý Thường Kiệt (Hải Phòng), sau đó được nhân thành nhiều bản để lưu hành bí mật ở Hải Phòng và Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… Thông qua đường dây liên lạc do Nguyễn Lương Bằng phụ trách, báo Thanh Niên và sách “Đường Kách mệnh” được phân phối trong nước đã nhanh chóng truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và yêu nước ở nước ta.
Năm 1928, đồng chí Trần Khắc Quảng (tức Khóa Nam) một cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ Hải Phòng về Thanh Hà (Hải Dương) hoạt động với danh nghĩa là người dạy học và bán quế. Do đồng chí là người giỏi võ nên được các trai tráng trong làng theo học rất đông. Qua đó, đồng chí đã tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức ra Nông hội đỏ, Hội Tương tế, Hội Ái hữu... ở địa phương.
Vào những năm 1930-1931, lần đầu tiên dân chúng ở Thanh Hà được nhìn thấy cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, áp phích dán và rải khắp trong huyện với nội dung phản đế, phản phong, đòi người cày có ruộng. Hoạt động của đồng chí Trần Khắc Quảng có ảnh hưởng sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân Hải Dương nói chung và Thanh Hà nói riêng, làm cho bọn tay sai của đế quốc, phong kiến hoảng sợ. Chúng báo cho quan trên, mật thám của Pháp về theo dõi. Chính trong thời gian này, cuốn “Đường Kách mệnh” của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một trong những lãnh tụ của Đảng bí mật chuyển từ Hải Phòng về khu Hà Đông (gồm các xã nằm ở phía đông huyện Thanh Hà).
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa cuốn “Đường Kách mệnh” cho đồng chí Quách Trung Đản rồi tới đồng chí Trần Khắc Quảng. Trong một cuộc họp ở nhà ông Nguyễn Bá Khắc (thôn Vĩnh Bình), do có chỉ điểm, phó lý Nguyễn Văn Tôn đã đưa mật thám và lính Pháp về vây bắt. Đồng chí Trần Khắc Quảng trúng đạn, vết thương rất nặng nên bị chúng bắt. Đến bến đò Gùa (nay là cầu Hợp Thanh) thì đồng chí hy sinh. Khám trong người đồng chí, chúng thu được cuốn “Đường Kách mệnh” và đem nộp tri huyện Thanh Hà.
Một điều lý thú là trong cuốn “Đường Kách mệnh” hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia có một tờ giấy rời (tờ trình) viết chữ Nôm bằng mực son kể về việc bắt được cuốn sách. Toàn văn tờ trình đó như sau: “Tên con là phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng hai”. Phó lý Nguyễn Văn Tôn (ký), có chữ “Nhất” và chữ “ Phụng đệ” cùng với chữ ký và con dấu của tri huyện Thanh Hà Trần Ngọc Liễn.
Tờ trình của phó lý xã Hạ Trường xác nhận một sự thực quan trọng là ngày 29 tháng hai, Bảo Đại năm thứ 5, tức là ngày 28.3.1930, y đã bắt được cuốn sách “cấm” tại nơi cư trú của y, sau trên dưới 3 năm xuất bản, đã nộp “tang vật” kèm theo tờ trình lên tri huyện Thanh Hà và đã được viên quan cấp trên xác nhận.
Ngày 5.10.1974, trong thư gửi Đảng bộ tỉnh Hải Hưng nhân dịp gửi tặng cuốn sách "Đường Kách mệnh" cho tỉnh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết: “Đây là tác phẩm quý giá đầu tiên viết bằng Tiếng Việt, đặt nền móng lý luận cho cách mạng Việt Nam. Qua những bài giảng trong sách, lớp cách mạng đầu tiên do Bác đào tạo nắm được những kiến thức và tư tưởng chính trị cần thiết trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác –Lê Nin. Được giao trách nhiệm, tôi đã bí mật đem tài liệu này về nước vào khoảng mùa thu năm 1927 và đã phát cho nhiều đồng chí chúng ta đang hoạt động ở các nơi, trong đó có mấy đồng chí trong tỉnh nhà…Năm 1958 ta tìm thấy cuốn sách trong đống hồ sơ mà địch bỏ lại ở Tòa án Hà Nội mà chúng đã khám phá bắt được tại xã Hạ Trường, huyện Thanh Hà trong tỉnh ta…”
Sau khi đồng chí Trần Khắc Quảng hy sinh, phong trào cách mạng nơi đây không vì thế mà bị dập tắt, trái lại còn bùng cháy mạnh mẽ hơn. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, ngày 27.7.1945, lực lượng tự vệ cùng với sự nổi dậy của quần chúng đã tước vũ khí, giải tán chính quyền, tri huyện Thanh Hà Phạm Quang Hãn giao nộp vũ khí đầu hàng. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945 trên cả nước nói chung, ở Hải Dương và Thanh Hà nói riêng đã diễn ra mau lẹ, khẩn trương, kịp thời, giành thắng lợi trọn vẹn.
Thanh Hà, Hải Dương - vùng quê nơi đã từng được sở hữu cuốn sách quý “Đường Kách mệnh” ngày nay đã thay da, đổi thịt, phát triển ngày càng giàu đẹp.
LÊ QUÝ HOÀNG