Chật vật làm tiểu thủy lợi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:10, 15/12/2021

Tiểu thủy lợi chiếm lượng lớn trong làm thủy lợi đông xuân nhưng đây cũng là phần việc duy nhất không được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện.


HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) thuê máy xúc làm tiểu thủy lợi

Vì thế, việc triển khai làm tiểu thủy lợi (TTL) không mấy thuận lợi và tiến độ thực hiện cũng chậm hơn so với các hạng mục khác. Nhiều địa phương phải chật vật, xoay xở để hoàn thành hạng mục này.

Thiếu kinh phí

Xã An Lâm (Nam Sách) có 267 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vụ đông xuân 2021-2022, địa phương có kế hoạch làm hơn 7.000 m3 TTL để bảo đảm việc tưới tiêu cho cả năm. Do là vùng trồng vụ đông nên HTX Dịch vụ nông nghiệp An Lâm phải lựa thời điểm làm TTL để không ảnh hưởng tới nguồn nước tưới dưỡng cho hành. Dù có thêm nguồn thu từ cung cấp dịch vụ nông nghiệp song việc làm TTL của HTX cũng không mấy thuận lợi. HTX phải căn cơ từng đồng từ tiền cấp bù thủy lợi phí, giao việc kiêm nhiệm không phụ cấp cho từng thành viên thì mới có khả năng thực hiện được. Ông Mạc Đức Tăng, Giám đốc HTX cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu thì phải làm tốt TTL. Thế nhưng khối lượng TTL lớn khiến HTX rất vất vả trong triển khai thực hiện. Ngoài nạo vét mương cấp I do đơn vị quản lý thì HTX còn phải huy động nhân dân khơi thông mương xương cá. Nếu chỉ trông mong vào thủy lợi phí thì không đủ bởi giá điện, giá công lao động ngày một tăng cao trong khi tiền cấp bù vẫn không đổi. Do đó, ngoài huy động nhân dân đóng góp thêm theo đầu sào, HTX phải tìm cách xoay xở kinh phí thì mới bảo đảm được kế hoạch làm TTL”.

Mỗi vụ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang) mất khoảng 200 triệu đồng để làm TTL. Gần 220 ha đất nông nghiệp do HTX phụ trách cấy lúa hoàn toàn, cần nguồn nước tưới lớn nên việc kiến thiết, làm TTL cũng tốn kém hơn. Hằng năm, HTX đều phải kiểm tra, rà soát hơn 15 km mương để xây dựng kế hoạch làm TTL. Khối lượng làm TTL rất lớn trong khi thủy lợi phí là nguồn để duy trì hoạt động điều tiết tưới tiêu cả năm nên không thể phụ thuộc vào nguồn này. Do đó, HTX phát động người dân đóng góp 50.000 đồng/sào/năm vừa làm TTL vừa cải tạo đột xuất mương máng. Mặc dù vậy không phải hộ nào cũng đồng tình với cách làm này. Ông Đỗ Trọng Hường, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho rằng các cấp, các ngành cần quan tâm, phối hợp với các HTX để tháo gỡ khó khăn này, không thể để tình trạng làm đến đâu hay đến đấy cứ mãi kéo dài mà phải có kế hoạch thực hiện TTL cụ thể, bài bản. HTX lo ngại thời gian tới nếu người dân bỏ ruộng, không đóng góp thì việc làm TTL sẽ đáng ngại hơn nhiều.

Tiểu thủy lợi là hạng mục không được tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện

Chủ động khắc phục

TTL là hạng mục nhỏ nhưng lại chiếm khối lượng lớn trong làm thủy lợi đông xuân. Vụ đông xuân 2021-2022, tỉnh có kế hoạch đào đắp, nạo vét hơn 1,2 triệu m3 bùn đất ở các công trình thủy lợi thì TTL chiếm gần 530.000 m3, còn lại là kênh dẫn nhánh, kênh nổi, cửa cống hố hút. TTL là phần việc duy nhất không được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện. Vì thế, việc triển khai làm TTL không mấy thuận lợi và tiến độ thực hiện cũng chậm hơn so với các hạng mục khác. Mặc dù không có kinh phí hỗ trợ song nếu làm TTL qua loa, hời hợt sẽ ảnh hưởng lớn tới việc điều tiết nước giữ các đầu mối kênh, làm giảm hiệu quả tưới tiêu.

Để có thể bảo đảm tiến độ làm TTL, phục vụ tưới tiêu cho 520 ha đất nông nghiệp, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) phải thuê máy xúc thay vì làm thủ công. Ông Hoàng Đức Lâm, Giám đốc HTX cho biết nhu cầu làm TTL ở địa phương rất lớn trong khi kinh phí có hạn. Ngày trước, ruộng nhỏ, mương bé có thể huy động người dân tham gia làm TTL, còn sau dồn điền đổi thửa, đồng ruộng quy củ nên phải dùng máy thì mới hiệu quả. Tiền thuê máy mất 270.000 đồng/giờ nên dùng hết thủy lợi phí chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu thực tế, còn lại HTX phải tự cân đối các khoản, lấy chỗ này bù chỗ kia. Mặc dù vậy HTX vẫn cố gắng khắc phục để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho việc lấy nước đổ ải, sản xuất vụ đông xuân.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, không phải vì đánh giá thấp vai trò của TTL mà UBND tỉnh không hỗ trợ kinh phí thực hiện mà đây là hạng mục không quá khó thực hiện nên các địa phương có thể triển khai bằng nhiều cách khác nhau. Vì vậy, để tránh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm gây ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương và đơn vị khai thác công trình thủy lợi cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, giao trách nhiệm cụ thể. Đồng thời huy động, tận dụng nguồn lực tại chỗ để thực hiện. Có như vậy, việc làm TTL mới hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

DŨNG CƯỜNG